Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Video chồng tự tay cạo đầu cho vợ ung thư gây xúc động

Hàng ngày đọc tin tức trên báo đài, mạng xã hội, Lam gặp nhiều bài viết về ung thư. Thế nhưng, cô chưa từng nghĩ căn bệnh này ập đến khi mình mới 19 tuổi, khi vừa kết hôn 1 tháng.

Nguoi tre ung thu anh 1

Trong lần đi khám tổng quát vào tháng 11/2019, Nguyễn Thị Tường Lam (sinh năm 2000, quê ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn 4 dù trước đó không có dấu hiệu gì bất thường.

Cầm kết quả trên tay, Lam không biết “u lympho Hodgkin” là gì, phải vào mạng tra thông tin. Ba chữ “ung thư hạch” hiện lên khiến cô như chết lặng, không nói được câu gì.

Dù trong lòng rất sợ hãi, cô vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ trước mặt mẹ và đi làm tiếp các xét nghiệm.

Khi đó, Lam mới kết hôn được một tháng. Chồng cô vừa trở về Mỹ được vài ngày thì xảy ra chuyện. Nghe vợ báo tin, anh sốc và chỉ biết khóc.

“Tối về, tôi cứ nghĩ mọi chuyện chỉ là cơn ác mộng, ngủ một giấc sẽ hết. Nhưng khi tỉnh dậy, vẫn không có gì thay đổi”, cô nhớ lại.

Thương con gái còn quá trẻ, bố mẹ Lam cũng cạn nước mắt. Nhưng rồi họ gắng vực dậy, đưa con tiếp tục đi tìm bệnh.

Cuộc chiến dai dẳng

Lam nhớ như in ngày 24/12/2019, cô vào Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM nằm điều trị. Sau khi bị chọc tủy, cơn đau ập tới khiến cô phải ngồi xe lăn trở về phòng bệnh.

Được về nhà nghỉ một tuần chờ kết quả, đến 28 Tết năm 2020, Lam phải nhập viện vào hóa chất đợt một. Đó cũng là khởi đầu của hành trình đau đớn gần 4 năm nay.

“Vào hóa chất đỏ xong, tôi ngửi đồ ăn đều thành mùi khó chịu. Tới giờ ăn với tôi như cực hình. Tôi cứ ăn vào là ói ra, bị sốt cao nên không thể về nhà”.

May mắn là khi cắt sốt, bác sĩ cho Lam về nhà đúng mùng 1 Tết. Nhưng cô còn ói nhiều và không thể ăn, chỉ nằm li bì rồi uống sữa suốt nhiều ngày.

Trong vòng 6 tháng điều trị, Lam phải vào hóa chất 12 lần. Cô nhen nhóm hy vọng khi ở lần 4, kết quả chụp PET/CT (chụp cắt lớp phát xạ positron) cho thấy tế bào ung thư giảm 80%, chỉ còn ở giai đoạn 2.

Tuy nhiên, ở lần 12, hạch lại nổi như ban đầu, không thuyên giảm và trở về giai đoạn 4.

“Bệnh ung thư đã gian nan, cơ thể kháng trị hóa chất như tôi lại càng khó gấp nhiều lần. Nếu chỉ có một mình, có lẽ tôi cũng nghĩ đến việc buông xuôi”, cô ngậm ngùi.

Theo phác đồ mới, bác sĩ cho Lam đi xạ trị 25 mũi ở Bệnh viện Nhân dân 115. Lần này, cô tự thuê phòng ở TP.HCM, ngày ngày tự chạy xe từ quận Phú Nhuận lên bệnh viện xạ trị.

Lam nhất quyết không cho mẹ đi theo vì không nỡ nhìn bà lo lắng, phải nằm ngủ dưới gầm giường bệnh. Dịch Covid-19 cũng ngăn cản chồng cô trở về Việt Nam chăm sóc vợ.

Một mình Lam chống chọi với cơn đau rát cổ họng, không ăn được, uống nước cũng đau sau những lần xạ trị. Kết quả không khả quan khiến cô sau đó phải mổ sinh thiết, rồi mổ nội soi trong ổ bụng mới phát hiện bệnh ác tính vẫn còn.

Lúc này, Lam có visa sang Mỹ, nhưng cô chọn từ bỏ để ở Việt Nam điều trị.

Chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, cô được chỉ định ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra và đánh giá kết quả, bác sĩ kết luận phương án này có nhiều rủi ro.

Rơi vào tuyệt vọng, Lam từ bỏ điều trị từ tháng 11/2021. Suốt nửa năm sau đó, cô không vào hóa chất hay thuốc khiến hạch tái lại nhiều.

Chồng cạo đầu động viên vợ

Từ khi phát hiện bệnh, sinh hoạt của Lam không khác nhiều, chỉ kiêng thịt bò và gần như bỏ hẳn sở thích uống trà sữa. Trái lại, cơ thể của cô thay đổi nhanh chóng.

“Sau 2 đợt hóa trị, tóc rụng dần nhưng tôi chưa đủ can đảm để cạo, chỉ cắt kiểu tomboy. Đến khi rụng hơn nửa đầu, chỉ còn lơ thơ phần tóc ngoài, tôi vào chùa nhờ sư cô cạo cho sạch sẽ. Chồng ở xa cũng cạo chung để động viên tôi”, cô xúc động nói.

Lần thứ 2 cạo tóc, Lam được tự tay chồng làm cho vì sang đoàn tụ với anh tại thành phố Arlington (bang Texas, Mỹ) từ trước đó. Xong đâu đấy, người chồng cũng cạo luôn cho mình.

Khi Lam tiếp tục chạy chữa bệnh ở Mỹ, chồng cô luôn đi theo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Với anh, 3 năm dịch bệnh bị chia cắt là quá đủ, anh không muốn bỏ lỡ thêm phút giây nào được ở bên vợ.

Đến nay, Lam không nhớ rõ mình vào hóa chất 26 hay 27 lần.

Chi phí điều trị ở Việt Nam phác đồ 1 khoảng 60 triệu đồng, phác đồ 2 khoảng 2 tỷ đồng với mỗi lần vào thuốc là 120 triệu đồng (3 tuần vào một lần). Lam hiện không lo lắng nhiều vì cơ sở y tế ở Mỹ rất tốt. Đợt điều thứ 3 không tốn kém nhiều như trước, chi phí là 7.000 USD/năm và đóng bảo hiểm 600 USD/tháng.

Nhưng vì bệnh quá lâu và điều trị kéo dài, cô cảm nhận cơ thể mình dần yếu đi.

Dù vậy, Lam vẫn thấy mình may mắn khi có gia đình, bạn bè và tình yêu thương của chồng. Cô biết ơn cuộc đời mỗi sớm mai còn được thức dậy.

Con gái tập thể hình từ năm 15 tuổi, được mẹ đưa đi thi đấu

Ở 2 giải đấu đầu tiên trong sự nghiệp, Mai Chi giành được 3 tấm huy chương, nhưng điều khiến cô hạnh phúc hơn cả là sự đồng hành, động viên của mẹ.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm