Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Video ‘đám tang không người tiễn vì Covid-19 ở TP.HCM’ là tin giả

Bà Vũ Thị Như Xuân, chủ tịch UBND phường 12 (quận Tân Bình), cho Zing hay người mất trong clip là cụ bà 86 tuổi, qua đời do tuổi cao và không liên quan đến Covid-19 như tin đồn.

Mạng xã hội lan truyền video về một đám tang không người đưa tiễn ở quận Tân Bình (TP.HCM).

Kèm theo đó là bài viết chia sẻ câu chuyện về gia đình có 3 người mất vì nhiễm Covid-19, vợ chồng và con đều bị dương tính và đang điều trị.

Trong video được đăng tải, đám tang chỉ có đội 7 người mặc đồ bảo hộ khiêng quan tài, không có người thân xuất hiện, khiến một số người cho rằng người mất bị nhiễm Covid-19.

mat vi covid-19 anh 1

Clip đám tang ở quận Tân Bình lan truyền trên mạng.

Zing đã liên hệ với bà Vũ Thị Như Xuân, chủ tịch UBND phường 12 (quận Tân Bình) để xác minh thông tin. Bà Như Xuân cho biết đám tang đúng là diễn ra tại địa bàn phường nhưng không liên quan đến dịch Covid-19.

"Đám tang là của cụ bà 86 tuổi, cụ mất vào tối thứ 7 (ngày 17/7). Tối đó, có 2 người con của bà (ở cùng hẻm) được xác nhận dương tính với Covid-19 khi đi xét nghiệm tại bệnh viện. Hai người đã được bệnh viện giữ lại, phường cũng xuống tiến hành test nhanh và xác nhận cụ bà âm tính với Covid-19", bà Như Xuân cho biết.

Sáng 18/7, phường đã tiến hành phong tỏa hẻm. "Do cụ bà mất trùng hợp với thời điểm hai con được xác nhận nhiễm Covid-19 nên xuất hiện một số tin đồn rằng cụ mất vì nhiễm virus", bà Như Xuân nói thêm.

Thông tin đưa sai lệch trên mạng làm ảnh hưởng tới tinh thần gia đình của cụ. Bà Như Xuân mong các trang mạng không lan truyền hình ảnh cùng lời lẽ sai lệch, giữ sự riêng tư cho người đã mất, cũng như để các con cụ yên tâm chữa trị.

Sáng 20/7, lễ đưa tang cụ bà diễn ra, nhân viên y tế phường đã hướng dẫn đội mai táng mặc đồ bảo hộ, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Trong bài viết riêng cho Zing, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - từng nhấn mạnh kiểm tra nguồn thông tin là điều quan trọng để tránh bị đánh lừa bởi tin giả.

Thông tin trên mạng có rất nhiều, người dân nên chọn lọc theo dõi một số nguồn đáng tin cậy như trang thông tin chính thức của chính phủ, thông báo từ Bộ Y tế, Sở Y tế địa phương, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, trung tâm y khoa nổi tiếng, tập san khoa học chính thống.

Nếu phát hiện tin giả, người dân có thể phản ánh tại địa chỉ tingia.gov.vn. hoặc gọi đến số 18008108 để báo cáo.

Theo Điều 101, Nghị định 15 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính 10-20 triệu đồng.

Hình ảnh 'thi thể bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM' là giả mạo

Hình ảnh đang chia sẻ nhiều trên mạng, ghi lại cảnh các bệnh nhân qua đời vì Covid-19, được quấn trong nhiều lớp nylon, đặt dưới sàn nhà, không phải chụp tại Việt Nam.

Chịu tang bố xong, nữ sinh lập tức đăng ký đi chống dịch ở TP.HCM

Bố qua đời chưa tròn tháng, Ngọc Thùy đã xung phong tham gia đội tình nguyện chống dịch ở TP.HCM. Mỗi lần gặp con qua điện thoại, mẹ cô lại không giấu được sự lo lắng.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm