Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Video hiện trường vụ án phô bày trên TikTok

Nhiều gia đình nạn nhân bức xúc khi cảnh thương tâm của người thân bị phơi bày công khai trên mạng xã hội

Gần đây, video của các đơn vị chuyên dọn dẹp hiện trường vụ án ngày càng phổ biến trên TikTok và tiếp cận hàng triệu người theo dõi. Sự xuất hiện của những đoạn clip này đặt ra câu hỏi về đạo đức và pháp lý về việc liệu chúng có được phép xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội hay không.

Spaulding Decon, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ làm sạch ở Mỹ, đang là tâm điểm của vụ kiện với Michelle Lynn Syers, một góa phụ vừa mất chồng. Người phụ nữ này tức giận khi video của doanh nghiệp này tiết lộ nguyên nhân cái chết của chồng cô.

Trong đơn kiện được đệ trình vào tháng 6 vừa qua, Syers cho biết công ty không hề xin phép sự đồng ý của cô khi thực hiện những cảnh quay.

Đến khi các con cô vô tình phát hiện chúng trên mạng, cô mới được biết. Ngoài ra, video còn để lộ cảnh tự sát và bên ngoài ngôi nhà khiến họ gặp nhiều rắc rối, theo Insider.

Video don dep hien truong anh 1

Các video dọn dẹp hiện trường gây ám ảnh cho người xem. Ảnh: Insider.

Câu view bất chấp

Chia sẻ với Insider, Syers và gia đình bàng hoàng, đau khổ khi xem lại đoạn video trên.

“Khách hàng của chúng tôi mong đợi được đối xử một cách tôn trọng. Cô ấy cho rằng Spaulding Decon đã lợi dụng tang sự của người nhà để câu view và cố gắng trục lợi từ những gia đình mất mát”, Paul Fulmer, luật sư của Syers, chia sẻ.

Laura Spaulding, chủ sở hữu và giám đốc điều hành của Spaulding Decon, phủ nhận cáo buộc của Syers.

Doanh nghiệp này có chi nhánh tại 18 tiểu bang và là dịch vụ khử nhiễm được nhượng quyền quốc gia đầu tiên cung cấp dịch vụ dọn dẹp hiện trường vụ án, có phòng thí nghiệm meth ở Mỹ.

Spaulding nói rằng họ luôn hỏi ý kiến từ các thành viên trong gia đình để quay clip và sự đồng ý có thể rút lại bất kỳ lúc nào.

Video don dep hien truong anh 2

Nhiều người chỉ trích các video dạng này vì khai thác nỗi buồn của nạn nhân. Ảnh: MSN.

Spaulding thừa nhận công ty của cô đã hưởng lợi từ tài khoản TikTok có hơn 4,3 triệu người theo dõi và sự phổ biến mà nó mang lại.

Theo cô, các follower có sự tò mò chung về những điều ít được chia sẻ. Đó lý do tại sao dạng video này thường nhận được hàng triệu lượt xem.

“Mọi người sẽ phản ứng với những cảnh ghê rợn hơn. Nội dung của chúng tôi cũng mang tính giáo dục. Lý do lớn nhất để lập ra kênh này là vì phần lớn người xem không biết dịch vụ còn tồn tại, họ nghĩ rằng cảnh sát làm điều đó.

Trong video, các nhân viên sẽ giải thích công việc của họ. Ngoài ra, người trong ngành pháp y và CSI cũng rất quan tâm điều này”, Spaulding nói.

Marcell Engel, người dọn dẹp hiện trường vụ án, cho hay anh thường đăng video tương tự vì cảm thấy nó sẽ khiến người xem suy ngẫm về cái chết và sự đau khổ của người khác.

Kiếm lợi từ sự mất mát

Theo nguyên tắc cộng đồng của TikTok, nền tảng này không cho phép hiển thị các nội dung liên quan đến tử vong, tai nạn, bạo lực, hài cốt người bị cắt rời, cháy thành than hoặc bị đốt cháy, cảnh máu me có vết thương hở.

Tuy nhiên, bộ hướng dẫn cũng lưu ý rằng vẫn có trường hợp ngoại lệ với những video mang tính giáo dục, tài liệu, khoa học, nghệ thuật, châm biếm, bối cảnh hư cấu hoặc cá nhân thể hiện về các chủ đề quan trọng xã hội.

Để giảm thiểu khả năng tác động tiêu cực của nội dung, ứng dụng này đưa ra các biện pháp an toàn như cảnh báo hoặc đưa ra lựa chọn cho người xem.

Người dùng cũng có thể đánh dấu video là "không quan tâm" để tránh các bài đăng tương tự xuất hiện trong trang của họ.

Những nạn nhân sống sót sau các vụ bạo hành, tại nạn cho rằng video thu dọn hiện trường là thiếu tôn trọng và gây lo ngại cho người xem nhỏ tuổi.

Video don dep hien truong anh 3

Sự lan truyền của các video này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: Insider.

Các video trên kênh của Spaulding Decon được quảng cáo và gắn các tiêu đề ám ảnh.

Điều đó khiến nhiều người phẫn nộ vì công ty này và các tài khoản liên quan đang khai thác cái chết thương tâm để kiếm lời.

“Khi đối mặt với hành vi tự sát hoặc giết người, tôi nghĩ mọi người không nên đăng nó lên mạng xã hội, đặc biệt là khi không có sự đồng ý. Những hình ảnh và video đó có thể tồn tại mãi mãi.

Một thành viên trong gia đình hoặc người thân sẽ bắt gặp những bài đăng có hình ảnh phản cảm mà có lẽ họ không nên nhìn thấy”, Patricia Wenskunas, người sáng lập và giám đốc điều hành của Trung tâm dành cho những người sống sót sau các vụ án ở Irvine (California), nói với Insider.

Mặc dù công ty này cho biết họ đã xin phép, Wenskunas tin rằng điều đó vẫn không hợp lý. Vì khi gia đình đang đau buồn, họ không đủ tỉnh táo để cho một ai đó quay lại cảnh tang sự của người thân.

Tiến sĩ Doreen Marshall, Phó chủ tịch của tổ chức Phòng chống Tự tử Mỹ, nhận định các tài khoản chuyên làm nội dung dọn dẹp hiện trường nên lưu ý đến tác hại mà chúng gây ra.

"Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi việc tự tử mỗi năm và không phải tất cả đều sẽ chia sẻ điều đó một cách công khai”, cô nói.

Bánh Trung thu truyền thống chia rẽ người Hong Kong

Dù độ ngọt của bánh Trung thu khiến người dân xứ Cảng Thơm không còn ưa chuộng món ăn này, họ vẫn mua nhiều hộp quà được thiết kế độc đáo với giá thành đắt đỏ.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm