Theo BS Trần Hồng Xinh, khoa Nội thận và Lọc máu, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108, Hà Nội, người bị suy thận mạn tính, phải lọc máu thường xuyên được xếp vào nhóm có sức đề kháng kém, nguy cơ mắc bệnh cao.
Bên cạnh đó, đa phần bệnh nhân là người cao tuổi. Ngoài suy thận, họ còn có nhiều bệnh lý nền khác đi kèm như tiểu đường type II, tăng huyết áp, suy tim. Thậm chí, một số trường hợp đã dùng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài. Điều này làm giảm cơ hội sống sót của bệnh nhân khi mắc Covid-19, gây khó khăn cho quá trình điều trị.
BS Trần Hồng Xinh cho biết bệnh nhân lọc máu chu kỳ tiếp xúc từ 4 đến 16 tiếng với nhân viên y tế và các người bệnh khác nên khả năng lây nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn.
Các cơ sở y tế cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19 trong bệnh viện. Ảnh minh họa: BVCC. |
Để giảm nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cho nhóm bệnh nhân này, BS Xinh khuyến cáo:
Các đơn vị lọc máu cần sớm nhận biết và cách ly những người có triệu chứng về hô hấp. Bệnh nhân tới thăm khám, điều trị cần được khai báo y tế trước khi vào đơn vị lọc máu.
Nếu người bệnh có các triệu chứng ho, sốt cần được phân tách ở khu riêng và yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc máu. Nhân viên y tế nên cung cấp cho bệnh nhân các kiến thức làm sạch tay, giữ vệ sinh đường hô hấp và đeo khẩu trang đúng cách.
Ở khu vực lọc máu và phòng chờ, các bệnh nhân phải đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Bề mặt ghế lọc máu và bàn làm việc của nhân viên y tế cần được làm sạch liên tục.
Khi có bệnh nhân nghi nhiễm hoặc mắc Covid-19, bệnh viện phải thực hiện cách ly, thông báo toàn bộ nhân viên y tế sử dụng phương tiện phòng hộ.