Sáng 4/1, Bệnh viện Quân y 7A (TP.HCM) báo cáo kết quả xét nghiệm một trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2. Đó là bệnh nhân nam, 56 tuổi, sống tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Ngay sau đó, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM và Bệnh viện Quân y 7A triển khai toàn bộ hoạt động đánh giá dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm và coi đây như một ổ dịch để xử lý ngay trong khi chờ kết quả khẳng định. Chiều cùng ngày, Viện Pasteur TP.HCM xác nhận bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2.
Các chuyên gia nhận định đây là đợt diễn tập cho các cơ sở y tế trong việc phân luồng, kiểm soát chặt người có triệu chứng mắc Covid-19.
"Chỉ điểm" ca bệnh tại các cơ sở y tế
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh nhân ở huyện Bình Chánh có kết quả ban đầu nghi nhiễm Covid-19 khiến ông lo lắng.
"Nếu người đàn ông này thật sự mắc Covid-19, đây sẽ là mối nguy rất cao do bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền. May mắn, khi xét nghiệm khẳng định, người này không mắc bệnh", ông phân tích.
Các bác sĩ nhận định nếu bệnh nhân dương tính vào bệnh viện, họ thường lây virus trong cộng đồng trước đó. Ảnh: Hoàng Giám. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhấn mạnh hiện tại, ngoài nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát trong cộng đồng, cơ sở y tế khám, chữa bệnh cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao.
Chuyên gia này phân tích khi dịch bệnh có sự lây lan trong cộng đồng với số lượng nhất định mà chưa được phát hiện, những người có triệu chứng (ho, sốt, khó thở kéo dài...) sẽ vào cơ sở y tế khám, chữa bệnh.
Theo quy định hiện tại của Bộ Y tế, tất cả cơ sở y tế phải có bước sàng lọc người bệnh trước khi tiếp nhận. Do đó, đây chính là nơi phát hiện người có yếu tố nguy cơ và lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19. Các yếu tố nguy cơ này bao gồm triệu chứng sốt, ho, khó thở…, tiền sử di chuyển nhiều nơi, đến từ vùng có dịch không được cách ly…
"Nếu cơ sở khám, chữa bệnh không tăng cường cảnh giác, làm xét nghiệm với trường hợp nguy cơ cao, dịch có thể lây lan trong bệnh viện và trở nên nguy hiểm hơn nếu virus tấn công vào các khoa, phòng có bệnh nhân nặng", bác sĩ Khanh nhận định.
Chuyên gia này kêu gọi các cơ sở y tế cần quyết liệt hơn trong việc kiểm soát người ra vào. Trong khuôn viên bệnh viện, bất cứ ai cũng phải đeo khẩu trang.
"Nhân viên y tế phải ngăn người không phận sự hoặc có nguy cơ vào khoa, phòng bệnh nặng. Bỏ sót người nghi ngờ, sự lây nhiễm diễn âm thầm trong các bệnh viện ở Đà Nẵng là bài học kinh nghiệm cho chúng ta cho đến nay", bác sĩ Khanh nói.
Cảnh giác với biến chủng mới
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng nhận định biến chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh đang là nguy cơ rất lớn với các quốc gia, bao gồm Việt Nam. Dù độc lực không thay đổi, biến chủng này có khả năng lây truyền mạnh hơn rất nhiều lần.
Điều này dựa vào khả năng bám chặt vật chủ nhiều hơn. Do đó, kể cả khi người bệnh có tải lượng virus thấp, sự lây nhiễm vẫn có thể diễn ra âm thầm và dễ dàng.
Nhân viên kiểm soát chặt chẽ người ra vào tại bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Hiện tại, cơ sở khám, chữa bệnh cần kiểm soát chặt chẽ, khai báo y tế bắt buộc với tất cả người ra vào. Biến chủng mới của virus là mối đe dọa và chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào Việt Nam bởi người nhập cảnh trái phép", TS Hùng nói thêm.
Ngoài sự vào cuộc của hệ thống chính trị, y tế, cộng đồng cũng cần hình thành một "mặt trận". Mỗi người dân trở thành giám sát viên và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng về người có dấu hiệu nghi ngờ trên địa bàn.
"Chúng ta chưa thể lường được tình hình hiện tại diễn biến ở mức nguy hiểm nào nếu ca bệnh 1440 không được người thân thuyết phục cách ly. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự đồng lòng, hợp tác từ người dân với cơ quan chức năng, hệ thống y tế. Nếu phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, người dân hãy lập tức báo cáo cơ quan chức năng", TS Hùng khuyến nghị.
Người dân phải tiếp tục cảnh giác với dịch bệnh nhất là khi chưa có vaccine và thuốc điều trị. Việc giao lưu, tiếp xúc không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, quy định cách ly có thể dẫn đến đợt bùng phát tiếp theo.
Chuyên gia này kêu gọi người dân tăng cường kiểm soát, phòng bệnh, đặc biệt tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) với mức độ nghiêm túc hơn.