Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc đổi họ, tên cho 2 bé trai bị trao nhầm có gặp rắc rối?

Theo luật sư, 2 gia đình cần đến UBND huyện đăng ký nhận cha, mẹ, con. Sau đó phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu.

Liên quan vụ nhầm con đẻ giữa hai gia đình anh Phùng Quang Sơn và chị Vũ Thị Hương do sơ suất của Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội) xảy ra 6 năm trước, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu bệnh viện phải giải quyết vụ việc này sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con.

Lãnh đạo Sở đề nghị các vấn đề liên quan cần giải quyết trước ngày 20/7. Đến nay, gia đình anh Sơn đã gửi đơn đến tòa án huyện Ba Vì để mong giải quyết sớm được nhận lại con. Trước mắt, 2 gia đình đề nghị bệnh viện hỗ trợ 300 triệu đồng.

Trao nham con o benh vien Ba Vi anh 1
Bé trai vợ chồng anh Sơn đã nuôi 6 năm qua. Ảnh: Phạm Nhung.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc công ty luật Hoàng Sa) cho rằng thủ tục trao trả, tiếp nhận con đẻ một cách hợp pháp cần căn cứ vào Luật Hộ tịch năm 2014.

Theo đó, trước tiên, 2 gia đình phải có giấy chứng minh quan hệ huyết thống xét nghiệm từ bệnh viện hoặc cơ quan giám định có thẩm quyền.

Khi có chứng nhận quan hệ huyết thống với con đẻ, bố mẹ 2 cháu bé đến UBND cấp xã hoặc cấp huyện nộp tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu và giấy xác nhận quan hệ huyết thống để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

Tiếp đó, phụ huynh phải hủy giấy khai sinh cũ để làm lại giấy khai sinh mới cho các cháu tại UBND xã sở tại. Để làm lại giấy khai sinh cho 2 cháu bé, cần có giấy chứng sinh thời điểm các cháu sinh ra.

Trường hợp không tìm được giấy chứng sinh, các thủ tục để làm lại giấy khai sinh mới sẽ phức tạp hơn. Khi đó, cha mẹ phải làm thủ tục đổi họ, tên cho 2 cháu. Việc này được thực hiện tại UBND huyện Ba Vì. Nếu cả 2 gia đình đạt sự đồng thuận hoán đổi thì chính quyền sẽ hướng dẫn cụ thể cho quá trình chuyển đổi các giấy tờ pháp lý.

Khoản 2 Điều 6 Luật hộ tịch 2014 quy định, khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. Trường hợp này, các con chưa thành niên thì người giám hộ - tức là bố mẹ đã nuôi các con từ bé phải cùng có mặt.

Trao nham con o benh vien Ba Vi anh 2
Cơ sở y tế nơi xảy ra vụ việc hi hữu 6 năm trước. Ảnh: CTV.

Luật sư Giáp chia sẻ, trong vụ việc này, chị Hương đã ly hôn. Do đó, nếu giải quyết theo trình tự pháp luật, có thể căn cứ Điều 352 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để tiến hành các thủ tục yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội tái thẩm vụ án, do có tình tiết mới đó là bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn.

Ngoài ra, khi đăng ký lại khai sinh, con đẻ của chị Hương dựa trên giấy tờ chứng cứ huyết thống. Vì vậy, chị Hương có thể làm giấy khai sinh cho con mà không cần chồng cũ có mặt do giấy tờ chứng minh cha, con đã được chứng thực.

Ai phải chịu trách nhiệm khi trao nhầm 2 bé sơ sinh?

Theo luật sư, vụ việc không hề có dấu hiệu hình sự mà do lỗi vô ý của nữ hộ sinh. Sau khi nhận lại con đẻ, các gia đình có quyền kiện ra tòa để đòi bồi thường vật chất, tinh thần.


Hoàng Lam ghi

Bạn có thể quan tâm