Hơn 2 năm trước, khi Covid-19 còn là “bệnh viêm phổi lạ” với vài trường hợp lác đác được báo cáo ở TP Vũ Hán (Trung Quốc), các bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã trong tâm thế thực chiến và sẵn sàng ứng phó khi virus lạ xâm nhập.
Hiện tại, mối lo ngại mới tiếp tục hình thành với hàng loạt trường hợp bệnh viêm gan bí ẩn được báo cáo tại Mỹ, châu Âu sau đó lan đến nhiều nước châu Á.
Trao đổi với Zing về căn bệnh này, bác sĩ BSCKII Lê Thanh Phuông, Trưởng khoa khám chuyên khoa gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết trong giai đoạn này, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm sức khỏe của trẻ nhỏ hơn, song căn bệnh chưa thực sự là mối nguy khiến chúng ta hoảng loạn.
Những giả thiết đặt ra về bệnh viêm gan bí ẩn
- Bệnh viêm gan bí ẩn có lẽ đang là một trong mối bận tâm lớn bên cạnh Covid-19. Căn bệnh này đang diễn biến ra sao thưa ông?
- Thực ra, tôi không thích dùng từ “bí ẩn” mà nên gọi là bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, bởi thực tế các nhà khoa học đang nỗ lực tìm lý do gây ra căn bệnh này, chưa hẳn là bí ẩn.
Từ tháng 10/2021, những ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em tại Mỹ được báo cáo. Sau đó, nhiều nước châu Âu cũng phát hiện những trường hợp bệnh đầu tiên.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 10/5, đã có hơn 300 ca mắc viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được phát hiện tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó, đa số là bệnh nhi dưới 10 tuổi.
Tại châu Á, nhiều quốc gia như Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt phát hiện ca bệnh này. Riêng Indonesia có 7 trường hợp tử vong và gần đây đã báo cáo thêm 15 trẻ viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân .
Còn tại Việt Nam, các báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng như Bộ Y tế đến nay chưa phát hiện trường hợp bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em.
- Theo các dữ liệu trên thế giới, đến nay đã có những giả thiết nào được đưa ra để giải mã nguyên nhân của căn bệnh này?
- Có nhiều giả thiết được các nhà khoa học đặt ra để lý giải căn bệnh này. Trước hết, chúng ta thấy điều bất thường là 5 loại virus viêm gan (A, B, C, D, E) không được phát hiện ở bất kỳ bệnh nhân nào. Điều này loại trừ nguyên nhân gây viêm gan virus phổ biến nhất từ trước đến nay.
Các trường hợp bệnh không có mối liên hệ dịch tễ nào, không ai có tiền sử du lịch gần đây đến các quốc gia có trường hợp bệnh như Vương quốc Anh trước khi khởi phát các triệu chứng, nên yếu tố lây truyền giữa các ca bệnh gần như không ghi nhận.
Nhiều ca bị viêm gan bí ẩn tại Anh, Mỹ nhiễm thêm adenovirus và/hoặc SARS-CoV-2. Ảnh: CNN. |
Đầu tiên là viêm gan tự miễn. Đây là tình trạng cơ thể tự tấn công gan. Song, đây là thể hiếm gặp, thường thấy ở phụ nữ trên 45 tuổi. Với những điều này, viêm gan tự miễn rất khó là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca viêm gan cấp ở trẻ em.
Thứ 2, một số gợi ý rằng SARS-CoV-2 có thể đứng sau những trường hợp viêm gan này, bởi virus này được phát hiện ở một số trẻ em. Tuy nhiên, những ca này thậm chí hiếm gặp hơn viêm gan tự miễn.
Thứ 3, 50% báo cáo nghiêng về virus Adeno. Tuy nhiên, một số trường hợp khác lại không tìm thấy virus Adeno.
Ngày 21/4/2022, WHO báo cáo có ít nhất 169 trường hợp viêm gan cấp ở trẻ em, trong số đó, virus Adeno đã được phát hiện trong ít nhất 74 trường hợp (18 trường hợp được xác định là type 41).
SARS-CoV-2 được xác định trong 20 trường hợp và 19 ca được phát hiện đồng nhiễm SARS-CoV-2 và Adeno.
Thứ 4, có thể đây là căn bệnh mới, xảy ra do sự tương tác giữa các virus (ví dụ virus Adeno và SARS-CoV-2). Ngoài ra, có thể do một loại virus hoàn toàn khác chưa được phát hiện gây ra chăng!
Gần đây, Cơ quan An ninh Y tế Vương Quốc Anh đã phát hiện ra rằng trong số hàng loạt trẻ dưới 10 tuổi bị viêm gan cấp tính, nhiều gia đình có nuôi chó hoặc các em này bị phơi nhiễm với virus Canine Adenovirus-1 (CAV-1), vốn là loại virus gây ra viêm gan cấp tính ở loài chó.
Như vậy, các nguyên nhân này đang được điều tra rõ ràng. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu và loại trừ dần dần các giả thiết.
Tốc độ lây lan của bệnh
- Ông đánh giá thế nào về tốc độ phát hiện những ca bệnh này?
- Chúng ta chưa nên dùng từ lây lan với căn bệnh này vì chưa ghi nhận sự di chuyển, tiếp xúc giữa những ca bệnh.
Một điều chúng ta cần lưu ý là những ca bệnh được phát hiện từ tháng 10/2021, những hồ sơ bất thường được chọn ra để đưa vào báo cáo, chứ không phải phát hiện sự bùng phát hàng loạt ca bệnh trong thời gian gần đây. Do đó, chưa thể nhận định một cách chính xác là tốc độ nhanh hay chậm.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Phuông, Trưởng khoa chuyên khoa Gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Bích Huệ. |
- Các nước châu Á gần Việt Nam đã dần dần xuất hiện ca viêm gan cấp bí ẩn. Vậy Việt Nam có khả năng phát hiện căn bệnh này?
- Tôi cho rằng điều này khó tránh khỏi, cũng giống như Covid-19, phát hiện vào gần cuối năm 2019 ở Trung Quốc, thì đầu năm 2020, chúng ta đã phát hiện những ca đầu tiên. Những biến thể mới của SARS-CoV-2 cũng tương tự.
Do đó, dù sớm hay muộn thì ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
- Vậy căn bệnh này có khả năng bùng phát thành dịch như Covid-19 vừa qua hay không?
- Đến nay, các ca viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân xuất hiện tại trên 20 nước, người ta thấy rằng người bệnh không có sự di chuyển, yếu tố dịch tễ lây lan qua đường tiếp xúc. Vì vậy, các quốc gia chưa đưa ra cảnh báo khi nhập cảnh đến những nước có ca bệnh.
Dựa trên tài liệu hiện tại, chúng ta thấy các ca bệnh viêm gan cấp này xảy ra độc lập, chưa có sự lây nhiễm như Covid-19. Do đó, việc phát triển thành dịch bệnh hay không rất khó nói.
Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định.
Trong khi chúng ta chưa tiên lượng được diễn biến cũng như nguyên nhân của bệnh này, nên gọi là dịch thì còn quá sớm để nghĩ đến.
Dù sớm hay muộn, ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam.
Bác sĩ Lê Thanh Phuông
Ngày 29/4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ dẫn một nghiên cứu tại bang Alabama (Mỹ) cho biết virus Adeno 41 có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Adenovirus 41 chủ yếu lây qua đường phân, miệng, được công nhận là nguyên nhân gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch. Nó cũng có thể là một trong những yếu tố (không chính thức) thúc đẩy bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tìm hiểu về mối liên quan giữa virus này và bệnh viêm gan cấp nói chung.
Quan tâm dấu hiệu bất thường ở trẻ nhỏ
- Có lẽ từ “viêm gan bí ẩn” một phần khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy có cách nào để xác định trẻ có mắc căn bệnh này hay không, thưa ông?
- Chính xác là từ “bí ẩn” đã khiến cho không ít phụ huynh có con nhỏ hoang mang. Tôi thấy trên mạng xã hội nhiều người tìm dịch vụ kiểm tra men gan để kiểm tra bệnh viêm gan cấp. Theo tôi việc làm này không phù hợp, gây tốn kém không cần thiết và không đúng về mặt y học.
Lời khuyên với những gia đình có trẻ em đó là nếu trẻ có bệnh sốt hay có triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói. Hoặc có triệu chứng của bệnh đường hô hấp đau họng, ho, sỗ mũi... hay thậm chí là một triệu chứng bất thường nào đó như tiểu vàng, vàng da hay vàng mắt .
Trong hoàn cảnh hiện nay, có nhiều cảnh báo về bệnh truyền nhiễm, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, đưa ra hướng điều trị phù hợp, chứ phụ huynh không nên tự ý mua thuốc uống hay tự ý điều trị, tự ý làm xét nghiệm.
- Nếu nguyên nhân nghiêng về virus Adeno, chúng ta có cách nào để phòng lây nhiễm virus này?
- Nếu nghiêng về virus Adeno gây bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em, chúng ta có thể phòng ngừa chúng tương tự như phòng ngừa bệnh Covid-19.
Virus Adeno lây lan trong không khí và qua tiếp xúc. Biện pháp phòng ngừa chính là sát khuẩn tay sạch, làm sạch bề mặt tiếp xúc, đồ chơi, sử dụng đồ sinh hoạt riêng cho trẻ và mang khẩu trang để phòng bệnh lây qua đường hô hấp.
Cha mẹ cần quan tâm các bất thường về sức khỏe ở trẻ, nên đưa đến cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà. Ảnh minh họa: Bích Huệ. |
Tuy nhiên, nước ta đang nằm trong vùng dịch tể lưu hành cao bệnh viêm gan siêu vi B, căn bệnh viêm gan cấp hay gặp nhất. Do đó, việc phòng bệnh viêm gan siêu vi B cho trẻ em là rất quan trọng.
Cha mẹ nên đưa con đi tiêm vaccine viêm gan B theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia hay tiêm theo yêu cầu cũng đều tốt. Viêm gan mới thì chưa rõ, nhưng viêm gan B là mối đe dọa thấy rõ đối với trẻ em.
Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng cũng đang vào mùa cao điểm ở TP.HCM và khu vực phía Nam. Cha mẹ các bé cần lưu ý điểm này.
Hiện tại, chúng ta cần bình tĩnh, đánh giá đúng vấn đề và làm theo hướng dẫn của ngành y tế. Dù là bệnh gì, rồi đây sẽ tìm ra nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp. Tình hình hiện nay chưa đến mức làm chúng ta hoang mang hay hoảng loạn.