Tuy nhiên, rất ít người biết đến nguyên nhân này nên điều trị không có kết quả. Sinh viên Nguyễn Văn H., 23 tuổi, đang học năm 3 một trường đại học ở Hà Nội, phải xin nghỉ học một năm để điều trị bệnh do thường xuyên bị tiêu chảy, đau bụng và co thắt ruột, có máu trong phân, người gầy đét, xanh xao...
Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Crohn, điều trị nội khoa không có kết quả đã phải phẫu thuật cắt bỏ cả một đoạn ruột nhưng bệnh vẫn không khỏi. Không chỉ ruột tiếp tục viêm, bệnh nhân còn bị viêm ống dẫn mật, viêm loét dạ dày - tá tràng... Mẹ của H. đưa con đi xét nghiệm ký sinh trùng thì H. không chỉ nhiễm giun lươn mà còn mắc cả giun đũa chó. Sau điều trị ba tháng, H. tăng được 6kg.
Chị Nguyễn Thị T. (Trấn Yên, Yên Bái) bị bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng hành hạ đã gần 10 năm. Gần đây, chị lại xuất hiện ngứa và xuất huyết dưới da, xét nghiệm máu thấy chỉ số bạch cầu ái toan tăng nên được chỉ định xét nghiệm ký sinh trùng và kết quả dương tính với giun lươn. Sau điều trị thuốc giun lươn, các bệnh trên của chị đều hết.
Tưởng là không có ở Việt Nam
GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên trưởng bộ môn ký sinh Trường đại học Y Hà Nội, cảnh báo giun lươn tại Việt Nam từ trước đến nay ít được nghiên cứu báo cáo vì trước đó điều tra dịch tễ đại trà qua phân không thấy nên tưởng ở Việt Nam không có hoặc có rất thấp, dẫn tới việc bỏ sót bệnh.
Thực tế, giun lươn không đẻ trứng mà sinh ra ấu trùng nên phải xét nghiệm miễn dịch mới chính xác. Tỉ lệ mắc giun lươn trên thế giới rất cao: Argentina 11%, Brazil 23-25%, Mỹ 8-20,5%, Nhật Bản 12%, Thái Lan 18,3%. Tại Việt Nam, điều tra dịch tễ qua phân trước đây cho thấy tỉ lệ ở miền Bắc là 0,2-2,5%, tại Củ Chi (TP.HCM) là 8%. Tuy nhiên, số bệnh nhân được chỉ định từ các bệnh viện đến chỗ GS.TS Đề xét nghiệm tỉ lệ nhiễm giun lươn lại khá cao, chiếm 30% tổng số ca xét nghiệm.
Giun lươn chui ra từ tay chân bệnh nhân. |
Có ca giun lươn di chuyển ra dưới da tạo nên những ngoằn ngoèo, có hai ca đến xét nghiệm giun chui ra ở chân, tay và ba trường hợp xét nghiệm phân soi kính hiển vi thấy ấu trùng giun lươn và một ca hút dịch tá tràng soi thấy giun lươn lúc nhúc trong dịch.
GS.TS Nguyễn Văn Đề cho biết giun lươn là một loại giun tròn ký sinh ở ruột non người, có tên là Strongyloides stercoralis. Khi ký sinh trong ruột non và tá tràng, giun lươn có thể chui vào niêm mạc ruột, gây ra những tổn thương niêm mạc ruột, tá tràng, làm rối loạn tiêu hóa hoặc gây tình trạng viêm ruột mãn tính (dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh Crohn), có thể gây viêm tá tràng hoặc gây lỵ. Bất thường có thể giun lươn lên phổi gây hen, viêm phổi.
Thông thường thì bệnh ở thể nhẹ nhưng dai dẳng, có thể thầm lặng không có biểu hiện lâm sàng và chỉ phát hiện được khi thấy bạch cầu ái toan tăng cao. Tuy vậy, cũng có trường hợp nhiễm nặng do giun lươn tự sinh sản thêm trong ruột, gây viêm toàn bộ ruột và tử vong. Ngoài ra, bệnh giun lươn còn có thể diễn biến nặng hơn do dùng thuốc gây giảm miễn dịch ở người mang giun một cách thầm lặng.
Nhặt rau cũng nhiễm bệnh
Theo GS.TS Nguyễn Văn Đề, quá trình phát triển giun lươn nguy hiểm hơn các loại giun khác. Ấu trùng giun có thể chui qua da người qua tiếp xúc với đất, thậm chí khi nhặt rau ấu trùng cũng có thể chui qua da, vào máu, qua tim phổi, lên khí quản, tới hầu, sang thực quản, xuống ruột để phát triển thành giun trưởng thành và sinh sản đẻ trứng (trứng nở ra ấu trùng ngay trong ruột) và theo phân ra ngoài.
Nhưng đặc biệt nguy hiểm là loài giun này có thể tự sinh ra trong ruột, ấu trùng mập nở ra từ trứng phát triển thành giun con không cần phải ra ngoài. Đây là một đặc điểm của giun lươn, điều này cũng nói lên tính dai dẳng của bệnh giun lươn (có thể kéo dài đến 30 năm). Tương tự trong môi trường đất, giun cũng có thể tự phát triển và sinh sản như trong ruột nên gây lây nhiễm rộng.
GS.TS Nguyễn Văn Đề nhấn mạnh giun lươn là một bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bởi giun lươn không chỉ gây viêm ở hệ thống tiêu hóa, khi ký sinh ở đó có thể gây biến chứng viêm ruột, loét ruột, đôi khi xuất huyết tiêu hóa...
Đặc biệt nguy hiểm khi giun lươn di chuyển đến các cơ quan, phủ tạng khác như lên phổi gây hen phế quản, chui ra dưới da gây viêm, dị ứng... Khi giun lươn chui qua da có thể mang theo các mầm bệnh từ môi trường như vi khuẩn, virút, vi nấm vào máu gây nhiễm trùng máu.
Ngoài loại giun lớn Strongyloides stercoralis ký sinh ở ruột đã nói ở trên, còn có loại giun lươn ký sinh ở não là Angiosrongylus cantonensis gây viêm não, màng não, gây hội chứng màng não tăng bạch cầu ái toan, có bệnh nhân tiến triển nặng như hôn mê, co giật..., nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đến nay đã phát hiện hàng nghìn bệnh nhân, chủ yếu là trẻ em mắc bệnh này.
Vì thế, GS.TS Nguyễn Văn Đề khuyên người bệnh nếu thấy các biểu hiện bất thường trên cơ thể nên đi kiểm tra xét nghiệm máu, trường hợp bạch cầu ái toan tăng nên xét nghiệm giun sán trước khi làm các xét nghiệm khác để tránh điều trị nhầm gây tốn kém, nhất là những người có viêm, loét đường tiêu hóa kéo dài. Đặc biệt, cần phòng bệnh hơn chữa bệnh, chủ yếu là cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, cần đi giày dép, mang găng tay khi tiếp xúc với đất...