Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viện trưởng VKS nói về sự thù hận của Nguyễn Hải Dương

"Dương khát khao đổi đời nhanh mà không phải bằng sức lao động nên dã tâm lên kế hoạch chi tiết, giết từng người nhà ông Mỹ với thủ đoạn man rợ", Viện trưởng VKS Bình Phước nói.

Sáng 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đưa 3 bị cáo liên quan đến vụ sát hại 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ - đại gia ngành gỗ người địa phương, ra xét xử. Phiên tòa được tổ chức trên khoảng đất trống rộng 4 ha, giữa trung tâm hành chính huyện Chơn Thành.

Hàng nghìn người dân kiên nhẫn ngồi từ sáng sớm đến tối khuya để theo dõi phiên tòa. Chốc chốc, họ lại ồ lên khi nghe Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) thuật lại phút sát hại 6 người.

Trong phiên xét xử lưu động, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước đã có những phân tích, đánh giá mức độ, tác hại hành vi phạm tội của Dương và đồng phạm.

Không cho nạn nhân cơ hội sống sót

Theo ông Xuân, để thực hiện hành vi tội phạm, từ tháng 4 đến ngày 6/7, Dương chuẩn bị công cụ, phương tiện và tìm quy luật sinh hoạt, cách thức đột nhập vào gia đình ông Mỹ, nhằm thực hiện trót lọt ý đồ phạm tội.

Dương dùng vật chất mua chuộc cháu Vỹ, nhờ nạn nhân còn non nớt này ra mở cửa, lẻn vào nhà đại gia gỗ.

3 bị cáo nghe VKS luận tội. Ảnh: Hải An.
Ba bị cáo Tiến, Dương, Thoại (từ trái sang) tại phiên tòa. Ảnh: Hải An.

Các bị cáo gây án vào thời điểm mà thành viên trong gia đình ông Mỹ ngủ say, bên ngoài ít có người qua lại. Dù bị chúng đánh thức sau đó nhưng các nạn nhân đã hoang mang, không đủ tỉnh táo để đối phó lại hành vi phạm tội của Dương và Tiến.

Nói về phương pháp, thủ đoạn thực hiện hành vi giết cướp của Dương và Tiến, đại diện VKS cho rằng "rất chuyên nghiệp và tàn độc". Ông Xuân dẫn chứng, ngay khi gây án, Dương đã dùng tay bịt miệng, bóp cổ và rút dao đâm vào ngực, cổ cháu Vỹ man rợ.

Sau khi sát hại nạn nhân nhỏ tuối, Dương lần lượt giết 5 người trong gia đình ông Mỹ.

Khi ra tay với các nạn nhân còn lại, Tiến đều dùng dây siết cổ họ để Dương dùng dao đâm vào những nơi hiểm yếu, cường độ tấn công hung bạo, mục đích không để cho nạn nhân có cơ hội sống sót.

"Động cơ thúc đẩy các bị cáo phạm tội vì tiền. Riêng Dương còn do động cơ ích kỷ, đê hèn" - ông Xuân nêu quan điểm và cho rằng không mất mát, nỗi đau nào có thể sánh với những gì gia đình ông Mỹ phải gánh chịu.

Nguyễn Hải Dương.
Nguyễn Hải Dương. Ảnh: Hải An.

Tội ác của Dương và đồng bọn còn đẩy cháu Lê Gia Linh (2 tuổi) vào bi kịch cuộc đời khi mất cả cha mẹ, anh chị.

Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước cho rằng, tội ác của Dương, Tiến và Thoại gây hệ lụy cho chính gia đình, người thân bị cáo, khiến họ phải sống mặc cảm, lo lắng, chịu sự phản ứng dữ dội của xã hội. “Nỗi đau của họ cũng không kém gì sự mất mát của gia đình ông Mỹ” - ông Xuân nói.

Động cơ đê hèn

Theo phân tích của đại diện cơ quan giữ quyền công tố, hành vi của các bị cáo thể hiện sự coi thường tính mạng của người khác, chà đạp lên thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, tàn sát nhiều người lạnh lùng, tính chất côn đồ.

Chia sẻ về nguyên nhân Dương gây án do bị từ chối yêu, ông Xuân cho rằng, khi đối mặt với việc trên, đáng lẽ bị cáo phải tìm cách thuyết phục mọi người, chứng minh tình cảm của mình bằng cách xử xự, quá trình sống của bản thân, chứ không thể có cách suy nghĩ ích kỉ, thù hận theo lối “không yêu thì giết cả nhà”. Dương sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng là gây án vì “động cơ đê hèn”.

Theo đại diện VKSND tỉnh Bình Phước, cả 3 bị cáo đều là người trưởng thành, phát triển bình thường về thể lực, trí tuệ. Dương học hết lớp 12, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình nhưng vì ích kỷ, thù hận, lòng tham mà các bị cáo giết người, cướp tài sản.

Biết rõ hậu quả, vậy nguyên nhân nào đẩy các bị cáo từ một công dân lương thiện, chưa tiền án, tiền sự lại ra tay tàn độc, khủng khiếp đến như vậy? - ông Xuân đặt câu hỏi và lý giải.

Các bị cáo có động cơ tham lam, lối sống ích kỷ, suy thoái về đạo đức, đề cao cá nhân, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, nhận thức lệch lạc về xã hội và coi thường pháp luật.

Muốn được hưởng thụ gấp gáp, sống thực dụng, tất cả vì đồng tiền nên khi Dương bị khước từ tình cảm, bản chất con người cậu ta mới bộc lộ. Lòng tham, sự ích kỷ, man rợ trong bị cáo đã bộc lộ với sự tiếp tay của Tiến và Thoại.

“Các bị cáo có chung lối sống sẵn sàng dùng bạo lực chiếm đoạt sinh mạng người khác để chiếm đoạt tài sản” - ông Xuân nói. 

Viện trưởng kiểm sát phân tích vai trò phạm tội:

Nguyễn Hải Dương: Bị khước tình cảm, tính ích kỷ và lòng tham đã bén rễ trong Dương - một người thoái hóa về đạo đức.

Trước khi gây án, Dương mưu mô, chuẩn bị chứng cứ ngoại phạm tinh vi. Đêm gây án, cậu ta dỡ mái tôn phòng trọ để đi ra từ cửa sau. Khi về, Dương cũng theo lối cũ để vào. Bị cáo toan tính dùng chính người cha của mình như một nhân chứng chứng minh Dương ngoại phạm trong thời gian hoạt động tội phạm.

Biết gia đình ông Mỹ thiệt mạng, Dương còn đến hiện trường khóc lóc để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.

Dương phải chịu trách nhiệm về hành vi khởi sướng, chủ mưu và trực tiếp giết 6 nạn nhân.

Vũ Văn Tiến: Khi Dương rủ Tiến đến nhà ông Mỹ cướp tài sản, lòng tham bị cáo này trỗi dậy. Quá trình cùng Dương giết người, Tiến dù có băn khoăn, nhiều lần ngăn cản nhưng sau đó tích cực phối hợp tra hỏi từng nạn nhân về tài sản, siết cổ họ, giật về phía sau.

Hành động này có thể làm nạn nhân bị chết chứ chưa cần tới việc dùng dao giết người. Tiến do đó phải chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội giết 6 người, cướp tài sản

Trần Đình Thoại: Được Dương bàn bạc kế hoạch, rủ đi giết người, cướp tài sản, Thoại bất chấp tất cả, sẵn sàng gây tội ác.

Hôm Dương và Thoại đến nhà ông Mỹ gây án, vì nguyên nhân khách quan, cháu Vỹ không ra mở cửa nên 2 người này không thực hiện được hành vi tội phạm. Trên đường về, Thoại bàn bạc với Dương mua thêm dao, trước đó bị cáo này còn chỉ cho Dương chỗ mua súng.

Khi không thực hiện hành vi phạm tội, lẽ ra bị cáo nên dứt khoát khuyên can Dương hoặc báo cho cơ quan pháp luật biết sự việc để ngăn chặn không để xảy ra tội ác. Nếu làm như vậy, chắc chắn bị cáo Thoại sẽ được khoan hồng, miễn trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Thoại do đó phải chịu trách nhiệm về tội Giết người, Cướp tài sản, chịu trách nhiệm toàn bộ hậu quả mà Dương và Tiến gây ra, với vai trò kẻ thực hiện và giúp sức.

Sau một giờ nghị án, lúc 19h10 ngày 17/12, HĐXX chấp nhận quan điểm luận tội của đại diện VKSND, tuyên bị cáo Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến tử hình, Trần Đình Thoại 16 năm tù.

Nguyễn Hải Dương đứng không vững khi bị tuyên án tử

Khi nghe tòa tuyên án, bị cáo Nguyễn Hải Dương lảo đảo sắp ngã, nhưng được cảnh sát tư pháp nắm chặt tay. Một lúc sau, khi bình tĩnh trở lại, mắt anh ta ngân ngấn nước.

Người nhà gào khóc tại phiên xử thảm án Bình Phước

Sáng 17/12, hàng nghìn người khu vực xử thảm sát 6 người ở Bình Phước. Nhìn di ảnh của các nạn nhân, nhiều người không kìm được nước mắt.


Việt Đức

Bạn có thể quan tâm