Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam 25 năm qua ống kính nữ nhiếp ảnh gia Mỹ

Các mảng màu chân thực về đời sống, văn hóa, tinh thần của con người Việt Nam ở khắp các tỉnh thành được nữ nhiếp ảnh gia Catherine Karnow ghi lại và đưa ra triển lãm tại Hà Nội.

Nữ nhiếp ảnh gia Catherine Karnow đánh dấu 25 năm gắn bó với Việt Nam bằng triển lãm diễn ra tại Art Vietnam Gallery (Hà Nội), từ ngày 10/4 đến ngày 8/5. Trong chặng đường 25 năm, Catherine Karnow sở hữu một cuốn nhật ký hành trình bằng hình ảnh đầy sống động về bước chuyển mình trong mọi mặt của Việt Nam. Ống kính của nữ nhiếp ảnh gia Mỹ khắc họa con người, đất nước Việt Nam với phong cách khi dịu dàng, sâu lắng, lúc mạnh mẽ, táo bạo, để lại những cảm xúc thấm sâu vào lòng công chúng. Đây cũng là sự kiện nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Triển lãm được chia thành các chủ đề theo thời gian, từ những năm đầu 1990, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Việt Nam giai đoạn những năm đổi mới, về trẻ em nhiễm chất độc da cam - trẻ con lai và chủ đề về Việt Nam ngày nay.
Mỗi chủ đề được thiết kế thành không gian trưng bày riêng, phản ánh những khoảnh khắc tinh tế dưới góc nhìn của một người nước ngoài. Phần ảnh về lần gặp đầu tiên của nữ nhiếp ảnh gia với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1990 cho đến khi bà được mời về quê hương ông trong lễ tang năm 2013.

Các nữ tiếp viên hàng không Việt Nam năm 1994. Trong thời gian này Hàng không quốc gia Việt Nam đang mở thêm những đường bay mới tới nhiều khu vực trên thế giới.
Năm 1994, thời điểm Coca Cola tới Việt Nam đã được nữ nhiếp ảnh gia ghi lại chân thực nhất. Catherine Karnown cho biết, Chính phủ đã có những cải thiện về chính sách để mở cửa và hội nhập tạo nên những hiệu quả rõ rệt.
Doanh nhân nước ngoài trên xích lô (ảnh chụp năm 1994).
Thầy dạy nhạc (năm 1990) trong một căn tập thể cũ. Ông không có học sinh nên ngồi chơi nhạc một mình với chiếc đàn ghi ta.
Những người thuộc tầng lớp cuối cùng của chế độ phong kiến, họ hàng của vua Bảo Đại được chụp lại năm 1990 ở một nghĩa trang mọc đầy cỏ dại tại Huế.
Chị Trần Thị Điệp, người phụ nữ trên tàu hỏa, một giáo viên sống ở Hà Nội. Chị đang đi trên tuyến tàu Thống Nhất từ TP HCM ra thủ đô.
Một sân golf được ghi lại năm 1994 tại địa phận gần Hà Nội. Theo Catherine Karnow, môn golf chỉ thu hút những doanh nhân giàu có hoặc nhà ngoại giao nước ngoài.
Ông vua cà phê Việt Nam - Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu chuỗi thương hiệu Trung Nguyên nổi tiếng. Bức ảnh được chụp lại năm 2012.
Đây là hình ảnh được Catherine Karnow ghi lại gần đây nhất năm 2014 tại phố Trịnh Hoài Đức. Nữ nhiếp ảnh gia khẳng định, dù Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn có những khung cảnh không mất đi. Trong ảnh, anh Bùi Văn Quyết (trái) không chỉ là một thợ cắt tóc mà còn là một nhà điêu khắc. Ngay cả bức tường sau lưng người thợ cạo cũng là một tác phẩm nghệ thuật.
Hình ảnh được ghi lại năm 2014 tại công viên nước dưới lòng đất ở Hà Nội, được cho là lớn nhất Đông Nam Á.
Cô bé ở ngoại ô TP HCM năm 2013 trong một căn phòng đầy đủ tiện nghi. Theo Catherine Karnow, bố cô bé mong muốn có thêm hai ngôi nhà nữa cho bé và anh trai sau khi lớn lên. "Đối với người Việt Nam, gia đình là tất cả", nữ nhiếp ảnh gia viết.
"Để mai tính" là một bộ phim được các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện tại nhiều tỉnh thành có doanh thu 3,85 triệu đô. "Đây là một con số kỷ lục đối với nền công nghiệp phim ảnh Việt Nam", Catherine Karnow nói.
Gia đình những cậu bé nhiễm chất độc da cam (chụp năm 2010). Mẹ của các em, chị Võ Thị Nhâm tâm sự ở bức ảnh: "Ai sẽ là người chăm sóc chúng khi tôi về già và khi tôi không còn nữa".
Cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, ông John Abbey và con gái thăm một ngôi trường mẫu giáo do họ tài trợ ở Quảng Trị.

Lê Hiếu

Bạn có thể quan tâm