Hôm qua (1/2), Thủ tướng đã chính thức công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại nước ta. Cụ thể, thời gian xảy ra dịch từ 23/1/2020, thời điểm xác định bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh. Thời điểm công bố dịch, nước ta ghi nhận 6 ca dương tính với virus corona tại 4 tỉnh là TP.HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc và Nha Trang.
Thủ tướng xác định đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu và lây truyền từ người sang người. Trước đó, Bộ Y tế đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới corona tại Khánh Hòa, sau khi ghi nhận một ca dương tính tại đây.
Việt Nam đã ghi nhận 7 ca mắc virus corona. Ảnh: TK. |
Công bố dịch là gì?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc công bố dịch được quy định trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch; Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Khi công bố dịch, mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố.
Trước đó, ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký bổ sung bệnh hô hấp cấp do virus corona và bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Nội dung công bố dịch gồm: Tên bệnh dịch; thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch; nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; các biện pháp phòng, chống dịch; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.
Trường hợp không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ sẽ công bố hết dịch. Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm đưa tin chính xác, kịp thời và trung thực về tình hình sau khi dịch đã được công bố và công bố hết dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM, cho hay việc công bố dịch sẽ khiến tất cả chống dịch quyết liệt hơn và “luôn sẵn sàng vào vị trí chiến đấu”. Tùy theo những điều kiện cụ thể, sẽ có các quyết định liên quan tới các lĩnh vực như giáo dục, du lịch,...
Ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ truyền thông - thi đua khen thưởng, Bộ Y tế - cho hay hiện tại nước ta mới dừng lại ở mức công bố dịch. Mức cao hơn là “Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch”. Cụ thể, khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp; do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết. Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay, Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đây là lần đầu tiên Thủ tướng công bố dịch ở nước ta. Trước đó, khi xảy ra dịch SARS, Việt Nam cũng chưa công bố.
Ngày 31/1, WHO đã ban bố dịch bệnh này là sự kiện khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, nhưng theo PGS Phu, nhiều người hiện nay hiểu chưa rõ về tình trạng ban bố khẩn cấp, cho rằng đó là việc khủng khiếp.
Ông Phu cho biết bản chất công bố tình trạng khẩn cấp mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay chống dịch. Còn hiện nay, các biện pháp như hạn chế đi lại, đóng cửa khẩu... là không có trong công bố này.
“Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chúng ta đã làm rất nhiều hoạt động mạnh như chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền các cấp tham gia, chuẩn bị nguồn lực... Tôi cho rằng chúng ta đã đáp ứng rất tốt trước khi có công bố tình trạng khẩn cấp của WHO”, ông Phu cho hay.
Việt Nam có bằng chứng virus lây từ người sang người
Tính tới sáng 2/2, nước ta đã ghi nhận 7 ca mắc virus corona. Trong đó, 2 trường hợp người Trung Quốc (phát hiện ngày 23/1), 3 công nhân Việt trở về từ Vũ Hán, một nữ lễ tân ở Nha Trang và một nam Việt kiều Mỹ có quá cảnh tại sân bay Vũ Hán 2 tiếng trước khi bay về Việt Nam. Trong đó, 2 trường hợp bị lây từ người bệnh là người con của cặp cha con Trung Quốc (lây từ cha từ Vũ Hán trở về) và nữ lễ tân khách sạn tại Nha Trang.
Theo PGS Trần Đắc Phu, mặc dù đã ghi nhận các ca dương tính, song, tất cả trường hợp đều có nguồn gốc từ Vũ Hán chứ không phải lây lan trong cộng đồng Việt Nam. Điều đó có nghĩa dịch bệnh vẫn chưa lây nhiễm tràn lan ở nước ta.
Hai trường hợp đầu tiên dương tính virus corona được phát hiện tại TP.HCM là cha con người Trung Quốc. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, tình hình hai bệnh nhân tiến triển tốt. Bệnh nhân Li Zichao (28 tuổi, sống và làm việc tại Long An) đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.
Người còn lại là ông Li Ding (66 tuổi) có tình hình sức khỏe tiến triển khả quan. Kết quả xét nghiệm lần đầu tiên đã cho âm tính với virus corona. Bệnh nhân này được tiến hành xét nghiệm lần thứ 2 và đang chờ kết quả.