“Việt Nam đã dẫn đầu về thành tựu năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Điện gió và điện Mặt Trời chiếm hơn 1/4 công suất năng lượng của Việt Nam, và con số đó thậm chí còn chưa bao gồm năng lượng sạch đến từ thủy năng, chiếm gần 1/3 nguồn cung cấp năng lượng của Việt Nam”.
“Giờ đây, Việt Nam có cơ hội vươn lên dẫn đầu hơn nữa trong khu vực với việc sản xuất hydrogen sạch. Rất ít quốc gia có vị trí thuận lợi với nguồn tài nguyên thiên nhiên cho năng lượng sạch dồi dào như Việt Nam”, bà Susan Burns phát biểu tại hội thảo về vai trò của hydrogen trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch, do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hôm 1/12.
Hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất do được sản xuất từ năng lượng gió và mặt trời. Đây được xem là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm thải carbon trên phạm vi toàn cầu.
Vị trí "đáng ghen tị"
Theo lãnh sự quán Mỹ và USAID, nhiều nhà nghiên cứu đã xem Việt Nam là nhà lãnh đạo tiềm năng về sản xuất hydrogen. Hydrogen sạch có thể được trộn với các nguyên liệu truyền thống như khí gas để giảm khí thải và có nhiều ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như thép, hóa chất, phân bón, và công nghiệp vận tải.
Hydrogen cũng có thể được sử dụng cho mục đích tích lũy năng lượng, cung cấp năng lượng sạch thay thế.
Như một phần trong xu hướng toàn cầu tập trung vào hydrogen trong việc giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang chủ động tìm kiếm các phương thức mới nhằm giảm phát thải khí carbon.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns phát biểu tại hội thảo "Hydrogen - Ứng dụng, Công nghệ và Phát triển" hôm 1/12. Ảnh: Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM. |
Hội thảo về hydrogen hôm 1/12 cung cấp nền tảng quan trọng để Việt nam khảo sát hydrogen như một phương tiện nhằm đạt được các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng xuống 0 vào năm 2050. Cuộc thảo luận nêu bật các ứng dụng của hydrogen trong nhiều ngành khác nhau, các trang thiết bị và công nghệ hydrogen, cùng các chính sách nhằm khuyến khích phát triển hydrogen.
“Mỹ đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang ngành năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường”, Tổng lãnh sự Mỹ Susan Burns phát biểu tại hội thảo.
“Chúng tôi tự hào hợp tác cùng Việt Nam và TP.HCM nói riêng nhằm thúc đẩy phát triển xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo”.
Tổng lãnh sự Mỹ cho hay theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi từ 160 - 310 gigawatt, nhiều nhất trong số các quốc gia ASEAN, hơn gấp đôi tổng nhu cầu năng lượng hiện tại của Việt Nam. Và đó mới chỉ là năng lượng gió ngoài khơi.
“Việt Nam đang ở một vị trí rất đáng ghen tị, nơi có thể phát triển hơn nữa các nguồn năng lượng gió và Mặt Trời, thậm chí sử dụng năng lượng này để sản xuất hydrogen xanh”.
Bà Susan Burns cho biết với các vùng đồng bằng và ven biển trũng thấp đặc biệt dễ bị lũ lụt, Việt Nam luôn nằm trong top 6 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, với giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh hiện nay là việc cấp bách.
Nhận thức được những rủi ro này, tổng lãnh sự nhấn mạnh Mỹ là đối tác cam kết với Việt Nam trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.
“Mỹ đã cam kết tài trợ 36 triệu USD thông qua Chương trình Phát thải Năng lượng Thấp Việt Nam của USAID. Đó không phải là tất cả, thông qua nhiều dự án của USAID về Rừng Bền vững, Đa dạng sinh học và An ninh Năng lượng Đô thị, Mỹ cam kết hơn 90 triệu USD để giảm phát thải, duy trì đa dạng sinh học của Việt Nam và huy động năng lượng sạch”, bà nêu rõ.
Đông ý với bà Burns, ông Lê Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Năng lượng cho biết so với thế giới, Việt Nam có nhu cầu không hề nhỏ về hydrogen.
“Nhu cầu về hydrogen có tiềm năng trong các ngành điện, ngành thép, ngành hóa chất bao gồm cả hóa dầu, ngành giao thông. Các tính toán ban đầu cho thấy tiềm năng sản xuất năng lượng hydrogen sạch của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh so với Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Cường nói rõ.
“Tổng kết lại, Việt Nam có tiềm năng tái tạo và sản xuất hydrogen. Việt Nam cũng có một nhu cầu trong nước đủ lớn và dài hạn, đặc biệt là vị trí địa lý thuận lợi để xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và Singapore”, ông Cường tái khẳng định.
Thách thức và giải pháp
Theo Phó viện trưởng Lê Việt Cường, thách thức Việt Nam phải đối diện trong việc phát triển hydrogen hiện nay bao gồm vấn đề về hoàn thiện cơ chế chính sách.
“Chúng ta đã có những chính sách ưu tiên cho các dự án liên quan đến hydrogen trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa quản lý tập trung đối với các dự án hydrogen, chưa nhìn nhận hydrogen như một phân ngành năng lượng. Sự ưu đãi đầu tư cho các dự án hydrogen chưa thật sự là hoàn thiện”, ông Cường giải thích.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến việc hệ thống tiêu chuẩn cho những hoạt động liên quan đến hydrogen chưa được hoàn thiện.
“Khi chúng ta nói về năng lượng hydrogen xanh, sạch, thì rõ ràng chúng ta cần bàn đến xây dựng, công bố và vận hành theo những tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn của quốc tế. Chúng ta cần xây dựng các tổ chức trong nước làm sao để đủ năng lực tham gia vào chứng nhận tiêu chuẩn, vào thị trường xuất khẩu”, ông nói.
Ông Lê Việt Cường, Phó viện trưởng Viện Năng lượng phát biểu tại hội thảo"Hydrogen - Ứng dụng, Công nghệ và Phát triển" hôm 1/12. Ảnh: Hồng Ngọc. |
Một thách thức khác được ông Cường chú ý là các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa thực sự phát triển vì còn khá mới mẻ, dù đã có những bước tiến trong vòng 3 năm trở lại đây.
Theo tính toán sơ bộ của viện năng lượng về kinh tế sản xuất hydro sạch, dù Việt Nam có sự phát triển về năng lượng tái tạo rất nhanh trong khu vực Đông Nam Á, năng lượng tái tạo để sản xuất hydrogen vẫn chưa đủ cạnh tranh về chi phí và quy mô.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa tự chủ được về công nghệ sản xuất các nguyên liệu đầu vào rất quan trọng, thiếu hụt cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trữ, trạm cung ứng cũng như trạm sạc, ông Cường nói thêm.
“Chúng ta đang ở xuất phát điểm rất sơ khởi”, ông nhấn mạnh thực tế.
Từ những thách thức trên, phó viện trưởng đề xuất các giải pháp giúp thu hẹp khoảng cách để phát triển hydrogen.
Ông đề nghị xây dựng và triển khai lộ trình định hướng phát triển năng lượng hydrogen theo tổng thể chiến lược chuyển đổi năng lượng phù hợp với Việt Nam ngay từ sớm. “Nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ thì chúng ta sẽ để lỡ mất những cơ hội”.
Tiếp theo, ông Cường đề xuất hoàn thiện mặt pháp lý để giảm bớt lo lắng của nhà đầu tư về rủi ro và sự chưa rõ ràng trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt liên quan đến “luật điện tử đầu tư vào môi trường, luật liên quan đến giá điện, năng lượng tái tạo, cơ chế giá cả hợp lý, cơ chế ưu đãi môi trường liên quan đến carbon”.
Ông kêu gọi các tổ chức quốc tế có thể hỗ trợ các kho cảng trong phân phối, hỗ trợ tài chính khi doanh nghiệp Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia đầu tư vào những dự án này. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến việc hỗ trợ nghiên cứu phát triển cả về chính sách và công nghệ sản xuất, việc sử dụng hydrogen tại Việt Nam, bên cạnh đào tạo phát triển nhân lực.