“Ăn theo” dòng du khách này là sự phát triển của hệ thống dịch vụ bán lẻ, ăn uống... nhằm đáp ứng “gu” du khách.
Cuối tháng 9, chúng tôi theo chân đoàn du khách Indonesia (nơi có 90% người dân theo đạo Hồi), điều khá ngạc nhiên là phần lớn đều không phải đến VN lần đầu... Khách đến từ các quốc gia Hồi giáo trong khu vực chịu chi tiêu lắm nhưng cái khó là họ không có nhiều lựa chọn để xài tiền, chưa có nhiều nơi phục vụ được nhu cầu mua sắm chuyên biệt của khách hàng Hồi, ôngTrần Xuân Hùng (giám đốc Công ty du lịch Viking, TP.HCM) chia sẻ.
Một nhóm du khách đạo Hồi đến từ Indonesia đang chọn mua hàng tại một điểm bán bánh kẹo ở Mỹ Tho (Tiền Giang) - Ảnh: Lê Nam |
40 cây bánh pía/người
Ngay lúc đứng tập trung chờ xe tại sảnh khách sạn Palace (Q.1, TP.HCM), những du khách Indonesia này đã rất hào hứng với áo thun, ví da, nón... mà vài người bán hàng đi xe máy mang đến giới thiệu. Một du khách nam trong nhóm sau khi săm soi ví da màu đen đã nhanh chóng rút 100.000 đồng trả cho người bán hàng, rồi lần lượt chuyển tất cả tiền, thẻ... trong ví cũ của mình sang ví mới.
Chị Sartina Kendari đến từ Sulawesi Tenggara (Indonesia) kể ngay hôm đầu tiên đến VN đã chọn mua được vài chiếc áo tại chợ Bến Thành. “Mỗi chiếc áo tôi mua có giá 400.000 đồng. Ở Indonesia không thể mua được áo đẹp như vậy với giá này đâu” - chị Sartina Kendari bộc bạch.
Đoàn du khách chọn đi tour xuống Tiền Giang. Khi chiếc xuồng ba lá chở du khách luồn lách qua các con rạch ở xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, chị Yanti Makassar thỉnh thoảng hét lên khi chiếc xuồng hơi tròng trành do sóng của những chiếc thuyền ngược lại nhưng tỏ ra thích thú vô cùng.
“Tôi từng đi vài nơi trong khu vực nhưng cảm giác đến VN thích hơn hẳn, thức ăn ngon, phong cảnh đẹp và mua sắm được lắm” - chị Yanti tâm sự và cho biết đã đến VN vài lần, lần nào cũng mua về rất nhiều quần áo, thậm chí phải mua thêm cả vali để chứa.
Anh Nguyễn Xuân Thịnh, một HDV kể, khách theo đạo Hồi đến từ Indonesia rất thích mua sắm ở Sài Gòn Square, chợ Bến Thành... với các mặt hàng như quần áo, túi xách, vải vóc và đặc biệt thích bánh pía...
“Họ mua rất nhiều bánh pía để ăn trong thời gian đi tour ở VN và mang về, trung bình mỗi người mua 10 cây bánh pía nhưng có những đoàn mua nhiều đến nỗi tính trung bình mỗi người mang theo đến 40 cây bánh pía. Ai cũng bị quá cước khi trở về nhưng họ đều rất vui và thoải mái đồng ý chi trả cho khoản tiền này” - anh Thịnh nói.
Nỗ lực đón dòng khách mới
Tay đưa đĩa nhựa có sẵn những mẩu kẹo dừa mùi sầu riêng mời khách, miệng nói khá thành thạo tiếng Indonesia, anh Lâm Duy Phong (chủ cơ sở kẹo Hồng Phúc, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho) giới thiệu món kẹo đặc trưng của vùng Mỹ Tho và Bến Tre.
Sau khi nhóm khách ăn thử rồi hỏi giá bằng tiếng Indonesia, anh Phong cũng nhanh chóng trả lời, tay cho kẹo vào bịch, tay nhận tiền. “Bật mí” về vốn tiếng Indonesia, anh Phong cho hay đã tranh thủ học lóm từ các anh em hướng dẫn viên để trực tiếp giao tiếp với khách.
“Phần lớn khách Hồi giáo đến từ các quốc gia này thích mua kẹo bánh nên nếu nói được tiếng của họ sẽ bán hàng dễ hơn” - anh Phong tâm sự.
Không chỉ có dịch vụ bán hàng, nhà hàng, quán ăn... cũng đang xoay xở để đáp ứng nhu cầu dòng khách này. Nhà hàng Bách Tùng Viên (TP Mỹ Tho), nơi đoàn du khách Indonesia ghé vào ăn, mặc dù chưa có chứng chỉ Halal (chứng chỉ xác nhận sản phẩm nào đó đạt yêu cầu về các thành phần và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu trong kinh Qua’ran và luật Shariah của đạo Hồi) nhưng cũng đang cố gắng sắp xếp để phục vụ du khách theo đạo Hồi.
Cụ thể, khu ăn uống của khách đến từ các quốc gia đạo Hồi nằm cách biệt hẳn với nhóm khách khác, từ ly uống nước, chén, đũa, muỗng... đến dụng cụ nấu bếp cũng riêng biệt. Cách đó không xa là một tòa nhà hai tầng được dành làm khu cầu nguyện cho khách đạo Hồi theo đúng tiêu chuẩn tối thiểu của tôn giáo này.
Chị Phạm Thị Bạch Tuyết, đại diện nhà hàng này, cho hay ngoài việc tuyệt đối không chế biến món ăn bằng thịt heo, mỡ heo, nhà hàng còn phải đặt thức ăn của những nhà hàng có chứng chỉ Halal ở TP.HCM đưa xuống dành cho những khách có yêu cầu.
“Khách đến từ thị trường này hai ba năm nay tăng rõ rệt. Để phục vụ tốt du khách này, chúng tôi đang tìm đầu bếp có thể chế biến các món ăn theo đúng kiểu Halal và xin cấp chứng chỉ Halal cho bếp của nhà hàng” - chị Bạch Tuyết tâm sự.
Buổi trưa hôm đó thực đơn dành cho nhóm du khách này gồm những món như: cá kho tộ, cá tai tượng chiên xù, canh chua cá điêu hồng... được các thực khách nước ngoài thưởng thức hết.
Chị Yanti Makassar cho hay do là người Hồi giáo nên chị và các đồng hương không được phép ăn thịt heo và những món liên quan đến heo, vì vậy các món chế biến từ cá rất phù hợp khẩu vị của mọi người.
Theo ông Lã Quốc Khánh - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, khách đến từ các quốc gia Hồi giáo đang là xu hướng mới cho du lịch VN, trong đó lượng khách đến từ Indonesia (nơi có 90% dân số theo đạo Hồi) và Malaysia đang tăng trưởng nhanh.
“Khi tôi trao đổi với 17 doanh nghiệp Malaysia tại thủ đô Kuala Lumpur chuyên đưa khách Malaysia sang VN, họ đều nhận xét VN là điểm đến an toàn và họ hoàn toàn không nghĩ rằng VN có thể trở thành thiên đường mua sắm như thế: rẻ, đẹp, dễ mua” - ông Khánh cho biết.
Phần lớn công ty du lịch từ Malaysia, Indonesia... đều cho rằng sở dĩ nhiều du khách đến từ các thị trường chọn tour du lịch VN vì giá tour rẻ, giá nhiều mặt hàng cũng phù hợp túi tiền của họ.
Bên cạnh đó, với sự xuất hiện nhiều hãng hàng không đến từ khu vực Trung Đông như Emirates, Etihad, Qatar Airways, Turkish Airlines... mở đường bay thẳng đến VN, số lượng khách Hồi giáo đến từ các quốc gia này đang tăng lên rất nhanh.
Đại diện Saigontourist cho biết thậm chí Qatar Airways còn mở bộ phận chuyên phục vụ khách Hồi giáo tại VN để sắp đặt các yêu cầu cho du khách Hồi giáo đi trên các chuyến bay của hãng. Nhiều khách yêu cầu chỉ dùng các dịch vụ khách sạn 5 sao, mua tour đi dọc VN trong thời gian 7-8 ngày với chi tiêu tương đối cao.
Du khách Hồi giáo chi 192 tỉ USD cho du lịch
Theo Tổng cục Du lịch VN, chỉ riêng chín tháng đầu năm 2014 lượng khách Indonesia đến VN đã đạt 53.572 lượt, tăng 99,62% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khách đến từ Malaysia đạt 243.206 lượt, tăng đến 102,67% so với cùng kỳ năm 2013.
Ông Dato’Syed Mohd Razif Al Yahya, đại diện Tập đoàn du lịch Sutra Malaysia, cho biết khách đạo Hồi là một thị trường rất tiềm năng cho du lịch VN và các nước trong khu vực khi chỉ tính riêng dân số theo đạo Hồi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện nay hơn 972 triệu người.
Theo tính toán của các công ty du lịch chuyên phục vụ khách Hồi giáo trong khu vực này, chi tiêu của tổng khách du lịch Hồi giáo sẽ là 192 tỉ USD, chiếm khoảng 13,36% chi phí du lịch toàn cầu.
“VN đang được xem là một điểm đến mới của du khách đạo Hồi và lượng khách đến VN đang tăng. Vì vậy chắc chắn thời gian tới sẽ có một sự bùng nổ nhà hàng Halal, các khách sạn cung cấp tiện nghi phù hợp với du khách đạo Hồi tại TP.HCM, cùng một số tour du lịch thân thiện với người Hồi giáo do các công ty du lịch VN thực hiện” - ông Dato’Syed Mohd Razif Al Yahya khẳng định.