Liên quan đến tình hình sức khỏe bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã đánh giá bệnh nhân tổn thương phổi mức độ lớn và có chỉ định ghép phổi. Đây là giải pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân.
Ưu tiên tìm nguồn tạng từ người chết não
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đang khởi động chương trình tìm nguồn cho tạng đủ điều kiện. Đặc biệt, khi khẳng định bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2, các bác sĩ tiến hành chuyển nam phi công về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Hiện, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang nghiên cứu xem xét các văn bản quy định pháp lý, xác định chi phí điều trị, chi phí ghép để tìm kiếm nguồn tài trợ. Chi phí trung bình cho một ca ghép phổi từ 1,5-2 tỷ đồng và nhiều hơn tùy thuộc vào thời gian hồi sức sau ghép.
“Tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân này khá nặng nề, hiện chỉ còn khoảng 10%. Nếu không ghép phổi, khả năng tử vong cao. Ghép phổi là cơ hội sống của bệnh nhân này. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh nhân đang có biểu hiện nhiễm trùng nhiều tạng. Do đó, các y bác sĩ đang tập trung điều trị nhiễm trùng và hồi sức trước khi thực hiện chỉ định ghép phổi”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BVCC. |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm thế giới đã có 3 trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng ghép phổi thành công. Việt Nam cũng đã ghép phổi thành công một số trường hợp trước đó. Do vậy, chúng ta có đủ năng lực và trình độ để thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân này.
Về thông tin có tới hàng chục người chủ động liên hệ đề nghị hiến phổi cho bệnh nhân 91, ông Long cho hay Bộ Y tế ghi nhận tấm lòng của các cá nhân này. Hiện các bác sĩ vẫn ưu tiên số một là tìm tạng hiến tặng từ người hiến đã chết não.
Kỹ thuật ghép tạng khó nhất
Ghép phổi là phẫu thuật lấy bỏ phổi bệnh và thay thế bằng phổi lành của người hiến có thể từ người còn sống hoặc người chết não. Tiến hành phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra ở một bên phổi hay cả hai bên. Chỉ định ghép phổi được đặt ra khi phổi tiến triển nặng và không thể điều trị bằng cách nào khác.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng Ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho hay bệnh viện thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người hiến chết não ở nước ta được thực hiện vào 12/12/2018. Bệnh nhân 17 tuổi mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng. Bệnh nhân cũng vừa được ra viện mới đây bởi quá trình theo dõi sau ghép rất nan giải.
Chuyên gia này cho biết đến nay, ghép phổi vẫn là kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Ông đánh giá nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó 10.
Để thực hiện ca ghép phổi, các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Sau ghép, việc chăm sóc phổi ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.
Quy trình ghép tạng được thực hiện như thế nào?
PGS Ước cho biết trước khi ghép phổi, người bệnh cần đánh giá bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa như nội phổi, tim mạch, phẫu thuật lồng ngực và gây mê hồi sức... cũng như kiểm soát kỹ những bệnh nền.
Người bệnh cần tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Khi có phổi tương thích của người cho với người nhận, cuộc phẫu thuật ghép phổi có thể diễn ra nếu các kết quả xét nghiệm đều cho phép.
Tuy nhiên, ghép phổi có thể gặp một số biến chứng sau ca phẫu thuật như tắc đường thở, phù phổi nặng, tràn dịch trong phổi, nhiễm trùng, chảy máu. Đặc biệt, thải ghép phổi là nguy cơ lớn nhất sau phẫu thuật ghép phổi. Đây là một phản ứng bình thường của cơ thể khi xuất hiện mô lạ hay vật lạ. Lúc này người bệnh cần dụng thuốc nhằm đánh lừa hệ miễn dịch không tấn công vào tạng ghép, để tạng tiếp tục sống trong cơ thể mới.
Ghép phổi là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng. Phương pháp này thực hiện với bệnh nhân không mắc bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Trương Khởi. |
Theo TS.BS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Thận học - Lọc máu, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, quy trình chuyên môn hiến tạng của người cho sống rất chặt chẽ, mục đích đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả người hiến và người nhận tạng. Bác sĩ phải giải thích, tư vấn cho người hiến tạng về ảnh hưởng sức khỏe của việc lấy đi bớt một bộ phận cơ thể, cách giữ gìn sức khỏe sau mổ hiến tạng.
Trước đó, người hiến tạng được xét nghiệm kiểm tra chức năng toàn bộ hệ cơ quan của cơ thể, nhóm máu, hệ gen HLA, các bệnh lý nhiễm trùng, viêm gan siêu vi, HIV, EBV, các bệnh hệ thống, ung thư và chức năng của tạng hiến.
Người nhận tạng phải đảm bảo đủ sức khỏe để trải qua một cuộc phẫu thuật ghép tạng. Các chức năng các hệ cơ quan trọng yếu trong cơ thể như não, tim mạch, hô hấp, gan, tiết niệu đảm bảo. Đặc biệt, người nhận tạng không mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn để đảm bảo cuộc mổ thành công với tỷ lệ cao và chăm sóc sau mổ thuận lợi nhất.
“Sau khi đối chiếu, kiểm tra sự tương thích giữa người hiến và người nhận tạng, các bác sĩ sẽ lên chương trình phẫu thuật ghép tạng”, TS Bách nói.
Quy trình chuyên môn hiến tạng của người cho chết não cũng tương tự người cho sống. Tuy nhiên, đối với người hiến tạng chết não, các bác sĩ sẽ chú trọng duy trì tuần hoàn, huyết áp để đảm bảo cho tạng hiến còn được chức năng tốt nhất có thể.
Về tỷ lệ thành công của một ca ghép tạng, TS Bách cho biết kết quả này phụ thuộc vào sự chuẩn bị trước mổ, tình trạng sức khoẻ của người nhận tạng, độ hòa hợp miễn dịch (HLA) giữa người cho và người nhận tạng. Ngoài ra, kỹ thuật và năng lực chuyên môn của kíp ghép tạng của quyết định sự thành công của ca ghép.