Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tham vấn chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 và tầm nhìn đến 2030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức ngày 7-12 tại Hà Nội.
TS Lại Đức Trường, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hiện nay công tác phát hiện và điều trị người mắc các bệnh về tâm thần đang có một khoảng trống lớn. Theo TS Trường, có đến 70%-80% người mắc bệnh chưa được phát hiện bệnh để điều trị.
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, thừa nhận công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng chống các rối loạn tâm thần hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là hệ thống các cơ sở chuyên khoa tâm thần còn khó khăn, cơ sở vật chất chưa bảo đảm, nhân lực chuyên môn thiếu và yếu, sự phối hợp, hợp tác liên ngành, đa lĩnh vực thực hiện hiệu quả chưa cao...
Tại hội thảo, GS Harry Minas (ĐH Melbourne, Australia), chuyên gia sức khỏe tâm thần quốc tế, cho rằng Việt Nam cần tăng thêm những cam kết đầu tư để cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt cải thiện hệ thống thông tin về sức khỏe tâm thần nhằm đảm bảo chất lượng lập kế hoạch, giám sát và đánh giá các dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam.