Gần đây, Thái Lan đã lên kế hoạch miễn cách ly với khách nước ngoài có chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19. Đây là động thái nhằm khôi phục ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch.
Tại Việt Nam, câu chuyện này cũng bắt đầu được nhắc đến. Nhiều người lo ngại việc đón khách quốc tế dù đã tiêm vaccine mang đến rủi ro quá lớn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), việc mở cửa cho nhóm khách này là điều cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch nước nhà.
"Vaccine rất đắt, phải tối ưu hóa lợi ích của nó"
Theo ông Nam, khái niệm hộ chiếu vaccine đang được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, đặc biệt với những nguyên thủ quốc gia, nhà lập pháp, cơ quan quản lý hay các hiệp hội nghề nghiệp (du lịch, hàng không)...
Họ muốn tìm kiếm một công cụ để đưa thế giới trở về trạng thái bình thường nhất khi nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt. Tiến độ tiêm vaccine ở nhiều quốc gia cũng rất khả quan. Tại Việt Nam, lô vaccine đầu tiên đã được nhập về hồi cuối tháng 2 và sẽ có thêm hàng chục triệu liều nữa trong thời gian tới.
Vaccine Covid-19 hiện được nhiều quốc gia phê chuẩn và đưa vào tiêm. Ảnh: Getty. |
"Công sức, chi phí cho những lô vaccine là rất lớn. Nó cần được bù đắp bởi những lợi ích từ vaccine. Hộ chiếu vaccine là cách để tối ưu hóa những lợi ích đó", đại diện TAB nêu quan điểm.
Hiện nay, khái niệm hộ chiếu vaccine vẫn còn sơ khai, chưa có "thiết kế" đặc thù nào để đem đến định nghĩa thống nhất rộng rãi. Tuy nhiên, hiểu ngắn gọn, đây là loại hộ chiếu chứng nhận trạng thái cá nhân của một người liên quan tới Covid-19. Nó phục vụ cho việc đi lại của người dân và vấn đề quản lý của cấp chính quyền.
Còn cách ly sẽ không có ai đi du lịch
Trước khi hộ chiếu vaccine được nhắc đến, người ta đã bàn về bong bóng du lịch hay hành lang du lịch an toàn. Đây là khái niệm chỉ thỏa thuận giữa các nước có điều kiện chống dịch tốt. Họ có thể "gửi" khách qua cho nhau mà vẫn đảm bảo an toàn trong đại dịch.
Chia sẻ với Zing, ông Nam nhận xét đó là một ý tưởng tốt và có trách nhiệm. Tuy nhiên, nó đã không đem lại kết quả như mong muốn.
"Theo tôi, lý do là diễn biến dịch quá phức tạp, mức độ an toàn của các quốc gia chưa có sự bền vững. Ví dụ Việt Nam, sau làn sóng đầu tiên, chúng ta đã có cảm giác an toàn, thoát dịch. Lúc đó, nhiều người đã nghĩ về việc phát triển mạnh du lịch nội địa và tiếp thị cho du khách quốc tế đến Việt Nam tránh dịch", ông Nam nêu quan điểm.
Những ổ dịch, biến thể virus mới khiến bong bóng du lịch "vỡ tan". Ảnh: Thạch Thảo. |
Tuy nhiên, ổ dịch ở Đà Nẵng bùng lên, du lịch nội địa lại ảnh hưởng, viễn cảnh mở cửa quốc tế khó khăn. Tiếp đó là đợt dịch ở Quảng Ninh, Hải Dương với mức độ còn cao hơn trước. Tình trạng mất vết, xuất hiện biến thể mới với độ lây lan cao hơn xảy ra.
Điều đó cũng xảy ra ở nhiều nước khác, làm cho ý tưởng hành lang an toàn bất khả thi. Bảo đảm du lịch nội địa an toàn đã khó, du lịch quốc tế càng khó hơn.
So với bong bóng du lịch, đại diện TAB đánh giá cao độ khả thi của hộ chiếu vaccine hơn. Theo ông Nam, vaccine là biện pháp chống dịch căn cơ, triệt để nhất, là cách duy nhất để thế giới và mỗi nước thoát khỏi đại dịch Covid-19. Số dân cư được tiêm vaccine trở thành một cộng đồng an toàn. Nhóm này đã có khoảng 200 triệu người và đang tăng rất nhanh, đặc biệt ở các nước phát triển.
Cách ly là rào cản lớn nhất cho việc du lịch trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
"Hộ chiếu vaccine là công cụ tốt để tạo thuận lợi cho những người này di chuyển tự do trong nội địa các nước và giữa các nước với nhau, không cần cách ly. Nếu còn yêu cầu cách ly, không ai đi du lịch cả.
Những người đã tiêm vaccine cần được miễn cách ly cả dưới góc độ quyền con người và nhu cầu khai thác du lịch. Thị trường du lịch quốc tế khi đó sẽ khả thi ngay cả giữa các nước vẫn chưa hoàn toàn sạch dịch", tiến sĩ này nêu quan điểm.
Việt Nam phải trong top điểm đến của khách nước ngoài
Một tâm lý chung của nhiều du khách quốc tế là "thèm du lịch". Gần đây, một cuộc khảo sát trên nền tảng tìm kiếm khách sạn Trivago cho thấy 81% người Mỹ nhận xét không được đi du lịch là điều tệ nhất trong đại dịch. Họ thậm chí có thể bỏ mọi thứ như sex, tiền tiết kiệm hay việc làm chỉ để đi du lịch.
Theo ông Nam, tâm lý bị "giam cầm" quá lâu khiến nhiều du khách bắt đầu nghĩ đến việc tìm điểm đến thú vị sau khi đã tiêm vaccine. Đó chính là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Du lịch có thể bùng nổ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bảo dịch. Ảnh: Cjexplores. |
"Chúng ta chống dịch tốt và điều này cần được chuyển hóa thành các lợi thế cạnh tranh trong phát triển kinh tế, bao gồm cả việc phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch, hàng không. Việt Nam cần tìm mọi cơ hội, cách thức để hiện thực hóa điều này.
Không nên chờ hết dịch hoàn toàn mới tính chuyện mở lại du lịch quốc tế. Việc này cần bắt đầu ngay từ những người đã tiêm vaccine", ông Nam nhấn mạnh.
Trước dịch, năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu khách du lịch quốc tế, chưa bằng một nửa Thái Lan (40 triệu khách). Mức chi trung bình của khách quốc tế ở xứ chùa Vàng vào khoảng 1.500 USD, cao hơn Việt Nam 50%. Do đó, theo đại diện TAB, khi phát triển du lịch, Việt Nam cần lấy Thái Lan làm điểm tham chiếu, học hỏi cách làm, cách phục vụ và chính sách của họ.
Trong "cuộc đua" này, hộ chiếu vaccine có thể là tiền đề để Việt Nam đuổi kịp đối thủ. Tuy nhiên, việc đưa tấm hộ chiếu này vào thực tiễn còn khá nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ sở pháp lý và công nghệ.
Thứ nhất, vấn đề cơ sở pháp lý với các hộ chiếu do nước ngoài cấp và do Việt Nam cấp có thể khác nhau. Đây cũng là vấn đề nan giải khi chưa có sự công nhận chung về vaccine trên toàn cầu. Theo ông Nam, để đạt được sự thống nhất chung, các quốc gia sẽ chỉ mặc nhiên công nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận.
Khi bàn về "hình hài" của tấm hộ chiếu, ông Nam nêu quan điểm đây phải là hộ chiếu số. Các loại hộ chiếu dạng thẻ như căn cước công dân, bằng lái xe... có thể làm giả. Hộ chiếu số cho phép mọi quan xuất nhập cảnh, hãng hàng không, cơ quan kiểm soát bệnh tật có thể dễ dàng kiểm tra tính xác thực.
"Người ta có thể mua giấy tờ giả. Tuy nhiên, rất khó để hack cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý chỉ để thay đổi thông tin phục vụ cho vấn đề đi lại", ông Nam nhận xét.
Không bó mình trong vùng an toàn
Việc mở cửa đón khách quốc tế gây ra không ít hoang mang với người dân. Nhiều người lo ngại những vị khách này sẽ đem đến dịch bệnh cho "ốc đảo an toàn" Việt Nam. Đây là tâm lý chung được nhiều chuyên gia du lịch nhận xét khi người Việt đã và đang sống trong một môi trường tương đối an toàn so với nhiều nơi khác.
Tuy nhiên, với ông Nam, khái niệm "vùng an toàn" trong đại dịch không bất biến mà thay đổi theo thời gian.
Khái niệm "vùng an toàn" trong đại dịch đã thay đổi từ khi vaccine xuất hiện. Ảnh: Getty. |
Ông nói: "Trước khi có vaccine, vùng an toàn là nơi ít dịch như Việt Nam. Từ khi có vaccine, vùng an toàn lại là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao như Israel hay sắp tới là Mỹ, châu Âu. Nếu chậm tiến độ tiêm vaccine, một số quốc gia vốn là vùng an toàn sẽ trở nên không an toàn và ngược lại. Chúng ta không nên chậm chân đón khách đến từ vùng an toàn cũng như đưa người Việt đi đến các vùng an toàn".
Đại diện TAB nhấn mạnh thêm tỷ lệ tiêm vaccine sẽ tăng nhanh đến mức đạt "miễn dịch cộng đồng ở các nước". Tuy nhiên, Covid-19 có thể vẫn tồn tại lâu dài như một loại cúm. Hộ chiếu vaccine là cách đưa cuộc sống trở lại bình thường khi virus chưa hoàn toàn biến mất.
"Nó chỉ đáng sợ khi chưa có vaccine. Khi có vaccine rồi, chúng ta sẽ vui vẻ sống, làm việc bình thường", ông Nam trả lời.