Thị thực du lịch chung cho 6 nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar, là tham vọng lớn nhất của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nhằm kích cầu du lịch, theo Bangkok Post.
Sáng kiến này được ví như "Schengen kiểu ASEAN" khi du khách quốc tế chỉ cần nhập cảnh tại một nước sẽ có thể tự do đi lại giữa 5 quốc gia còn lại.
Thủ tướng Thavisin bày tỏ sự kỳ vọng lớn cho ý tưởng của mình. 6 quốc gia được ông nêu tên đón tổng cộng 70 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2023, trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% doanh thu, tương đương 48 tỷ USD (1,2138 triệu tỷ đồng).
Về phía Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn luận trước sáng kiến này.
Doanh nghiệp lữ hành ủng hộ
"Nhiều công ty du lịch trong nước mong muốn điều này từ lâu, sáng kiến này là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nhiều du khách quốc tế", ông Phạm Hà, CEO doanh nghiệp lữ hành Lux Group, nói về sáng kiến thị thực chung 6 nước.
Ông cho rằng nếu ý tưởng được thực hiện, Việt Nam sẽ được hưởng lợi hơn Thái Lan trong việc thu hút khách quốc tế.
Trước hết về đường bay, thông thường, khách quốc tế chặng xa từ Mỹ, châu Âu đến Việt Nam sẽ quá cảnh tại Thái Lan và Malaysia. Thái Lan có mạng lưới đường bay quốc tế lớn hơn, sẽ đóng vai trò như "cửa ngõ" giúp đón du khách đến Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung.
SỐ QUỐC GIA/VÙNG LÃNH THỔ ĐƯỢC MIẾN THỊ THỰC VÀ LƯỢNG KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN 6 ĐÔNG NAM Á NĂM 2023 | |||||||
Nhãn | Thái Lan | Việt Nam | Campuchia | Lào | Malaysia | Myanmar | |
Quốc gia/vùng lãnh thổ | 65 | 25 | 55 | 15 | 162 | 66 | |
Triệu lượt khách | 28 | 12.6 | 5.5 | 3.4 | 26 | 1.28 |
Thứ hai, sáng kiến này cũng giúp giải quyết bài toán khó tiếp cận khách quốc tế do chính sách thị thực của Việt Nam.
"Người Mỹ đến Việt Nam muốn sang Thái Lan, sang Malaysia chơi thì dễ, thậm chí quá cảnh rồi tiện thể nhập cảnh ở lại du lịch luôn cũng được. Còn khách Mỹ đến Thái Lan, đến Malaysia muốn sang Việt Nam, sang Lào lại phải xin visa, khó hơn nhiều. Chính sách visa liên thông được thông qua, lượng khách xa đến Thái Lan, Malaysia sau đó qua Việt Nam chắc chắn sẽ tăng đột biến hơn nhiều so với chiều ngược lại", ông Hà nói với Tri Thức - Znews.
Theo ông Hà, việc Thái Lan chọn 5 quốc gia để liên minh không phải tình cờ. Các quốc gia được lựa chọn đều có chung đường biên giới đất liền với Thái Lan. Trước tình hình chi phí giữa đường hàng không ngày càng đắt đỏ, du khách có thể dễ dàng ghé thăm 6 quốc gia bằng đường bộ hay tàu.
Điều này cũng giúp cho chuyến đi của du khách đa trải nghiệm hơn, tăng tính cạnh tranh của 6 nước ASEAN với các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thái Lan nới lỏng chính sách thị thực cho 65 quốc gia và sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho nhiều nước khác để đạt mục tiêu trong năm 2024. Ảnh: @thailand. |
Đồng quan điểm với ông Hà, ông Lê Phong Trần, Giám đốc thị trường quốc tế Vietluxtour, đánh giá đây là ý tưởng rất tốt để thúc đẩy phát triển du lịch cả tiểu vùng sông Mekong. Đồng thời, sáng kiến này có thể tạo điều kiện tốt cho ngành du lịch Việt Nam tăng thêm nguồn khách từ các thị trường mới.
"Hiện tại có rất nhiều khách hàng từ các quốc gia Đông Âu, Nam Âu thường xuyên tổ chức charter flight (chuyến bay thuê bao) đến Bangkok (Thái Lan). Các du khách này cũng có nhu cầu tham quan các quốc gia lân cận như Campuchia, Việt Nam… Nếu họ có visa 6 nước như đề xuất của Thái Lan,việc đi du lịch sẽ rất thuận tiện", ông chia sẻ.
Ông Trần cho biết thêm nhóm khách du lịch chi tiêu nhiều thường tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa đa dạng, điểm đến tự nhiên và cơ hội du lịch độc đáo, cũng như có xu hướng tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình. Do đó, việc có một loại visa chung sẽ giúp thu hút những du khách từ các nước khác và tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Lượt tìm kiếm Malaysia từ du khách Ấn Độ tăng mạnh khi chính sách miễn visa được nới lỏng. Ảnh: Ben Cheung, Arifulhb, Darshan394, Khairi Harry/Pexels. |
Tuy nhiên, ông Trần cũng cho rằng sáng kiến tạo thử thách cạnh tranh không nhỏ đối với doanh nghiệp lữ hành nói riêng, ngành du lịch trong nước nói chung.
"Đặc biệt là về đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn và ngoại ngữ, phát huy các thế mạnh tài nguyên du lịch để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo nhưng phải có sự khác biệt, tiêu biểu của du lịch Việt Nam", ông Trần cho hay.
Đồng thời, ông Trần cũng nhấn mạnh ngành du lịch cần đẩy mạnh công tác quảng bá đến các thị trường trọng điểm… để gia tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các quốc gia chung khu vực.
Không thể vội vàng
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Phạm Hồng Long, giảng viên Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định Thái Lan thường có sáng kiến du lịch đi đầu, không chỉ trong khu vực mà còn tại châu Á và thế giới.
Sáng kiến "Schengen kiểu ASEAN" rõ ràng giúp các quốc gia đón được khách du lịch hơn. Tuy nhiên, chính sách này đối mặt nhiều thách thức.
Thứ nhất, vấn đề đồng bộ hoá visa giữa các nước.
Chính sách thị thực của Việt Nam đã thông thoáng hơn trong năm nay. Tuy nhiên, so với Thái Lan, điều này là chưa đáng kể. Để thực hiện được sáng kiến do Thái Lan đề ra, 6 nước cần ngồi lại, bàn bạc để tìm một cái tiếng nói chung về danh sách những quốc gia được áp dụng loại thị thực này. Nếu vượt qua được rào cản này, các quốc gia sẽ có được nhiều lợi ích hơn là bất lợi.
Hiện nay, có rất nhiều du khách châu Âu du lịch 30 - 90 ngày trong EU muốn vào Việt Nam mà không cần phải xin visa du lịch. Vì thế, Việt Nam có thể xem xét việc mở rộng các quốc gia được miễn visa đơn phương để hút được tệp khách thị trường lớn và chi tiêu cao.
Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan đẹp, ẩm thực phong phú giúp thu hút du khách quốc tế. Ảnh: Long Photo, Thế Vinh Flute, Hiep Nguyen, Anntarazevich/Pexels. |
Thứ hai, vấn đề về an ninh, an toàn của điểm đến.
Nếu sáng kiến này thông qua, khách du khách có thể ra vào nhiều nước khác nhau. Nhà nước cần có hệ thống kiểm soát chặt chẽ các khách du lịch đến Việt Nam để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân trong nước. Đồng thời, việc duy trì môi trường an toàn và an ninh cho khách du lịch là rất quan trọng để khuyến khích họ đến thăm Việt Nam lần đầu và quay lại những lần sau.
Thứ ba, vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Việc liên minh 6 quốc gia chung một thị thực cũng tăng cạnh tranh của từng địa điểm. Thái Lan rất nhanh nhạy và linh hoạt trong việc phân tích, nắm bắt nhu cầu thị trường. Vì vậy, các bộ ban ngành du lịch Việt Nam cũng cần đồng lòng, chung tay rà soát từng điểm đến, chuẩn bị sẵn bộ sản phẩm đủ hấp dẫn, đủ chất lượng để khách tới Việt Nam sẽ ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn và còn quay trở lại.
Các doanh nghiệp cũng cần làm mới các sản phẩm du lịch phù hợp về hành trình, chất lượng và có các chương trình liên kết quảng bá đặc thù.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.