Trong cuộc trao đổi mới đây với Zing, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đã phải xót xa thừa nhận đợt dịch vừa qua tại TP.HCM là một “thảm họa y tế công cộng” do sự điều phối nguồn lực y tế bị quá tải nhanh chóng, không kịp ứng phó.
Theo ông, để có thể sống chung an toàn với SARS-CoV-2, Việt Nam bắt buộc phải đảm bảo 2 yêu cầu. Đầu tiên là giảm số người tử vong do Covid-19. Sau cùng là dập từng ổ dịch để kiềm chế sự lây lan virus.
"Để làm được điều này, chúng ta buộc phải củng cố hệ thống giám sát dịch và điều trị ở các tuyến, đặc biệt là xã, phường”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook Việt Nam, cho rằng việc cải thiện năng lực y tế cơ sở sẽ là nhiệm vụ then chốt đối với ngành y tế Việt Nam trong thời gian tới, dù sẽ còn một chặng đường khá dài.
Quan điểm về y tế cơ sở đã “lỗi thời”
Theo tiến sĩ Thu Anh, y tế cơ sở trước đây được hiểu là trạm y tế xã, phường. Đây cũng là đơn vị y tế gần với người dân nhất khi được bố trí ngay trong các khu dân cư của mỗi địa phương.
“Trong những năm 1980-1990, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã rất thành công với chương trình tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà bầu, trẻ em, vệ sinh nước sạch, tẩy giun sán…”, bà cho biết.
Thời điểm đó, đa số người dân còn nghèo, thiếu hiểu biết. Cơ sở vật chất nhìn chung rất thiếu thốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến các trạm y tế xã, phường phát huy tối đa chức năng của mình.
Cán bộ làm việc tại Trạm Y tế phường Quang Trung (Hà Nội). Ảnh: Hải Nam. |
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân đã xây dựng được nền tảng kinh tế tốt hơn, đủ hiểu biết. Bên cạnh đó, các mô hình bệnh lý đã khác với trước kia. Những điều này kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng thay đổi.
Cụ thể, mạng lưới trạm y tế hiện nay không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Yêu cầu về chất lượng chăm sóc y tế cũng cao hơn.
Hiện tại, người dân khi gặp vấn đề về sức khỏe sẽ tìm tới dịch vụ y tế đầu tiên là nhà thuốc, phòng mạch tư, phòng khám tư nhân, Internet hay Telehealth bên cạnh bệnh viện công hay bác sĩ gia đình.
“Do đó, ở thời điểm này, tập hợp các cơ sở y tế tư và công mới nên được coi là mạng lưới y tế cơ sở. Trong đó, y tế tư nhân hoàn toàn có thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu như tiêm chủng mở rộng…”, vị chuyên gia nhận định.
Nhiệm vụ
Theo TS Nguyễn Thu Anh, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ cần thay đổi quan điểm về y tế cơ sở, từ đó nâng cao năng lực của những đơn vị này. Cụ thể, chúng ta cần coi y tế tư nhân là một phần của mạng lưới y tế cơ sở.
Thứ hai, ngành y tế có thể xây dựng một thể chế vận hành mạng lưới y tế cơ sở theo cơ chế thị trường để tạo tính cạnh tranh, qua đó tăng chất lượng dịch vụ, đồng thời giảm giá thành.
“Chúng ta cũng nên cân nhắc việc bỏ độc quyền bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh lãng phí, quan liêu, đồng thời giảm chi phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ y tế cơ sở”, vị chuyên gia gợi ý.
Thứ ba, Việt Nam cần đầu tư công cho các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu dựa trên mô hình bệnh tật, cơ chế thị trường, hiệu quả bảo vệ sức khỏe người dân thay vì số lượt khám do bảo hiểm trả hay có thu phí.
Thứ tư, các trạm y tế xã, phường cần bao gồm cả 2 phần là dịch vụ công và dịch vụ tư. “Hai nhóm dịch vụ này tuyệt đối không được mâu thuẫn lợi ích lẫn nhau”, bà Thu Anh nhấn mạnh.
Nhân viên tại trạm y tế phường chuẩn bị xe đưa các F0, F1 trên địa bàn đi cách ly. Ảnh: Hải Nam. |
Để nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcook Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp:
- Không giới hạn nhiệm vụ và năng lực khám, chữa bệnh của các trạm y tế.
- Chọn lọc các bệnh phổ biến nhưng dễ chẩn đoán, điều trị.
- Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại nhưng vận hành đơn giản.
- Thiết lập dịch vụ trọn gói, thân thiện, nhanh gọn cùng việc chăm sóc phục hồi.
- Ứng dụng công nghệ vào các dịch vụ y tế để tăng chất lượng, giảm sai sót.
- Tạo mạng lưới phòng xét nghiệm hiện đại kèm hệ thống gửi mẫu, trả kết quả tự động trong ngày.
- Thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ điện tử.
- Kết nối Telehealth với các bệnh viện đỡ đầu để xin hỗ trợ ca khó cũng như sẵn sàng chuyển tuyến.
- Đảm bảo năng lực quản trị dịch vụ y tế của các lãnh đạo trạm y tế.
- Khảo sát thị trường và phản hồi từ bệnh nhân để nâng chất lượng dịch vụ.
- Có cơ chế thu, chi để đảm bảo tăng thu nhập cho nhân viên y tế dựa trên hiệu quả làm việc.
Cuối cùng, Việt Nam sẽ cần có chế tài mạnh nhưng công khai để loại bỏ tất cả dịch vụ chất lượng kém, không đạt tiêu chuẩn.
“Dù sẽ là một chặng đường rất dài, việc nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở như vậy sẽ làm giảm chi phí chăm sóc sức khỏe rất nhiều, tăng năng suất lao động, đồng thời tránh rối loạn ở tuyến điều trị này như tình trạng vừa qua, khi dịch Covid-19 bùng phát”, TS Thu Anh kết luận.