Chi tiêu vào các văn hóa phẩm Hàn Quốc chứng kiến màn tăng trưởng tích cực. Ảnh minh họa: @amuse. |
Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), gồm phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực và mỹ phẩm xứ kim chí, ngày càng phổ biến nhờ vào sự phát triển của các trang mạng xã hội. TikTok cũng đang đón nhận lượng nội dung khổng lồ về quốc gia này.
Theo báo cáo Hallyu trong thời đại kỹ thuật số: Nội dung ngắn, tác động lớn (Hallyu in the Digital Age: Short Content, Big Impact) do TikTok và công ty phân tích và dữ liệu tiếp thị Kantar công bố hồi tháng 4, chi tiêu toàn cầu cho các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 143 tỷ USD vào năm 2030.
Bản báo cáo bao gồm một cuộc khảo sát với 2.018 người tiêu dùng trong độ tuổi 18-45 từ Mỹ, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Bốn quốc gia này được chọn để khảo sát do quy mô tiêu dùng liên quan đến Hallyu của họ thuộc vào dạng lớn.
Phim ảnh Hàn Quốc là chủ đề hot trên các trang mạng xã. Ảnh minh họa: Pinnaxis. |
Việt Nam góp phần
Thị trường hiện tại của Hallyu ước tính trị giá khoảng 76 tỷ USD.
Theo báo cáo, các nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội về văn hóa Hàn Quốc dự kiến góp phần thúc đẩy con số này bằng cách thu hút lượng khán giả lớn hơn ở các thị trường trọng yếu như Mỹ và Đông Nam Á.
Người dùng Việt Nam cũng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc.
Báo cáo của Kantar và TikTok cho hay các công thức nấu ăn và mẹo chế biến món ăn Hàn Quốc đã gây được tiếng vang lớn ở Việt Nam với gần 70% người tiêu dùng có khả năng sẽ tăng chi tiêu cho ẩm thực Hàn Quốc trong năm tới.
Tương tự, mỹ phẩm Hàn Quốc cũng không kém phần phổ biến, với 2/3 người Việt Nam được khảo sát đã mua mặt hàng này trên TikTok Shop.
Người dùng Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá và đề xuất của đám đông. Điều này càng thúc đẩy tính lan truyền và doanh số bán các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc trong khu vực.
Màn review mì Buldak trên Tiktok của rapper Cardi B đem lại tác động tích cực đến nhãn hàng. Ảnh: @iamcardib. |
Là thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khuếch đại làn sóng Hallyu thông qua tương tác mạng xã hội và mua hàng thực tế.
So với Nhật Bản, nhà xuất khẩu văn hóa phẩm nặng ký đầu tiên của Bắc Á, sản lượng của Hàn Quốc vẫn còn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, khoảng cách này giữa hai nước sẽ dần thu hẹp nhờ vào mạng xã hội.
Chẳng hạn, doanh số bán mì Buldak đã tăng vọt sau khi rapper Cardi B sử dụng trong video của mình và thu về gần 40 triệu lượt xem. Sự việc đã thúc đẩy cổ phiếu của công ty sản xuất mì Hàn Quốc Samyang Foods Co. lên mức cao kỷ lục trong năm nay.
Nếu có nhiều người quan tâm và bắt đầu mua hàng hóa, dịch vụ và giải trí của Hàn Quốc, tổng chi tiêu có thể lên tới 198 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Người dùng các nước sẽ còn tiếp tục chi tiền vào văn hóa phẩm Hàn Quốc. Ảnh minh họa: bandwagon. |
Chi tiêu tiếp tục tăng
Hàn Quốc nổi tiếng về xuất khẩu hàng hóa vật chất như chất bán dẫn, ô tô và thiết bị, vốn là những mặt hàng chủ lực của nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, sự lan rộng của Hallyu cũng đang góp phần đẩy mảnh ảnh hưởng văn hóa và hình ảnh thương hiệu của xứ sở kim chi.
Làn sóng văn hóa này đã tạo ra một thế hệ triệu phú mới trong các lĩnh vực sáng tạo như K-pop và webtoon.
Ở Hàn Quốc, lượng khán giả của TikTok nhỏ hơn nhiều so với YouTube và Instagram.
Bất chấp tầm ảnh hưởng toàn cầu của TikTok trong việc quảng bá văn hóa Hàn Quốc, người dân nước này vẫn thích các nền tảng khác hơn. Tuy nhiên, tại Mỹ và Đông Nam Á, nghiên cứu cho thấy khoảng 80% người dùng đã khám phá văn hóa Hàn Quốc thông qua TikTok.
Hyunho Son, tổng giám đốc giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok Hàn Quốc, cho biết: "Nếu nhìn vào thành công của những trào lưu liên quan đến Hàn Quốc, chúng thường được bắt đầu các nhà sáng tạo nội dung Đông Nam Á. Điều này cho thấy thị trường Đông Nam Á đang đóng vai trò là cửa ngõ và trung tâm cho các trào lưu nổi tiếng về Hàn Quốc".
Hyunho Son, tổng giám đốc giải pháp kinh doanh toàn cầu của TikTok Hàn Quốc, phát biểu tại ngày công bố báo cáo. Ảnh: TikTok Korea. |
Nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Hàn Quốc xuất hiện vào thời điểm TikTok đang mở rộng hoạt động kinh doanh thương mại điện tử qua TikTok Shop ở Mỹ và Đông Nam Á.
Theo TikTok, các sản phẩm của Hàn Quốc là một trong những sản phẩm hứa hẹn nhất của nền tảng này vì phân nửa số người dùng TikTok đã mua các mặt hàng thực phẩm hoặc mỹ phẩm Hàn Quốc trực tiếp trên TikTok Shop.
Theo báo cáo, chi tiêu toàn cầu hiện nay cho âm nhạc Hàn Quốc, bao gồm vé xem concert và các nội dung khác, ước tính sẽ tăng lên khoảng 11,6 tỷ USD trong năm nay. Trong khi chi tiêu cho các sản phẩm làm đẹp và thực phẩm Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tăng lên hơn 20 tỷ USD mỗi mặt hàng.
Ngoài ra, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục vào năm tới, với 7/10 người dùng TikTok ở Mỹ và Đông Nam Á có kế hoạch chi nhiều hơn cho thực phẩm và các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc.
Mạng xã hội dành cho người yêu sách
Các nền tảng dành cho người yêu sách ngày càng phát triển với nhiều tính năng khác nhau như Goodreads, Litsy, LibraryThing. Không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, đây còn là nơi có thể giúp người dùng theo dõi thói quen đọc sách, ghi chép lại thời gian đọc hay tạo nên một không gian ảo cùng các tiện ích để người dùng vận dụng những kiến thức trong sách tổng hợp thành một bài viết.