Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng của các thương hiệu xa xỉ. Ảnh minh hoạ: @quynhanhshyn_. |
Theo báo cáo mới được đơn vị tư vấn truyền thông Vero công bố, doanh thu của ngành hàng xa xỉ tại khu vực Đông Nam Á ước tính chạm mốc 16 tỷ USD trong năm 2024, chiếm 4,3% tổng doanh thu toàn cầu trong năm 2024.
Theo bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Chủ tịch bộ phận Tư vấn Quan hệ công chúng tại Vero Việt Nam, sự kiện nhiều ngôi sao Việt được các thương hiệu xa xỉ quốc tế bổ nhiệm vào vị trí Friends of House trong những năm gần đây có ý nghĩa quan trọng.
“Bên cạnh đó, nhờ các nhà sáng tạo nội dung không ngại chia sẻ những câu chuyện chân thực lên mạng xã hội, người trẻ Việt ngày càng thoải mái thể hiện bản sắc cá nhân. Các thương hiệu cũng có thể ủng hộ xu hướng này, cho phép khách hàng trẻ khám phá bản thân qua trải nghiệm xa xỉ”, bà Trinh nói thêm.
Quỳnh Anh Shyn là người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam, được nhiều nhãn hàng chú ý. Ảnh: @quynhanhshyn_. |
Tiềm năng phát triển của thị trường xa xỉ Việt Nam
Dựa trên báo cáo của Vero, 42% người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn chi tiêu cho hàng hoá xa xỉ bất chấp lạm phát. Trong đó, 25% khách hàng Việt Nam có xu hướng gia tăng mức chi đối với những mặt hàng này.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Trinh, người tiêu dùng ngày càng phát triển nhận thức rõ hơn về bản thân, gia tăng mong muốn bộc lộ cá tính, tôn vinh bản ngã, không ngại khám phá và thử nghiệm sản phẩm mới.
Quỳnh Anh Shyn, một trong những người có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực thời trang tại Việt Nam, là một ví dụ điển hình cho xu hướng này. Không ngần ngại thể hiện bản thân với phong cách thời trang táo bạo và tôn vinh cá tính độc đáo, Quỳnh Anh Shyn góp phần nâng cao vị thế nền thời trang của Việt Nam và được nhiều hãng thời trang xa xỉ “chọn mặt gửi vàng”.
Ngoài ra, một trong những nhu cầu lớn nhất của khách hàng siêu sang ở Đông Nam Á là nâng cao chất lượng cuộc sống. Người tiêu dùng tại khu vực này ưa chuộng sản phẩm có chất lượng tốt, có thể sử dụng lâu dài.
Tại Việt Nam, Helly Tống, nhà sáng lập Yên Concept & Lại Đây Refill, là một trong những người có sức ảnh hưởng tiêu biểu, đại diện cho lối sống này. Việc tiêu dùng các sản phẩm bền vững, có giá trị cao, sở hữu sức sống lâu dài của cô truyền cảm hứng cho nhiều khách hàng trẻ.
Các nhà sáng tạo nội dung ảnh hưởng đến phong cách sống của người tiêu dùng. Ảnh minh hoạ: @hellytong. |
Thị trường xa xỉ Đông Nam Á ngày càng hấp dẫn
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn truyền thông Vero, khách hàng Đông Nam Á đề cao 3 tiêu chí khi mua sắm hàng hóa xa xỉ, bao gồm chất lượng, thời gian sử dụng và mức độ độc đáo.
Trong đó, yếu tố chất lượng và thời gian sử dụng được 57% người tiêu dùng quan tâm. Tiêu chí độc đáo được 44% khách hàng lưu ý.
Top 5 ngành hàng trong lĩnh vực hàng hóa xa xỉ phổ biến tại Đông Nam Á là đồ công nghệ, thời trang, làm đẹp, trang sức và túi xách/ví. Ngành hàng công nghệ thu hút 67% khách hàng. Lĩnh vực thời trang và làm đẹp xếp sau với lần lượt 56% và 51% người tiêu dùng quan tâm.
Theo ông Chinchote Sukonthotok, Giám đốc truyền thông tại Vero Thái Lan, Đông Nam Á giờ đây không chỉ còn là khu vực sản xuất, mà đã phát triển để trở thành một thị trường tiêu dùng quan trọng, đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ xa xỉ. Điều này phản ánh sự sung túc và nhu cầu ngày càng cao về sự tinh tế trong tiêu dùng.
“Các nhà sáng tạo nội dung góp phần khơi dậy sự thay đổi trong lối sống, truyền cảm hứng cho người dùng để đón nhận cuộc sống sang trọng. Vì vậy, các thương hiệu phải thúc đẩy quan hệ đối tác với những người có ảnh hưởng đến phong cách sống, từ đó tạo ra xu hướng”, ông Chinchote Sukonthotok cho biết.
Bà Prapasri Vasuhirun, Phó Chủ tịch Vero Xperience, cũng cho biết thêm rằng các thương hiệu có thể xây dựng mối quan hệ mật thiết, sự liên kết chặt chẽ với khách hàng siêu sang, truyền cảm hứng để họ trở thành đại sứ tiêu dùng hàng xa xỉ.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.