![]() |
Đám cưới của cô dâu Kulvin Kaur và chú rể Dilip Bhagwan (Ấn Độ) tại Đà Nẵng hồi tháng 2/2024. Ảnh: Kulvin Kaur. |
Cặp đôi Abhishek Bajaj và Parasha Dhanda (người Ấn Độ) lựa chọn Phú Quốc cho đám cưới thân mật của mình. Trên đảo không có ngựa để chú rể Bajaj đón dâu theo phong tục truyền thống, vì vậy họ phải thuê một con ngựa từ TP.HCM, chở đến đảo bằng phà và xe tải suốt 400 km.
Cả hai cũng đưa hơn 20 nghệ sĩ từ Ấn Độ đến "đảo ngọc", tạo không khí hệt như lễ cưới quê nhà.
"Đây là đám cưới trong mơ của chúng tôi, mọi người đều cảm thấy rất gần gũi. Chúng tôi có nhiều thời gian bên những vị khách quý của mình", Bajaj chia sẻ.
![]() |
Abhishek Bajaj và Parasha Dhanda tại đám cưới của họ ở Phú Quốc, Việt Nam. Ảnh: Light Chamber. |
Theo Bloomberg, từ nhân viên văn phòng, ngôi sao Bollywood đến giới thượng lưu, người Ấn Độ đang có xu hướng chi tiêu xa hoa hơn cho đám cưới của mình. Trong đó, các nghi lễ, thực phẩm, trang phục và chương trình biểu diễn được cho là "ngốn" bộn tiền.
Đáng chú ý, giới trẻ Ấn Độ có xu hướng giản lược các nghi thức truyền thống và ưu tiên tổ chức đám cưới ở những nơi mới mẻ. Điều này tạo ra một thị trường du lịch cưới đầy tiềm năng.
Các nước như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ hay Mexico... đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những lễ cưới kéo dài nhiều ngày của người Ấn và có thể mang lại doanh thu hàng triệu USD.
Theo khảo sát của Skyscanner, gần 50% trong số 2.000 cặp đôi Ấn Độ được hỏi cho biết đang cân nhắc tổ chức đám cưới tại một nước khác Ấn Độ thuộc châu Á.
Trong năm 2023, người Ấn Độ chi khoảng 130 tỷ USD cho đám cưới - gấp đôi chi tiêu cho đám cưới ở Mỹ. Trong số khoảng 8 triệu đám cưới của Ấn Độ tổ chức trong năm 2024, có khoảng 5.000 đám cưới được tổ chức ở nước ngoài, theo Liên đoàn các nhà kinh doanh Ấn Độ.
![]() |
Số lượng đám cưới của các cặp đôi người Ấn Độ tại khách sạn Conrad Bali (Indonesia) tăng gấp đôi từ năm 2023 đến năm 2024. Ảnh: Hilton. |
Nhằm thu hút sự quan tâm của những cặp đôi Ấn Độ vốn không ngại chi "khủng" cho đám cưới, nhiều quốc gia bắt đầu đưa ra chính sách du lịch cởi mở dành cho nhóm khách này.
Văn phòng hội nghị Abu Dhabi (UAE) miễn phí thị thực cho các cặp đôi Ấn Độ đến đây làm đám cưới, trong khi Ban du lịch Singapore cho biết đang hợp tác với các nhà tổ chức sự kiện ở Ấn Độ để tiếp thị thành phố này như một điểm đến cho dịch vụ cưới hỏi chuyên nghiệp.
Các khách sạn lớn cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tung ra các gói tiệc cưới độc đáo, phù hợp với dòng khách Ấn tiềm năng. Marriott International Inc. cho biết đám cưới theo phong cách Ấn Độ tại các khách sạn của họ ở châu Á tăng hơn 30% trong 5 năm (tính đến năm 2024).
Tại khách sạn Conrad Bali (Indonesia), số đám cưới Ấn Độ tăng gấp đôi chỉ trong một năm. Nhiều cơ sở còn thuê đầu bếp người Ấn để phục vụ món ăn đúng điệu cho thực khách.
![]() |
Cô dâu Tariang và chú rể Manprit Singh Rana trong lễ cưới ở Hua Hin, Thái Lan hồi đầu năm. Nguồn: Studio Niramit. |
Trong những điểm đến du lịch cưới được lòng người Ấn Độ, Thái Lan được ưu tiên hàng đầu nhờ vị trí gần gũi và khả năng cung cấp dịch vụ phục vụ cưới hỏi đa dạng. Các công ty tổ chức sự kiện, nghệ sĩ vẽ henna, nhạc công, đầu bếp người Ấn đều hoạt động sôi nổi, nhất là vào mùa cưới.
Krishna Patel, Giám đốc điều hành của Hiệp hội đám cưới Ấn Độ tại Thái Lan và là chủ sở hữu một công ty tổ chức sự kiện tại Hua Hin - thị trấn bãi biển cách Bangkok vài giờ lái xe, cho biết: "Những đám cưới này là cơ hội kinh doanh tốt".
Theo Krishna, trong khi đám cưới của người Thái chỉ diễn ra trong một ngày, tiệc thành hôn của người Ấn lại là chuỗi tiệc tùng và chi tiêu suốt cả tuần.
"Đây là một lợi ích lớn cho các khách sạn và tất cả các nhà cung cấp. Mọi người đều có việc làm trong nhiều ngày", bà nói.
Hôn lễ của một cặp đôi Ấn Độ thường bao gồm các hoạt động trước và sau đám cưới, với chi phí cho một số lễ cưới lên tới gần 1 triệu USD, theo Cơ quan Du lịch Thái Lan.
Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.
> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh