Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam thêm một bệnh viện có thể tự lực ghép gan

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tự lực thực hiện 2 ca ghép gan trong thời gian từ tháng 5 đến nay.

Đây là hai ca ghép gan đầu tiên do các bác sĩ của bệnh viện này tự thực hiện, trong số 11 ca ghép gan tại đây kể từ năm 2018, khi được Bộ Y tế cấp phép ghép gan từ người cho chết não và người hiến còn sống.

Các ca ghép gan trước được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.

benh vien co the tu luc ghep gan anh 1

Anh L. hồi phục thần kỳ chỉ sau 5 ngày kể từ khi được ghép gan. Ảnh: BVCC.

Anh H.V.L. (37 tuổi, trú tại TP.HCM) được ghép trọn vẹn lá gan từ một người chết não tại Hà Nội. Ca ghép được thực hiện ngay trong đêm sau khi lá gan chuyển đến. Sau phẫu thuật, sức khỏe anh L. hồi phục nhanh chóng.

Chỉ 5 ngày sau, anh được chuyển từ phòng Hồi sức sau ghép đến khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy để tiếp tục theo dõi. Tại đây, mọi hoạt động sinh hoạt của anh L. nhanh chóng trở lại bình thường. Hai tuần sau, anh L. đã có thể xuất viện trở về với gia đình.

Bà H.T.P. (61 tuổi, trú tại TP.HCM) có tiền sử viêm gan C dẫn đến xơ gan giai đoạn nặng. Một tháng trở lại đây, bà P. có một vài lần rơi vào hôn mê, tình trạng nhiễm trùng, rối loạn trong máu tăng và nguy cơ xuất huyết não dẫn đến tử vong.

Theo đánh giá của các bác sĩ, nếu không được ghép gan kịp thời, tỷ lệ tử vong trong vòng 3 tháng có thể lên đến 50%. Ghép gan là phương pháp tốt nhất để bà có thể sống khỏe mạnh.

benh vien co the tu luc ghep gan anh 2

Gia đình bà L. rất lạc quan trước ca phẫu thuật. Ảnh: BVCC.

Ngày 15/6, bà được ghép gan từ người hiến là anh T.H.N. (28 tuổi, con trai út của bà). Sau phẫu thuật một tuần, anh N. được xuất viện. Hiện sức khỏe bà P. ngày càng ổn định, có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long (Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém. Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) chia sẻ: "Để thực hiện ghép gan thành công đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm và thực hiện được các kỹ thuật phức tạp do mỗi cặp ghép đều khác nhau về chỉ định, bệnh lý và bệnh nền".

Lá gan của người phụ nữ Hà Nội hồi sinh bệnh nhân tại TP.HCM

Ngay trong đêm, các bác sĩ đã chuyển lá gan của một phụ nữ chết não từ Hà Nội vào TP.HCM cứu sống bệnh nhân xơ gan đang chờ được ghép.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm