Dữ liệu từ MotorCycles Data (McD) cho thấy kết thúc quý đầu năm, Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ tư toàn cầu, xếp sau Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Dù vẫn đạt mức tăng trưởng chung 0,9% trên phạm vi toàn cầu, xe máy đang dần mất đi vị thế ở một số quốc gia, thậm chí ngay tại Trung Quốc, nơi được xem là một trong những “thành trì” cuối cùng của xe 2 bánh.
Người Việt mua xe máy nhiều thứ tư thế giới
Báo cáo của McD cho thấy khách hàng Ấn Độ đã mua tổng cộng 4,56 triệu xe máy chỉ trong 3 tháng đầu năm. Doanh số xe máy tại thị trường đông dân nhất thế giới đã tăng trưởng 20,6%, được xem là động lực chính giúp doanh số xe máy toàn cầu đạt mức tăng trưởng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng tiêu thụ xe máy tại Trung Quốc dù giảm 16,2% nhưng cũng đạt hơn 3,71 triệu chiếc để đưa quốc gia này trở thành thị trường xe máy lớn thứ hai toàn cầu, chỉ xếp sau Ấn Độ. Indonesia sở hữu mức tiêu thụ xe máy hơn 1,78 triệu chiếc, còn doanh số xe máy tại Việt Nam đạt 660.459 xe trong quý đầu năm, theo số liệu của McD.
Người Việt Nam mua xe máy nhiều thứ tư thế giới | ||||||
Lượng tiêu thụ xe máy tại 5 thị trường lớn nhất thế giới trong quý đầu năm (Số liệu: MotorCycles Data) | ||||||
Nhãn | Ấn Độ | Trung Quốc | Indonesia | Việt Nam | Philippines | |
chiếc | 4563416 | 3712540 | 1784601 | 660459 | 593018 |
Doanh số xe máy tại Việt Nam có sự khác biệt giữa McD với dữ liệu do Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) công bố. Theo đó, VAMM cho biết người Việt đã mua 603.745 xe máy trong 3 tháng đầu năm, chênh lệch hơn 56.000 chiếc so với dữ liệu do McD công bố.
Dù vậy, sự chênh lệch này là dễ lý giải bởi số liệu do VAMM công bố chỉ bao gồm tổng lượng bán ra của cả 5 thành viên, không phải số sản xuất và không bao gồm lượng xuất khẩu.
Do vậy, dữ liệu bán hàng của VAMM không bao gồm lượng tiêu thụ của một số hãng môtô như Kawasaki, KTM, Ducati, Harley-Davidson, Royal Enfield... và cũng chưa tính gộp doanh số của các hãng xe điện như VinFast, DatBike, Pega hay Yadea.
Một báo cáo khác từ McD cho thấy sau 4 tháng đầu năm, doanh số xe máy tại thị trường Việt đã đạt 904.684 chiếc. Lượng tiêu thụ xe tay ga của người Việt giảm 5,8%, doanh số xe số và tay côn giảm 16,1% còn nhóm xe máy điện cũng giảm 12,7% về sức bán.
Doanh số xe máy tại thị trường Việt Nam sụt giảm trong giai đoạn đầu năm. Ảnh: Bối Hạ. |
Honda và VinFast được báo cáo là những cái tên hiếm hoi tăng trưởng doanh số tại thị trường xe máy Việt Nam trong giai đoạn đầu năm. Hãng xe Nhật Bản sở hữu mức tăng trưởng 0,3%, trong khi nhóm xe máy điện của VinFast cũng đạt mức tăng trưởng 7,7% về doanh số so với cùng kỳ năm ngoái.
Những “thành trì” cuối cùng của thị trường xe máy
Danh sách 20 thị trường hàng đầu của xe máy trong quý đầu năm ghi nhận sự có mặt của 6 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Trong số này, Indonesia là thị trường xe máy lớn thứ ba thế giới, còn Việt Nam xếp thứ tư về lượng tiêu thụ xe máy trong quý đầu năm.
Danh sách nói trên cũng bao gồm 6 quốc gia thuộc khu vực châu Mỹ, trong đó có cả Mỹ với 126.250 môtô bán ra trong quý đầu năm. Top 20 thị trường xe máy hàng đầu thế giới còn có sự xuất hiện của 6 quốc gia châu Á, bên cạnh quốc gia liên lục địa Á-Âu là Thổ Nhì Kỳ cùng duy nhất Italy làm đại diện cho lục địa già.
Dù không phải là cái tên đứng đầu thế giới về lượng tiêu thụ xe máy, Thái Lan đang là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe máy cao hàng đầu với khoảng 87% hộ gia đình sở hữu loại phương tiện di chuyển này, theo WorldAtlas.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm đầu danh sách nói trên khi có 86% hộ gia đình sở hữu ít nhất một xe máy. Tỷ lệ này ở Indonesia và Malaysia tương ứng lần lượt là 85% và 83%, nhưng chỉ đạt 60% tại Trung Quốc và 47% tại Ấn Độ.
Xe máy trên đường phố Bangkok (Thái Lan). Ảnh: Shutterstock. |
Giá bán được cho là một trong những yếu tố quyết định đến sức bán và độ phổ biến của xe máy tại các thị trường. Dữ liệu do McD thu thập cho thấy tại châu Âu, giá bán trung bình của môtô và xe máy rơi vào khoảng 12.212 USD. Dòng Naked Bike chiếm ưu thế tại thị trường lục địa già khi nắm giữ 37,44% thị phần cùng giá niêm yết trung bình ở mức 9.352 USD.
Bắc Mỹ cũng là khu vực sở hữu giá xe máy ở mức khá cao. Theo McD, giá trung bình của môtô tại đây ở mức 12.454 USD, nguyên nhân xuất phát từ độ phổ biến của các dòng xe 2 bánh phân khối lớn.
Trong khi đó, giá bán trung bình của xe máy tại khu vực Nam Mỹ chỉ dao động ở mức 3.170 USD. Nhóm xe máy phổ thông với dung tích xy-lanh trong khoảng 126-250 cc chiếm ưu thế khi nắm giữ gần 46% thị phần, đồng thời sở hữu giá bán trung bình 2.128 USD.
Giá bán trung bình của xe 2 bánh tại khu vực Đông Nam Á là khoảng 2.344 USD. Tương tự ở Nam Mỹ, các nước Đông Nam Á cũng chứng kiến mức độ phổ biến của xe máy phổ thông (dung tích xy lanh 101-250 cc) với 44,65% thị phần cùng giá bán trung bình 1.092 USD.
Mức giá trung bình chỉ 1.133 USD đối với xe máy tại thị trường Ấn Độ được cho là nguyên nhân chính giúp quốc gia này đang được xem như “thiên đường” dành cho xe 2 bánh. Nhóm xe gắn máy có dung tích 50-125 cc chiếm ưu thế trên đường phố Ấn Độ khi nắm giữ đến 67,41% thị phần, sở hữu giá bán trung bình ở mức 881 USD.
Trong khi Việt Nam hay Indonesia vẫn phổ biến các mẫu xe máy sử dụng động cơ đốt trong, thì Trung Quốc gần như đã thay thế hoàn toàn bởi xe máy điện. Xu hướng này có thể tiếp tục lan rộng trong tương lai, cùng với sự phát triển của các phương tiện giao thông chạy điện khác.
Với bối cảnh hiện tại, khó có thể có sự bùng nổ của thị trường xe máy cũng như sự phát triển vượt bậc của một quốc gia mới cho xe máy. Nhiều khả năng Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan sẽ tiếp tục là những sân chơi lớn cuối cùng của công nghiệp xe 2 bánh và cũng hứa hẹn sẽ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.