Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietnam Airlines lỏng lẻo khi quản lý khu cách ly tập trung

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, trong 4 ngày, bệnh nhân 1342 đi từ khu cách ly này qua khu kia. Điều đó thể hiện sự quản lý không chặt chẽ của Vietnam Airlines.

Tại cuộc họp báo do TP.HCM tổ chức thông tin tình hình dịch Covid-19 sau khi ghi nhận ca mắc trong cộng đồng, nhiều vấn đề liên quan bệnh nhân 1342 vì không tuân thủ quy định cách ly đã được đặt ra.

Trách nhiệm thuộc về Vietnam Airlines

Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý về việc bệnh nhân nhiễm virus trong thời gian cách ly, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết khu cách ly của Vietnam Airlines đã được phép thành lập, ngành y tế thành phố có trách nhiệm giám sát và chấn chỉnh nếu thực hiện chưa đúng. Đặc biệt, người cách ly tại nhà phải ký cam kết thực hiện đúng quy định.

"Vấn đề là nếu chúng ta thực hiện không đúng thì sẽ để lại hậu quả. Tôi khẳng định bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết", ông Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết Vietnam Airlines có quy định cách ly mỗi chuyến bay theo khu riêng biệt. Tuy nhiên, trong 4 ngày cách ly tại đây, bệnh nhân 1342 vi phạm quy định, đi từ khu cách ly này qua khu kia. Điều đó thể hiện sự quản lý không chặt chẽ ở khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines. Bởi theo quy định ngay cả thành viên cùng chuyến bay khi cách ly cũng không được tiếp xúc với nhau. Do đó, trách nhiệm thuộc về sự quản lý của Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định về mặt khoa học, quy định cách ly y tế tại nhà sau khi cách ly tập trung 3-5 ngày và có xét nghiệm 2 lần âm tính, rất logic. Khi các hành khách và tổ bay đều có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phi hành đoàn có thể được cách ly ở nơi cư trú. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy định, việc cách ly ở nơi cư trú sẽ không được tiếp tục.

benh nhan Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh. Ảnh: B.Huệ.

Chia sẻ với Zing bên lề cuộc họp, ông Bỉnh cho biết thêm UBND TP.HCM và Hà Nội đề xuất không áp dụng hình thức cách ly tại nơi cư trú. Thay vào đó, nhiều khả năng việc cách ly 14 ngày sẽ được thực hiện cho các tiếp viên. Đây là nhu cầu thực tiễn của từng địa phương.

"Chúng tôi không thể kiểm soát chặt việc cách ly của từng người. Khi người cách ly vi phạm và bị xử phạt, đó trở thành việc đã rồi, không thể cứu vãn. Chúng tôi không thể quản lý chặt từng hành động hay thời gian di chuyển của họ”, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết thêm cách ly tại nhà là quy định y tế không chỉ được áp dụng ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Quy định này được đặt ra với tổ bay chuyến quốc tế, người nhập cảnh, F2.

“Dĩ nhiên, trường hợp nguy cơ thấp mới được cho cách ly tại nhà. Vấn đề là sự tuân thủ quy định phải được người dân đặt lên hàng đầu”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

benh nhan Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Khu vực bệnh nhân 1347 sinh sống bị phong tỏa. Ảnh: Chí Hùng.

Về quy định cách ly đối với tổ bay quốc tế, bác sĩ Dũng cho biết khi toàn bộ hành khách và phi hành đoàn có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và được cách ly trong 3-5 ngày tại khu cách ly tập trung, tiếp viên có thể cách ly tại nhà.

Trong thời gian này, nếu tiếp viên có lịch bay, cơ quan y tế sẽ lấy mẫu kiểm tra và xác nhận cho rời khỏi nơi cách ly khi kết quả âm tính. Nếu không có lịch bay, tiếp viên sẽ cách ly đủ 14 ngày và xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. Nếu kết quả âm tính, người này có thể trở lại làm việc.

Cách ly tại nhà đòi hỏi sự tự giác

Về việc giám sát của ngành y tế đối với bệnh nhân 1342 trong thời gian cách ly tại nhà, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết hiện nay, TP.HCM không có quy định lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày với trường hợp này. Bệnh nhân được nhân viên y tế tại địa phương giám sát, gọi điện thoại thăm hỏi triệu chứng hàng ngày.

“Trước đó, bệnh nhân 1342 có ký cam kết đảm bảo quy định cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Nhưng, trong trường hợp có một người khác đến nơi ở của bệnh nhân ở thời điểm nào đó, ngành y tế không thể kiểm soát. Tôi đã nói từ đầu là việc cách ly tại nhà đòi hỏi sự tự giác rất cao vì ngành y tế địa phương không thể giám sát mọi lúc, mọi nơi”, Giám đốc HCDC nhấn mạnh.

Như vậy, từ 29/11 đến nay, TP.HCM ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 có liên quan bệnh nhân 1342 - tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ Nhật Bản về Việt Nam. Ngành y tế TP.HCM đã xác định đây chính là nguồn lây nhiễm F0. Bệnh nhân tiếp theo được phát hiện là giáo viên tiếng Anh và 2 F1 của trường hợp này (BN1348-1349).

Điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng ghi nhận trước khi nam tiếp viên dương tính với SARS-CoV-2 đã tiếp xúc BN1325 (tiếp viên hàng không trên chuyến bay trở về từ Rumani) trong thời gian cách ly tập trung. Đáng lo ngại hơn, chuyến bay của tiếp viên từ Rumani đã có thêm 8 người mắc Covid-19.

Hiện, cơ quan chức năng chưa khẳng định những người này lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc trên chuyến bay hay trong khu cách ly. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế và HCDC đều khẳng định bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly tại khu cách ly tập trung và quá trình cách ly tại nhà.

Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, vi phạm đến đâu, xử lý đến đó theo quy định và có hình thức xử lý BN1342 trong thời gian tới.

Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn cách làm nón kính ngăn giọt bắn phòng Covid-19 Các nhân viên phòng Nghiên cứu khoa học - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hướng dẫn chi tiết cách làm nón kính ngăn giọt bắn phòng dịch Covid-19 nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm.

Hơn 500 người ở TP.HCM tiếp xúc giáo viên tiếng Anh mắc Covid-19

Qua điều tra dịch tễ, ngành y tế TP.HCM đã khoanh vùng và xác định bệnh nhân 1347 có 99 người là F1, 414 trường hợp F2.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm