Vừa qua, sinh viên thiết kế Terrence Zhou đã tố cáo Viktor & Rolf đạo nhái mẫu búp bê của mình trong show diễn cao cấp 2017. Tuy nhiên, nhà mốt Hà Lan nhanh chóng bác bỏ cáo buộc bằng việc tuyên bố những sản phẩm này được làm ra với tư duy sáng tạo từ các nhà thiết kế của thương hiệu.
Theo Zhou - sinh viên của Parsons, mẫu búp bê mà Viktor & Rolf ra mắt trong show diễn rất giống với thiết kế của mình. Sinh viên này cho biết thêm, anh từng nộp đơn xin thực tập tại thương hiệu vào tháng năm, cũng như cung cấp cho họ những kinh nghiệm và sản phẩm trong quá trình học tập và làm việc.
Đơn xin thực tập của Zhou đã bị từ chối do phía công ty yêu cầu sinh viên phải có hộ chiếu châu Âu. Anh chia sẻ: "Tôi rất buồn sau khi Viktor & Rolf từ chối hồ sơ, nhưng điều làm tôi bất bình hơn chính là mẫu búp bê trong bộ sưu tập Haute Couture lại rất giống với một thiết kế nằm trong porfolio của tôi".
Mẫu búp bê của Viktor & Rolf (phải) có nhiều điểm tương đồng với thiết kế của Terrence Zhou (trái). |
Tuy nhiên, phát ngôn viên của Viktor & Rolf đã bác bỏ nhận định của Zhou bằng tuyên bố "Những sản phẩm đều được thực hiện từ chính tư duy của các nhà thiết kế trực thuộc thương hiệu". Hình tượng búp bê là một chủ đề rất bình thường từ ý tưởng của các nhà mốt tại Hà Lan. Dẫn chứng chính là bộ sưu tập búp bê Nga năm 1999 và buổi triển lãm với hơn 31 con búp bê tại Toronto vào năm 2013.
Chưa cảm thấy câu trả lời của Viktor & Rolf thỏa đáng, Zhou đã nhờ những giáo sư tại Central Saint Martins tư vấn, nhưng họ lại nói rằng đây là đặc thù của ngành công nghiệp thời trang và không khuyến khích anh tìm luật sư hay có động thái gì.
Điều này khiến anh lo lắng về hướng đi riêng của mình “Tôi vẫn cần nêu lên sự thật vì đây không phải là trường hợp duy nhất. Tôi có rất nhiều bạn tại Central Saint Martins, những người đã bị các thương hiệu lớn sao chép ý tưởng và kiếm nhiều lợi nhuận mà không hề chi trả khoản tiền nào”.
“Tôi quyết định lên tiếng bởi vì nếu không, họ sẽ luôn lợi dụng điều đó để khai thác tư duy của các tài năng trẻ, bản thân tôi chính là ví dụ điển hình nhất”, Zhou nói.
Không chỉ hình tượng về những con búp bê mà kiểu dáng trang phục và chất liệu cũng có nhiều điểm tương đồng. |
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà mốt danh giá vướng vào những lùm xùm đạo nhái. Thương hiệu cao cấp Gucci từng bị tố sao chép ý tưởng của nhà thiết kế Dapper Dan, còn Balenciaga lại ra mắt mẫu sơ mi giống hệt một sản phẩm của Ruff Ryders.
Mặc dù câu chuyện này vẫn chưa có kết quả, nhưng đạo nhái từ lâu đã trở thành một trong những vấn nạn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang.