Sáng 22/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện hai bên tiếp tục phần tranh luận.
'Không cổ súy giá rẻ mà trái pháp luật'
Phía Vinasun cho rằng dựa vào việc báo lỗ 4 năm hơn 1.700 tỷ thì việc Grab cho biết có đóng thuế Thu nhập doanh nghiệp là điều mà tòa cần xem xét lại.
Trong quá trình xét hỏi, Grab luôn khẳng định mục tiêu của họ là hướng đến nền công nghệ 4.0. Tuy nhiên Vinasun cho rằng đây chỉ là 1 phần trong công nghệ 4.0 chứ không thể là nền công nghệ 4.0.
"Grab có mục tiêu giành giật thị trường, thu thập thông tin khách hàng, buôn bán với nhau. Giá rẻ mà dựa trên cơ sở đúng pháp luật thì chúng ta ủng hộ, không cổ súy giá rẻ mà trái pháp luật", đại diện Vinasun nói trước tòa.
Đại diện phía Vinasun tại tòa. Ảnh: Hoài Thanh. |
Phía bị đơn đặt ra các câu hỏi để khẳng định khách hàng lựa chọn doanh nghiệp này vì chất lượng dịch vụ. Bị đơn cho rằng Vinasun kiện Grab là do nguyên đơn không làm tốt những điều để có thể cạnh tranh.
"Vinasun kiện chúng tôi vi phạm đề án 24, vi phạm pháp luật địa phương nhưng chính bản thân họ có bao giờ nhìn lại cũng vi phạm đề án 24? Chúng tôi khuyên rằng thay vì nhìn vào bên ngoài mà Vinasun nên nhìn bản thân mình, nhìn bên ngoài ở mặt tích cực để có thể đóng góp nhiều hơn trong cách mạng 4.0. Bất luận quyết định tòa là như thế nào nhưng chúng tôi kiên định với sức mạnh: Chúng tôi đầu tư ở đây là để tồn tại", CEO của Grab nói.
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX quay lại phần xét hỏi.
Hơn 41 tỷ thiệt hại chỉ là tương đối?
Trả lời HĐXX xoay quanh số tiền hơn 41 tỷ đồng thiệt hại, đại diện Vinasun trả lời rằng số tiền thiệt hại được tính toán từ hành vi vi phạm của Grab khiến cho Vinasun bị sụt giảm lợi nhuận. Nguyên đơn dựa vào kết quả kinh doanh thực tế của công ty mẹ và vào báo cáo kết quả kiểm toán.
Vinasun cho biết thiệt hại thực tế không phải chỉ hơn 41 tỷ. "Thực tế lớn hơn nhiều nhưng vì để nhanh chóng ngăn thiệt hại nên chúng tôi quyết định kiện số tiền đó. Số tiền kiện nhỏ hơn thiệt hại", đại diện Vinasun nhấn mạnh.
Về phía Grab, họ cho biết đầu tư vào 8 nước, 1 số nước thu được lợi nhuận, 1 số nước tiếp tục đầu tư. Ở Việt Nam, năm 2014-2017 hoạt động của Grab chưa có lợi nhuận, còn năm 2018 chưa kết thúc nên không thể khẳng định lãi hay lỗ.
CEO của Grab tại Việt Nam (vest đen). Ảnh: Hoài Thanh. |
Trả lời câu hỏi về nguồn tài chính để hoạt động khi báo lỗ hơn 1.700 tỷ đồng. Grab cho biết họ có những nhà đầu tư. "Mới đây chúng tôi nhận được 3 tỷ USD đầu tư vào tập đoàn", CEO của Grab nói.
Đối với phần trăm chiết khấu dành của lái xe thay đổi liên tục, Grab cho rằng dựa vào chi phí vận hành càng ngày càng tăng và doanh nghiệp này cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho tài xế. Căn cứ để thay đổi dựa vào hợp đồng hợp tác kinh doanh và thỏa thuận giữa các bên. Nếu hợp tác xã không đồng ý với mức chiết khấu đó thì có quyền chấm dứt.
Đại diện Grab khẳng định họ không quản lý trực tiếp với tài xế mà chính hợp tác xã kinh doanh vận tải sẽ làm việc với tài xế.
"Grab không quản lý lái xe, hợp tác xã cũng không quản lý. Vậy không ai ngoài vợ con tài xế quản lý họ? Tức là Grab chỉ cung cấp kết nối, thưởng phạt hay cho nghỉ việc thì do hợp tác xã đúng không?", chủ tọa hỏi.
"Trong quyết định 24 chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ kết nối mà còn hỗ trợ vận hành, kết nối. Phạm vi quản lý rất rộng, bao gồm cả ký kết hợp đồng. Grab có quyền thưởng phạt, chấm dứt làm việc với tài xế", luật sư của Grab trả lời.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h.