Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vinmec công bố mổ tim hở không dùng morphin thành công

Tại Hội nghị gây mê giảm đau thế giới lần 43 diễn ra tại New York, Vinmec đã công bố thành công của bệnh viện trong việc thực hiện phẫu thuật tim hở không dùng morphin để giảm đau.

Báo cáo do bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga - Trung tâm tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP.HCM) trình bày tại hội nghị này đã thu hút sự chú ý của giới ngoại khoa và gây mê hồi sức. 

Theo đó, mổ tim hở là phẫu thuật rất phổ biến, điều trị nhiều bệnh tim mạch hiện nay. Khi phẫu thuật, bệnh nhân thường phải mở lồng ngực bằng cách cắt dọc xương ức hoặc mở cạnh lồng ngực.

Cách giảm đau thông thường là kết hợp morphin liều cao và các loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh vẫn không hoàn toàn hết cảm giác đau. Sau mổ, họ phải chịu đựng những cơn đau dữ dội từ vết mổ, vị trí cưa xương ức, dẫn lưu và khu vực lưng cao. Đau sau mổ tim còn có thể ảnh hưởng đến nội tạng và gây ra nhiều biến chứng sau phẫu thuật.  

Bên cạnh đó, việc sử dụng morphin giảm đau còn có thể gây tác dụng phụ như: thời gian phục hồi và lưu viện lâu, người bệnh buồn nôn, nôn, ngứa, suy hô hấp, bị phụ thuộc, từ đó gây nên hội chứng tăng cảm giác đau, đau mạn tính sau mổ. 

Vinmec anh 1
Bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga trình bày báo cáo tại hội nghị gây mê giảm đau thế giới.

Để khắc phục hạn chế trên, các bác sĩ Vinmec đã áp dụng kỹ thuật gây tê giảm đau vùng mới: luồn catheter (ống thông) vào dưới cơ dựng sống bên cạnh cột sống từ sau lưng (ESP). Kỹ thuật này giúp ngăn chặn tín hiệu đau trước khi được truyền tới cột sống, an toàn và đem lại hiệu quả giảm đau cao. Áp dụng ESP, Vinmec đã mang lại trải nghiệm mổ không đau cho hàng trăm người bệnh phẫu thuật tim trong hơn một năm qua. 

Bà Trần Thị Ngọc Diệp (50 tuổi, ở TP.HCM) bị mắc nhiều bệnh tim phức tạp: hẹp van 2 lá sau sửa van, suy tim độ III, rung nhĩ, tăng áp lực động mạch phổi nặng. Bà Diệp vừa được mổ tại bệnh viện Vinmec Central Park đầu tháng 4 và sử dụng kỹ thuật ESP.

Vinmec anh 2
Bác sĩ Hồ Thị Xuân Nga và bệnh nhân Trần Thị Ngọc Diệp sau ca phẫu thuật thành công.

Năm 2008, bà Diệp từng phẫu thuật sửa van 2 lá. Ký ức về những cơn đau ở lần mổ trước khiến bà cảm thấy bất ngờ về ca phẫu thuật lần này. “Vì sao tôi mổ mà không thấy đau?” - bà Diệp thắc mắc sau một ngày thực hiện ca đại phẫu tại  Vinmec Central Park với kỹ thuật ESP.

Không chỉ bà Diệp, từ đầu năm 2017 đến nay, hàng trăm bệnh nhân mổ tim hở tại Vinmec đều vượt qua ca đại phẫu một cách nhẹ nhàng, không bị đau. Đồng thời, người bệnh được rút ngắn thời gian đặt nội khí quản, có thể vận động sớm, rút ngắn thời gian nằm viện.  

Đứng sau thành tựu này của Vinmec Central Park là những trăn trở và không ngừng sáng tạo của GS. Philippe Macaire - Giám đốc Trung tâm Gây mê giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sau khi GS. Ki Jinn Chin - Bệnh viện Tây Toronto (Canada) công bố thực hiện ESP trên thi thể năm 2016, GS. Macaire đã nâng tầm khi tìm ra cơ chế tác dụng, hoàn chỉnh từ liều tiêm đến kỹ thuật tiêm truyền ở mức an toàn. Hiện phương pháp này đã được áp dụng trong điều trị thực tế và đem lại hiệu quả cao.   

Với định hướng trở thành bệnh viện không đau đầu tiên không sử dụng morphin, Vinmec tuân thủ các chương trình đào tạo chuẩn thế giới về tăng cường hồi phục sau phẫu thuật (ERAS). Với thành công trong phẫu thuật tim hở khi sử dụng ESP, Vinmec đã có bước tiến xa khi kiểm soát đau trong các đại phẫu mà không cần sử dụng morphin. 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của ESP, Vinmec đang hợp tác với Đại học Montpellier Pháp xây dựng chương trình đào tạo sau đại học về các kỹ thuật gây tê giảm đau vùng tiên tiến. 

Hội nghị gây mê thế giới lần 43 diễn ra ngày 19-21/4 tại New York, Mỹ với sự tham gia của hơn 4.000 bác sĩ gây mê trên toàn thế giới, 100 diễn giả có các bài trình bày. Đây là hội nghị uy tín, được định kỳ tổ chức 4 năm một lần.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm