Theo CBS News, các quan chức y tế liên bang của Mỹ đang cảnh báo đậu mùa khỉ chỉ còn một đột biến nữa là có thể chống lại thuốc kháng virus. Điều này được đưa ra trong hướng dẫn mới của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho loại thuốc điều trị đậu mùa khỉ Tecovirimat hay Tpoxx.
Các chuyên gia cho rằng bác sĩ cần cẩn trọng trong việc kê đơn thuốc này cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao.
Chỉ cần một axit amin thay đổi
FDA cho biết các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và động vật đã cho thấy những bằng chứng rõ ràng về việc virus đậu mùa khỉ đang tiến gần đến quá trình đột biến. Thậm chí, họ đã tìm thấy cả bằng chứng trên một bệnh nhân về họ virus này.
Đậu mùa khỉ có một số con đường di truyền với khả năng kháng tecovirimat. Đặc biệt, nhiều loại "chỉ cần thay đổi một axit amin", FDA cho biết.
Tiến sĩ Sapna Bamrah Morris, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nói thêm: "Hầu hết bệnh nhân có hệ thống miễn dịch tốt cần được chăm sóc hỗ trợ và kiểm soát cơn đau. Nhưng họ không cần đến thuốc kháng virus".
CDC đã theo dõi chặt chẽ các đột biến trong virus để phát hiện các biến chủng tiềm năng kháng lại phương pháp điều trị đậu mùa khỉ. Một số xét nghiệm trên khắp quốc gia này được chuyển đến CDC để giải trình tự gene.
Những mẫu bệnh phẩm này giúp họ phát hiện ra điều bất ngờ. Đó là một bệnh nhân ở California nhiễm chủng virus có đột biến hiếm gặp. Đột biến khiến người bệnh có kết quả "âm tính giả" trong một số xét nghiệm.
FDA cảnh báo lạm dụng thuốc tecovirimat (Tpoxx) có thể khiến virus đậu mùa khỉ sinh ra biến chủng kháng thuốc. Ảnh: AP. |
Đến nay, chưa có trường hợp nào mang chủng đậu mùa khỉ trốn tránh được tecovirimat. Song, giới chức y tế cảnh báo nguy cơ này đang rất gần, khiến một biến chủng kháng thuốc có thể xuất hiện và lây lan.
Cảnh báo của FDA được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan y tế liên bang thúc giục bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân đậu mùa khỉ đến Viện Y tế Quốc gia để thử nghiệm lâm sàng thay vì tự kê thuốc kháng virus tràn lan. Các bác sĩ vẫn có thể lấy tecovirimat cho bệnh nhân qua hình thức đăng ký do CDC thiết lập. Giới chức Nhà Trắng đã tìm cách để cắt giảm những thủ tục giấy tờ nhằm giúp bệnh nhân được tiếp cận thuốc nhanh hơn.
Kết quả chưa được kiểm chứng
Gần đây, CDC cũng công bố báo cáo cho thấy kết quả đầy hứa hẹn từ bệnh nhân sử dụng thuốc kháng virus Tpoxx. Các triệu chứng được cải thiện trung bình trong 3 ngày.
Tuy nhiên, không có nhóm đối chứng. Do đó CDC cảnh báo không nên đưa ra bất kỳ kết luận nào về hiệu quả của tecovirimat dựa trên những bệnh nhân được điều trị theo cách này.
Siga Technologies, công ty sản xuất tecovirimat, đang tích cực hỗ trợ những thử nghiệm liên bang với các nguồn nghiên cứu thuốc này. Hiện tại, tecovirimat chỉ được chấp thuận dùng cho bệnh nhân mắc đậu mùa - loại virus cùng trực hệ với đậu mùa khỉ.
Giám đốc khoa học của công ty này cho rằng "hàng rào kháng thuốc thấp" khiến virus dễ đột biến né tránh được thuốc điều trị mà FDA đang lo sợ có thể đang bị phóng đại.
"Poxvirus là virus DNA. Chúng có khả năng chỉnh sửa DNA khi đang sao chép và vá lỗi. Kết quả là tỷ lệ đột biến ở poxvirus thấp hơn 1% đến 1‰ so với những gì chúng ta thấy ở virus RNA như nCoV hay cúm", tiến sĩ Dennis Hruby, Giám đốc khoa học của Siga Technologies, nói.
Vị chuyên gia cũng dẫn các ví dụ về việc loại thuốc này hoạt động tốt trong việc giúp bệnh nhân loại bỏ virus. Hiệu quả này được ghi nhận sau 82 ngày mắc bệnh của một người phát triển chủng virus kháng thuốc.
Nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ phải nhập viện vì biến chứng. Ảnh: Freepik. |
Ông Hruby cho biết các đồng nghiệp ở nước ngoài không kê thuốc này cho người mắc đậu mùa khỉ ở thể nhẹ. Nhưng nếu bệnh diễn biến tới mức người mắc đau đớn, khó chịu hoặc sắp phải nhập viện, họ sẽ được dùng thuốc Tpoxx.
Nhiều bệnh nhân đậu mùa khỉ bị phát ban và tổn thương nghiêm trọng do nhiễm trùng. Quá trình hồi phục có thể mất vài tuần. CDC đã thống kê có 22.630 ca mắc bệnh trên toàn quốc. Trong đó, một số ít phải nhập viện vì các biến chứng do virus gây ra.
CDC ghi nhận hai nam thanh niên trước đó hoàn toàn khỏe mạnh nhưng phải nhập viện sau khi virus lây lan đến não và tủy sống.
Các quan chức y tế ở Los Angeles cũng phát hiện ca bệnh đầu tiên của Mỹ tử vong vì virus đậu mùa khỉ. Nạn nhân là một người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Một ca tử vong khác đã được báo cáo ở Texas và đang được điều tra liệu có phải do virus hay không.
Ngoài Tpoxx, chính quyền Mỹ chuyển sang dự trữ loại thuốc kháng virus khác do Chimerix sản xuất. Đó là brincidofovir hay Tembexa, được cho là giải pháp thay thế cho các bác sĩ nếu không thể sử dụng tecovirimat.
Nhà sản xuất hy vọng sớm phân phối thuốc ra thị trường. CDC đang phát triển hệ thống truy cập mở để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng thuốc này như một phương pháp điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).