Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ebola là căn bệnh do virus với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị chảy máu cả bên trong và bên ngoài.
Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh trong đó có tinh tinh, dơi ăn quả và linh dương rừng. Tiếp đó, nó sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm.
Virus Ebola bùng phát và giết chết hơn 11,000 người ở Tây Phi. Ảnh: Businessinsider. |
Virus Ebola xâm nhập như thế nào?
Số người tử vong do Ebola
(Tính tới 13/1/2016)
11,315
- 4,809: Liberia
- 3,955: Sierra Leone
- 2,536: Guinea
- 8: Nigeria
- 6: Mali
- 1: Mỹ
Ebola là filovirus - loại virus được hình thành từ các chuỗi protein nhỏ bao phủ một dải vật chất di truyền. Các hạt virus này sống trong máu, nước bọt, chất nhầy, mồ hôi và dịch nôn của người mắc bệnh. Các hạt này nếu tìm được điểm xâm nhập như vết cắt hay vết xước, hoặc nếu một người để mắt, mũi hay miệng tiếp xúc với chất lỏng chứa hạt virus, chúng sẽ tấn công nhanh chóng.
Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần, rất khó để chẩn đoán bệnh. Trong giai đoạn phát bệnh (thường sau 5 tới nhiều ngày từ khi nhiễm), 1/5 thìa cà phê máu có thể chứa 10 tỷ hạt virus. Trong khi đó, một bệnh nhân nhiễm HIV chỉ có 50.000-100.000 hạt virus trong cùng một lượng máu, còn ở người mắc viêm gan C là 5-20 triệu.
Cơ chế hoạt động và lây lan của virus Ebola. Ảnh: BBC. |
Khả năng gây bệnh của virus Ebola
Khi ở trong máu, virus sẽ nhắm tới hợp chất interferon, đây là nhóm protein tự nhiên thuộc hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của virus, vi khuẩn... Interferon có tác dụng cảnh báo với hệ thống miễn dịch về sự hiện diện của tác nhân xâm hại qua một đường tiếp cận khẩn cấp.
Tuy nhiên, virus Ebola sẽ vô hiệu hóa interferon bằng cách gắn một protein có kích thước không hoàn hảo đến bộ phận truyền thông tin, làm sai lệch việc cảnh báo đến tế bào. Trong khi hệ miễn dịch không nhận ra điều này, virus sẽ dễ dàng tiếp cận và phá hủy các phần còn lại của cơ thể. Lúc này, virus Ebola sẽ nhân rộng với tốc độ nhanh chóng và rất khó để ngăn chặn chúng.
Virus bắt đầu lây nhiễm cho các cơ quan trong cơ thể, giết chết tế bào bên trong và khiến chúng như nổ tung. Tất cả các thành phần của virus sẽ đi vào máu. Hệ miễn dịch lúc này mới nhận thấy và bắt đầu phản ứng nhưng đã quá muộn.
Virus Ebola dưới kính hiển vi. Ảnh: Businessinsider. |
Virus Ebola lây lan như thế nào?
Cũng giống như virus cúm, các hạt Ebola tồn tại trên bề mặt khô như tay nắm cửa, mặt bàn trong vài giờ. Tuy nhiên, trong khi virus cúm lây lan qua đường hô hấp, thì Ebola có thể sống trong các chất dịch cơ thể như máu, nước bọt vài ngày ở nhiệt độ phòng. Các bác sĩ thậm chí phát hiện Ebola có trong tinh dịch của người từng sống sót sau 3 tháng hồi phục.
Virus Ebola sẽ không lây truyền cho tới khi phát bệnh. Điều này xảy ra khi số lượng virus vượt xa tế bào cơ thể người. Những người từng chăm sóc bệnh nhân hay nhân viên y tế có nguy cơ cao nhất bị lây lan bởi họ có thể tiếp xúc với máu hoặc chất dịch nhiễm bệnh. Ebola cũng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với quần áo, giường, kim tiêm, các thiết bị y tế bị nhiễm chất dịch nhiễm bệnh.
Ngoài ra, do Ebola lây lan qua tiếp xúc cơ thể gần gũi với người nhiễm bệnh, đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến các quốc gia Tây Phi. Nguyên nhân là do tôn giáo và tập quán văn hóa ở đây có nhiều hình thức ôm khi gặp nhau, hay các nghi thức mai táng như rửa, chạm vào và hôn người chết.
Tổng thống Nga mới đây công bố nước này đã phát triển thành công loại vắc xin phòng chống loại virus Ebola. Loại thuốc này sau những thử nghiệm đã cho thấy có hiệu quả rất cao, hiệu quả hơn những loại thuộc đang dùng trên thế giới hiện nay. Đây có thể là bước tiến của y học và là cơ hội cho hàng nghìn người Tây Phi được cứu sống.