H3N2 đang là nguyên nhân làm gia tăng đột biến các ca mắc bệnh cúm ở Ấn Độ. Ảnh: Houston Methodist. |
The Business Standard thông tin số ca nhập viện vì virus cúm đang gia tăng đột biến ở Ấn Độ. Tính đến ngày 9/3, quốc gia này đã có 3.038 trường hợp nhiễm các phân nhóm cúm khác nhau, bao gồm cả virus cúm H3N2. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì virus cúm H3N2 ở Karnataka và Haryana.
Theo các chuyên gia y tế, H3N2 là virus cúm thường lưu hành ở lợn và lây nhiễm sang người. Trong các loại cúm mùa được phát hiện ở Ấn Độ - bao gồm cúm A (H1N1pdm09), cúm A (H3N2), cúm B (Victoria) - H3N2 là phân nhóm chiếm ưu thế và gây ra nhiều ca nhập viện nhất.
Chính phủ Ấn Độ cho biết đa phần bệnh nhân nhập viện vì virus H3N2 đều có triệu chứng sốt và ho. Khoảng 27% các bệnh nhân có biểu hiện khó thở, 16% thở khò khè, 16% bị viêm phổi, 6% bị co giật, 10% cần thở oxy và 7% cần chăm sóc tại ICU.
Trước sự gia tăng đột biến các ca bệnh mắc virus cúm H3N2, bác sĩ Dhiren Gupta của Bệnh viện Ganga Ram ở Delhi nhận định 2 năm qua, trẻ em không bị mắc bệnh cúm là vì quá trình phong tỏa, hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện tại, sau đợt dịch Covid-19, cuộc sống đã trở lại bình thường. Khi không còn các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như trước; virus H3N2 đã bùng phát đột ngột và làm gia tăng số ca mắc bệnh ở trẻ em.
Ông Gupta cho biết trẻ em và những người đang có bệnh nền là đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus cúm theo mùa.
"H3N2 là loại virus trôi dạt kháng nguyên và đột biến nhẹ nhưng không nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp bệnh nhân có bệnh nền kèm theo thì khả năng tử vong vẫn rất cao. Song, việc vaccine phòng H3N2 ở Ấn Độ đang kém hiệu quả và tỷ lệ tiêm chủng năm nay cũng rất thấp", ông Gupta nói.
Đối với lo ngại sự gia tăng của virus cúm có thể dẫn đến một đợt dịch mới như Covid-19; ông Tarun Sahani - cố vấn cấp cao về nội khoa - Bệnh viện Apollo khuyên người dân bình tĩnh, không hoảng sợ.
Ông cho biết số ca nhập viện vì virus cúm hiện tại không phổ biến lắm. Trong số những người mắc bệnh cúm, chỉ khoảng 5% trường hợp được báo cáo là phải nhập viện. Tuy nhiên, ông Tarun Sahani khuyên người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tương tự như phòng, chống dịch Covid-19 để tránh lây nhiễm.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.