Virus Zika ở Việt Nam không đáng ngại
TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho hay: “Theo kết quả giải trình tự gen từ các viện nghiên cứu, chủng virus Zika đang lưu hành tại châu Á (trong đó có Việt Nam) không lây lan mạnh, và nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ không cao như chủng virus Zika lưu hành tại châu Mỹ”.
Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Thế giới chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào do nhiễm virus Zika. 80% bệnh nhận có thể tự khỏi sau 7-10 ngày.
Sau khi ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên ghi nhận một trường hợp dương tính với virus Zika hôm 28/7, Bộ Y tế triển khai các biện pháp đáp ứng và phòng chống dịch Zika trên địa bàn tỉnh này, cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước.
Bộ yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur, các trung tâm y tế tại địa phương tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để sớm phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng, đồng thời Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tăng cường theo dõi, phát hiện sớm nguy cơ hội chứng đầu nhỏ tại Phú Yên cũng như các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Virus Zika được xem là có mối liên quan với chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ảnh: CNN. |
Tính từ đầu năm đến nay, đây là trường hợp thứ 3 dương tính với virus Zika trong tổng số 2.380 mẫu đã xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước. Ngoài ra, còn 25 mẫu đang xét nghiệm. Trước đó, ngày 5/4, Bộ Y tế đã công bố hai người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Zika tại Khánh Hòa và TP HCM.
Không hạn chế người dân đến Phú Yên
Mặc dù trường hợp nhiễm virus Zika thứ 3 được xác nhận tại Phú Yên, song cũng như 2 trường hợp trước đây, Bộ Y tế cho rằng việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương không cần hạn chế.
Tuy nhiên, người đi, đến, về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.
Riêng người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hoặc không quan hệ tình dục trong ít nhất 28 ngày, phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục.
Theo TS Trần Đắc Phu, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Biện pháp đặc trị hữu hiệu nhất hiện nay được xác định là diệt loăng quăng, bọ gậy nhằm tránh bị muỗi đốt.
Ngoài ra, người dân cần chủ động phòng muỗi đốt bằng các biện pháp như ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.
Đối tượng nào dễ mắc virus Zika?
TS. Masaya Kato - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này. Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây chứng đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân.
Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.
Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ, hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.