Chiều 24/6, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác kháng cáo của ông Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội - CDC) và 5 bị cáo liên quan vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại đơn vị này.
Vì sao VKS đề nghị bác toàn bộ kháng cáo?
Trong bản luận tội, kiểm sát viên đánh giá trong vụ án này, ông Cảm giữ vai trò chính, vi phạm quá trình chỉ định thầu. Bị cáo là Giám đốc CDC Hà Nội, nhận thức được sai phạm nhưng vẫn thống nhất với các bị cáo khác để nâng khống giá thiết bị.
“Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo mức phạt 10 năm tù là mức thấp nhất của khung hình phạt”, đại diện VKS nhận xét và cho rằng hình phạt này tương xứng những gì ông Cảm gây ra.
Đây cũng là chế tài đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung sau khi VKS xác định cựu Giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm đã câu kết phạm tội, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Đề cập việc ông Cảm được giới bác sĩ, nhà khoa học trong nước gửi đơn xin ân giảm án, đại diện VKS ghi nhận điều này. Tuy nhiên, cơ quan công tố thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Đối với 3 bị cáo là cựu cán bộ CDC Hà Nội, VKS cáo buộc họ có vai trò đồng phạm, câu kết với ông Nguyễn Nhật Cảm và các bị cáo để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu trái quy định cho Công MST.
“Các bị cáo là cấp dưới, không vụ lợi và thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã tuyên các mức án dưới khung rất nhiều so với khung hình phạt nên không có căn cứ giảm nhẹ”, kiểm sát viên nêu quan điểm.
Với kháng cáo của Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) và Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty Nhân Thành), VKS lập luận 2 người này đã lập hồ sơ khống để được chỉ định gói thầu cung cấp thiết bị y tế. Hành vi của các bị cáo là gian lận, đồng phạm với ông Nguyễn Nhật Cảm nên mức án sơ thẩm đã tuyên là phù hợp.
'Muốn chăm sóc sức khỏe của người dân'
Bị xác định là chủ mưu vụ án, ông Cảm thừa nhận sai phạm trong việc bàn bạc, thỏa thuận với các bị cáo khác để chỉ định thầu, nâng khống giá thiết bị y tế. Tuy nhiên, người này cho rằng bản thân không cố tình phạm tội.
Bị cáo trình bày trước khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, CDC Hà Nội không đủ thiết bị, điều kiện để xét nghiệm sàng lọc dịch.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội khai không thỏa thuận ăn chia 15% giá trị hợp đồng mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Hoàng Lam. |
Sau khi được giao xây dựng kế hoạch chống dịch, cơ quan này đã chọn hình thức chỉ định thầu vì CDC Hà Nội cho rằng việc mua sắm thiết bị xét nghiệm là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện trong thời gian ngắn.
Ông Cảm thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị trường máy xét nghiệm Realtime PCR tự động nên thông qua một số người, bị cáo biết đến các doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Quá trình liên hệ với các bị cáo là chủ doanh nghiệp, ông Cảm cùng cấp dưới đã hoàn tất thủ tục chỉ định thầu cho các đơn vị tư nhân để cung cấp máy xét nghiệm.
"Do sốt ruột nên bị cáo và cán bộ CDC Hà Nội tập trung công tác phòng chống dịch, không tính đến các rủi ro khác", ông Cảm khai và phủ nhận thỏa thuận với bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông) để được ăn chia 15% giá trị hợp đồng như cấp sơ thẩm quy kết.
Cho rằng mức án tòa sơ thẩm tuyên 10 năm tù là nặng nề, cựu Giám đốc CDC Hà Nội nói ông ta không tư lợi. Bị cáo cũng cho rằng không cố ý phạm tội nên mong tòa phúc thẩm xem xét bối cảnh khi xảy ra vụ án, đánh giá tính khách quan để xem xét chấp nhận kháng cáo.
"Bị cáo mong muốn được tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân", ông Cảm kết thúc gần nửa giờ trình bày.
Bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh tại phiên xử chiều 24/6. Ảnh: Hoàng Lam. |
Trả lời thẩm vấn, một cựu cán bộ CDC Hà Nội là Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán) cũng thừa nhận sai phạm, song bà này thấy mức án 6 năm 6 tháng tù là quá nặng.
Theo cựu trưởng phòng, bị cáo cùng lãnh đạo và cán bộ CDC Hà Nội sẵn sàng chịu áp lực với mong muốn hoàn thành sớm nhiệm vụ. Đầu năm 2020, sau khi được giao nghiên cứu xây dựng kế hoạch xét nghiệm dịch, CDC Hà Nội đã thực hiện công việc.
Quá trình triển khai, bà Thanh cùng các bị cáo không có mục đích tư lợi, không cố tình vi phạm hay có động cơ cá nhân khác. Bị cáo mong cấp phúc thẩm lượng hình, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ về nhân thân, thành tích trong công việc để làm căn cứ giảm án.
Ngoài 2 bị cáo trên, 4 người kháng cáo còn lại cùng thừa nhận hành vi trong việc nâng khống giá mua thiết bị xét nghiệm Covid-19. Họ mong muốn HĐXX chấp nhận các tình tiết mới về nhân thân để giảm nhẹ hình phạt.
Ông Nguyễn Nhật Cảm bị phạt 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội này, Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) lĩnh 6 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech), Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức CDC Hà Nội) và Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty Nhân Thành) bị phạt 6 năm tù.
Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông) lĩnh 5 năm tù. Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng) và Lê Xuân Tuấn (cán bộ CDC Hà Nội) lĩnh 3 năm tù treo.
Sau phiên sơ thẩm, ông Cảm cùng 5 người còn lại gửi đơn kháng cáo, gồm bà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đào Thế Vinh và Nguyễn Trần Duy.