Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VKS đề nghị tăng án 22 bị cáo trong vụ lừa 639 tỷ ở miền Tây

Theo đại diện VKSND, cấp sơ thẩm đã xử nhẹ đối với 27 bị cáo trong "đại án" tại Công ty Phương Nam ở Sóc Trăng.

Chiều 8/12, đại diện cơ quan công tố đã luận tội các bị cáo trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty Phương Nam (Sóc Trăng).

1
Đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đề nghị HĐXX tăng án đối với 22 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của 5 ngân hàng. Ảnh: Việt Tường.

Theo vị ủy viên công tố của VKSND cấp cao tại TP HCM, hai bị cáo làm việc tại Công ty Phương Nam là Kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn và Phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng đã có vai trò đồng phạm giúp sức cho cha con cựu Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân lừa đảo, chiếm đoạt của 5 nhà băng với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. 25 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của các ngân hàng đã phạm tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như bản án sơ thẩm đã tuyên.

Tuy nhiên, VKSND cho rằng cấp sơ thẩm tuyên Mẫn 14 năm tù, Phượng 12 năm là quá nhẹ. Tương tự, cựu giám đốc Ngân hàng Phát triển (VDB) chi nhánh Sóc Trăng là ông Nguyễn Thế Thắng với hai thuộc cấp Nguyễn Văn Xem, Trần Văn Nhã bị TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên mỗi bị cáo từ 5 đến 7 năm tù là chưa xứng đáng với hành vi, hậu quả mà các bị cáo đã gây ra.

"Đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét hủy một phần án sơ thẩm liên quan đến các bị cáo này để cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng tăng án", đại diện cơ quan công tố nêu quan điểm.

Đối với 22 bị cáo còn lại, vị ủy viên công tố đề nghị mức án cao gấp đôi so với án sơ thẩm. Trong đó, cao nhất là ông Đỗ Hùng Sở (nguyên Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – Sở Giao dịch Hậu Giang) bị đề nghị từ 8 đến 9 năm tù (sơ thẩm tuyên 5 năm). Ngoài ra, còn có 17 bị cáo án sơ thẩm tuyên từ 2 đến 3 năm tù đã bị đại diện VKS đề nghị cấp phúc thẩm xử tăng án từ 5 đến 6 năm tù.

2
Bà Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng) cùng hai thuộc cấp được VKSND rút kháng nghị áp dụng tình tiết tăng nặng. Ảnh: Việt Tường.

Riêng nữ bị cáo Nguyễn Thị Bích Dung (nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng) với hai thuộc cấp Lâm Quốc Tuấn và Huỳnh Thị Ngọc Huệ, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đã rút lại phần kháng nghị liên quan đến tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là Xâm phạm đến tài sản của Nhà nước (quy định tại Điểm i, Khoản 1, Điều 48 Bộ Luật hình sự).

Ngoài ra, đại diện cơ quan công tố cũng rút kháng nghị giao giá trị hàng tồn kho (trên 40 tỷ đồng) cho VDB Sóc Trăng. Theo ủy viên công tố, việc chia đều số tiền này theo tỷ lệ nợ tại các ngân hàng như bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ.

"Người dân muốn vay tiền của ngân hàng thì gặp nhiều khó khăn nhưng Công ty Phương Nam vay thì rất dễ. Có trường hợp hồ sơ không có giấy tờ gì đúng quy định mà cũng được giải ngân. Đề nghị HĐXX tăng án đối với các bị cáo để đủ sức răn đe, phòng chống tội phạm", ủy viên công tố nêu quan điểm.

Như vậy, đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đã đề nghị HĐXX phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm án của các bị cáo nhóm cán bộ ngân hàng và kháng cáo chuyển đổi tội danh của Mẫn, Phượng.

Không chỉ vậy, ủy viên công tố còn đề nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của Kế toán trưởng Công ty Phương Nam hiện nay là bà Nguyễn Thị Ánh Đào. Lúc xảy ra vụ án, bà này là cấp phó của nguyên Kế toán trưởng Lâm Minh Mẫn.

3
Luật sư Nguyễn Trường Thành cho rằng, VKSND tỉnh Sóc Trăng kháng nghị bản án sơ thẩm là không đúng thẩm quyền. Ảnh: Việt Tường.

Theo đại diện VKSND cấp cao, bà Đào có dấu hiệu của hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức như Mẫn, Phượng. Ngoài ra, gần 10 cán bộ ngân hàng mà cấp sơ thẩm không xem xét cũng bị đưa vào danh sách đề nghị HĐXX phúc thẩm kiến nghị nhà chức trách truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về hành vi Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Xử phúc thẩm 'đại án' tại Thủy sản Phương Nam

Ngoài hai "trợ thủ" của đại gia thủy sản lừa đảo kháng cáo kêu oan, vụ án tại Công ty Phương Nam có 22 cán bộ ngân hàng bị cơ quan công tố đề nghị cấp phúc thẩm tăng án.

Là người tranh luận đầu tiên, luật sư Nguyễn Trường Thành (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) bào chữa cho bị cáo Dung và Tuấn. Theo ông Thành, VKSND tỉnh Sóc Trăng đã kháng nghị sai thẩm quyền vì cáo trạng do VKSND tối cao ban hành. Đối với nội dung VKSND rút lại kháng nghị không áp dụng tình tiết tăng nặng theo điều 48 Bộ Luật hình sự, người bào chữa này đồng ý.

"Cáo trạng của VKSND tối cao nên cơ quan này chưa ủy quyền cho VKSND tỉnh Sóc Trăng thì Viện này không thể kháng nghị", luật sư Thành nói.

Bào chữa cho bị cáo Mẫn, luật sư Trần Vĩnh Khang (Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng) cho rằng, thân chủ của ông không phải là đồng phạm giúp sức cho cha con Lâm Ngọc Khuân vì Mẫn thụ động khi làm theo chỉ đạo của chủ doanh nghiệp.

"Mẫn không chiếm đoạt tiền mà cha con ông Khuân chiếm đoạt thì không có lý do gì buộc bị cáo này phải trả tiền lại cho các ngân hàng. Đề nghị HĐXX loại bỏ trách nhiệm dân sự, chuyển đổi tội danh đối với Mẫn và tuyên bằng mức án với thời gian tạm giam để bị cáo được tự do ngay sau khi tuyên án", luật sư Khang bào chữa.

4
Luật sư Trần Vĩnh Khang (đứng) bào chữa cho Lâm Minh Mẫn. Ông này đề nghị HĐXX chuyển đổi tội danh cho Mẫn và trả tự do cho thân chủ của mình tại tòa. Ảnh: Việt Tường.

Trước khi kết thúc ngày xét xử thứ hai, vị chủ tọa nói trước tòa rằng, HĐXX sẽ xem xét toàn diện đề nghị của đại diện VKSND và lời bào chữa của các luật sư. Ông ghi nhận ý kiến mà luật sư Khang đưa ra để bảo vệ thân chủ của mình và điều đó sẽ được HĐXX xem xét thấu tình đạt lý khi nghị án.

"HĐXX không hạn chế lời bào chữa của luật sư vào ngày mai. Tuy nhiên, HĐXX lưu ý các luật sư nên tập trung vào trọng tâm, đưa ra những luận chứng sát thực để thuyết phục HĐXX", chủ tọa nói trước tòa.

Theo hồ sơ tố tụng, Công ty Phương Nam có vốn điều lệ 295 tỷ đồng do ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT. Phó giám đốc công ty là Trịnh Thị Hồng Phượng (35 tuổi), Lâm Minh Mẫn (35 tuổi) là Kế toán trưởng.

Từ khi thành lập đến tháng 9/2012, Công ty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng. Để đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp đã lập 19 báo cáo tài chính gian dối về kết quả kinh doanh với nội dung năm nào cũng có lãi.

Từ những hồ sơ này, khi quan hệ tín dụng với 8 ngân hàng, Phương Nam đã vay từ năm 2008 đến 2012 lên đến trên 16.169 tỷ đồng. Ngày 30/11/2011, ông Khuân và vợ xuất cảnh sang Mỹ với lý do trị bệnh nhằm bỏ trốn. Lâm Ngọc Hân (con ông Khuân, Việt kiều Mỹ) thay cha làm giám đốc công ty và xuất cảnh trở lại Mỹ ngày 11/7/2012. Lúc này, dư nợ của Phương Nam tại các ngân hàng lên đến 1.679 tỷ đồng.

Theo cơ quan công tố, biết công ty kinh doanh thua lỗ nhưng Mẫn và Phượng vẫn lập hồ sơ khống theo chỉ đạo của Khuân. Trong 19 báo cáo tài chính thể hiện kết quả kinh doanh có lãi do Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, Hân 4 bản, Phượng 2 bản. 

Trong vụ án này có 25 bị cáo là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang. Họ bị cho là bỏ qua hàng loạt các quy định trong việc cho vay khi giao dịch với Phương Nam, khiến các ngân hàng bị thiệt hại trên 784 tỷ đồng.

Bốn tháng trước, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Mẫn 14 năm tù, Phượng 12 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 25 bị cáo còn lại mỗi người lĩnh 2 đến 7 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Có thể khởi tố thêm vụ khác trong 'đại án' ở miền Tây

"HĐXX có thể khởi tố vụ án khác để điều tra trách nhiệm của một số người có trách nhiệm tại các hội sở ngân hàng", chủ tọa nói trước tòa.

 





Việt Tường

Bạn có thể quan tâm