Trong bài viết đăng trên mạng xã hội ngày 9/4, He Xiangbei (23 tuổi), vlogger du lịch người Trung Quốc, tuyên bố khiến những kẻ phân biệt chủng tộc ở thành phố Cambridge, Vương quốc Anh phải trả giá cho hành động của mình.
He kể trong lúc cô ghi lại cảnh đường phố, 4 thiếu niên đi tới phía sau mình. Khi máy quay vô tình lia tới, một cô gái trong số này đưa ngón tay lên và làm điệu bộ mắt xếch.
He nói rằng cách cô gái thực hiện cử chỉ phân biệt chủng tộc như thể đây không phải lần đầu tiên. Do đó, cô quyết định đáp trả, theo SCMP.
He cùng bạn đồng hành bắt đầu tìm kiếm nhóm thiếu niên và phát hiện họ trong hiệu sách.
He tiến đến gần và nói với cô gái người Anh đang kinh ngạc: “Xin lỗi, tôi là YouTuber. Tôi vừa quay được đoạn video về bạn. Bạn biết nó là gì không?”.
Kẻ phân biệt chủng tộc khẳng định mình không cố ý chế nhạo mà chỉ xoa bóp đôi mắt “khó chịu” của mình.
He không tin và chất vấn: “Bạn muốn phủ nhận tất cả, nhưng tôi biết mình thấy những gì. Bạn không còn là trẻ con nữa. Bạn cần phải trả giá cho hành động của mình”.
Sau khi nhận ra He không nhượng bộ, nhóm này bắt đầu nổi cơn thịnh nộ và chửi thề trên đường phố.
“Tôi sẽ đăng clip lên kênh của mình. Bạn bè, gia đình và giáo viên của bạn có thể quan tâm đến nó. Nhân tiện, tôi chỉ muốn nói rằng kênh của tôi có 3 triệu người theo dõi. Mọi người sẽ biết bạn là kẻ phân biệt chủng tộc”, He nói.
Điều này khiến cô gái cư xử khiếm nhã suy sụp và khóc giữa đường.
Cô gái người Anh có hành vi chế nhạo He trên đường phố và bị cô dạy cho bài học. Ảnh: HeXianbei. |
He mới bắt đầu học thạc sĩ ở thành phố bờ biển phía nam Brighton. Cô cho biết phải nói “không” với hành vi phân biệt chủng tộc vì sự khoan dung sẽ chỉ khuyến khích cách cư xử tồi tệ.
Đoạn video của vlogger 23 tuổi xuất hiện sau cuộc tranh cãi gần đây về quảng cáo của thương hiệu Dior trên Instagram, trong đó có hình ảnh người mẫu châu Á đang kéo khóe mắt lên. Nhãn hàng của Pháp nhanh chóng gỡ bức ảnh xuống sau khi nhiều người tràn vào các tài khoản mạng xã hội cáo buộc họ “phân biệt chủng tộc”.
Các trường hợp phân biệt đối xử và tội ác thù hận đối với người châu Á ngày càng được báo cáo sau đại dịch Covid-19.
Năm 2021, BBC đưa tin một phụ nữ Trung Quốc tên Yan Ma tố một bà lão da trắng ở Anh chỉ vào cô và hét lên: “Mày là virus Trung Quốc. Hãy cút về nước đi”.
Dưới video của He Xiangbei, một phụ nữ Trung Quốc sống ở Vương quốc Anh cho biết cô cũng trải qua sự phân biệt đối xử của thanh thiếu niên địa phương.
“Những kẻ phân biệt chủng tộc bắt nạt người mà họ nghĩ là yếu thế hơn mình, để có thể cảm thấy tốt hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn an toàn và chống trả lại”, cô nói.
Theo Tâm lý học tích cực, khoa học hạnh phúc không phải cái gì cao siêu, to tát. Thực ra, hạnh phúc ở ngay trong bản thân ta, và quanh ta. Lifestyle giới thiệu tác phẩm "100 cách sống hạnh phúc". Cuốn sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.