Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vlogger Yêu Máy Bay: '35 tuổi, tôi từng phải sống bám vào gia đình'

Trước khi có chỗ đứng vững chắc trong giới vlogger du lịch, anh từng trải qua quãng thời gian khủng hoảng.

yeu may bay anh 1

Sinh năm 1981, một độ tuổi ở mức khá "già" so với dàn travel blogger/vlogger Việt Nam, Trần Việt Phương (Travip) vẫn có sức hút đặc biệt nhờ cách khai thác nội dung khó đụng hàng. Cuộc sống gắn liền với những chuyến bay đem đến nhiều trải nghiệm đặc biệt cho "ông chú" trong giới vlogger này.

"35 tuổi, tôi phải sống bám vào gia đình"

Đó là một câu chuyện khiến khi nghĩ lại, chủ kênh Yêu Máy Bay phải thừa nhận vẫn thấy xấu hổ.

Trước khi theo đuổi công việc làm nội dung trên mạng xã hội, Việt Phương từng là phóng viên của hai tờ báo lớn ở Việt Nam. Anh dành 5 năm làm thường trú tại Thái Lan, tác nghiệp nhiều sự kiện chính trị của xứ chùa Vàng và tìm hiểu sâu về văn hóa, cuộc sống con người nơi đây.

Tuy nhiên, kể từ khi trở về Việt Nam, Travip không còn được đi đây, đi đó nhiều như lúc còn làm thường trú nước ngoài. Công việc báo chí liên quan đến mảng quốc tế khiến anh thường phải gắn mình với chiếc laptop ở văn phòng. Thỉnh thoảng khi có sự kiện, anh mới có cơ hội đi xa.

Sau 10 năm gắn bó với công việc báo chí, vlogger gốc Hà Nội nhận ra mình không còn đam mê và muốn được đi nhiều hơn.

yeu may bay anh 2

Việt Phương nghỉ việc vì không chịu được cuộc sống văn phòng.

"Năm 2016, tôi nộp đơn nghỉ việc và quyết định đầu tư vào việc sáng tạo nội dung bằng video. Từ khi làm báo, khoảng năm 2014, tôi có đọc nhiều dự đoán hàng không giá rẻ sẽ phát triển mạnh ở Đông Nam Á.

Điều này giúp nhiều người có cơ hội trải nghiệm đi máy bay hơn. Ở Việt Nam, travel blogger, vlogger lúc đó cũng xuất hiện nhiều hơn nhưng không ai đào sâu thực sự vào mảng này", anh chia sẻ.

Hiện tại, mọi thứ đang đi đúng hướng với dự đoán của Travip. Tuy nhiên, những ngày bắt đầu nghỉ việc, cuộc sống với anh như một mớ bòng bong không lối thoát.

Từ công việc với mức lương ổn định chuyển sang freelancer (người làm nghề tự do), thu nhập của vlogger 40 tuổi bỗng chốc trở về con số 0. Thành công cũng không hề đến nhanh chóng. Trong 3 tháng đầu, lượt xem siêu thấp, lượng người theo dõi cũng lác đác.

yeu may bay anh 3

Trước khi thành công, anh phải sống bám vào gia đình dù đã 35 tuổi.

"Ở tuổi 35, người ta bắt đầu thành danh còn tôi bắt đầu lại từ con số 0. Đó là một nghịch lý. Có những lúc tôi nghĩ quay lại làm công việc công sở nhưng như thế lại bắt đầu con số 0 lần nữa. Công việc tôi chọn giống như đường một chiều, mình không có đường lui nữa.

Không có thu nhập, tôi phải sống dựa dẫm vào gia đình dù đã 35 tuổi. Hoàn cảnh đó thực sự khó coi, nghĩ lại xấu hổ kinh khủng", Travip chua chát.

Thu nhập ít hơn, không có người yêu

Khoảng năm 2018, Travip từng có ý định từ bỏ công việc làm nội dung video liên quan đến máy bay. Tuy nhiên, nhờ một video review máy bay mới của một hãng hàng không Việt, anh bỗng được chú ý nhiều hơn. Việt Phương coi đó là cú hích lớn để anh tiếp tục công việc này.

Hiện tại, thu nhập của Travip về cơ bản là ổn định, nhiều ít tùy thuộc từng thời điểm. Dù vậy, anh khẳng định số tiền kiếm được không nhiều như thời còn làm báo.

"Chi phí bỏ ra cho việc review lớn nên con số thu về thực sự cũng không quá cao. So với hồi làm báo, thu nhập của tôi không tốt hơn. Nếu làm công sở, mình chỉ bỏ sức rồi thu tiền về. Làm nghề này, tôi phải đầu tư nhiều hơn nhưng lợi nhuận không bằng", Việt Phương trả lời.

yeu may bay anh 4

Công việc mới khiến anh đánh đổi nhiều thứ.

Mặt khác, công việc của anh cũng khiến khoảng cách với gia đình, bạn bè xa càng thêm xa. Nếu không đi sẽ chẳng có nội dung. Tuy nhiên, đi quá nhiều, anh lại chẳng có thời gian cho những người thân. Ở tuổi 40, Travip tiết lộ cũng chưa có người yêu.

"Công việc thế này khó tìm được người yêu lắm. Nếu yêu ai, tôi mong người ta sẽ thông cảm và thấu hiểu việc của mình", Travip tâm sự.

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình, vlogger này bay khoảng 120 chuyến/năm. Tức là cứ khoảng 3 ngày, Travip phải lên máy bay một lần. Điều này khiến chủ kênh Yêu Máy Bay... sợ máy bay. Việt Phương chia sẻ nếu không phải làm việc, quay, chụp, khi lên máy bay, anh chỉ đi ngủ và mong hạ cánh thật nhanh.

"Chắc cũng hơi ngán bay", anh nói.

Động lực để đi tiếp

Dù mệt mỏi, vlogger này vẫn yêu công việc của mình. Chia sẻ với Zing, Travip nói cho đến giờ, anh đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đó có thể là số lượt xem, số người theo dõi hay kể cả thu nhập ổn định. Tuy nhiên, điều đáng quý nhất chính là việc đem lại những giá trị tích cực cho nhiều người.

Khi ra sân bay, Travip được nhiều tiếp viên, hành khách nhận ra. Họ vui vẻ chào hỏi, bắt tay anh và nói thích xem những video anh sản xuất. Travip coi đó là niềm vui khi có thêm những người bạn ở khắp nơi. Đó giống như điều tích cực để anh có thêm động lực làm việc trong cuộc sống đầy áp lực về việc sáng tạo nội dung hay tiền bạc.

yeu may bay anh 5

Việc giúp cho nhiều người hiểu hơn về máy bay khiến Travip tự hào.

Tuy nhiên, thứ "sức mạnh tinh thần" không phải điều duy nhất giúp Travip tiếp tục công việc. Trong thời kỳ mà mạng xã hội lên ngôi, những nhà sáng tạo nội dung nhiều vô kể, việc duy trì sức hút không hề đơn giản.

Việt Phương cho biết anh có những bất lợi nhất định về tuổi tác và cách làm so với nhiều bạn trẻ. Dù vậy, điều này cũng không thực sự khiến Travip lo lắng.

"Tôi cũng từng hoang mang vì sợ nội dung mình không trẻ, hơi chính thống do quen kiểu báo chí. Tuy nhiên, thay vì thay đổi cách tiếp cận, tôi nhắm đến hàm lượng thông tin mà người xem nhận được trong mỗi video.

Với cách làm đó, kiến thức tôi đem lại là rất nhiều. Họ không còn bỡ ngỡ và biết thêm nhiều điều ít ai nói về máy bay. Đến giờ, có nhiều 'các cháu' cấp 2, cấp 3 cũng xem video của tôi. Điều đó khiến tôi tự hào vì cách tiếp cận của mình vẫn có điểm thú vị, chất riêng", anh tâm sự.

Công việc review luôn bị độc giả đặt câu hỏi về tính khách quan. Travip nói đó là điều dễ hiểu nhưng anh hoàn toàn có thể cân bằng với những nguyên tắc "bất di bất dịch".

Ngoài những lần tự bỏ tiền để review, Travip cho biết anh cũng được một số hãng trả tiền. Với những trường hợp này, anh luôn nhấn mạnh với đối tác về tính khách quan trong video, dù tốt hay xấu.

"Ví dụ món ăn chưa ngon, tôi sẽ góp ý thẳng. Dịch vụ chưa tốt, tôi cũng nói luôn. Họ chấp nhận và vẫn trả tiền cho những video như thế", anh kể.

Travip thừa nhận anh cũng hay bị đặt câu hỏi về sự nhàm chán khi tập trung quá nhiều vào các video nói về máy bay. Tuy nhiên, theo vlogger này, mỗi chuyến đi đều đem đến trải nghiệm mới.

Travip cho hay: "Nếu thực sự đam mê hàng không, bạn sẽ luôn thấy những điều hay ho. Ví dụ, tháng này có hãng thay đổi thực đơn mới. Tháng sau, có hãng lại thêm dịch vụ nâng hạng thương gia giá rẻ. Không bao giờ là hết chuyện để kể. Hàng không luôn đổi mới để thu hút khách".

yeu may bay anh 6

Cách khai thác đề tài đặc biệt giúp Travip duy trì được sức hút giữa "rừng" vlogger/blogger du lịch.

Trong thời gian tới, vlogger này hy vọng vaccine Covid-19 sớm đem lại hiệu quả để có thể du lịch nước ngoài trở lại như xưa. Hiện tại, anh cho biết mình vẫn đang sống ổn dù không thể khai thác các nội dung du lịch quốc tế.

Dù đi sau nhiều người trẻ, anh vẫn tìm được hướng đi riêng nhờ việc tìm tòi các câu chuyện ít người biết đến. Khi tới Tam Kỳ (Quảng Nam), anh thích thú với quán mì lụp xụp nhưng lại độc đáo nhờ phong cách tráng mì tươi. Hoặc khi tới Phú Quốc (Kiên Giang), Travip lại tìm thấy một quán bar nhỏ ẩn mình sau cửa hàng đồ cũ...

Ở tuổi 40, Travip vẫn cứ chậm rãi đi trên con đường riêng mà mình đã chọn.

Vì sao tôi bỏ tiền để mua vé máy bay hạng thương gia?

Vlogger Travip cho biết vé máy bay hạng thương gia đem đến nhiều lợi ích "đáng đồng tiền bát gạo" so với loại vé thông thường.

Khách leo núi Thiên Sơn ngắm sông băng

Không thể du lịch nước ngoài, nhiều khách bản địa đã chọn leo núi Thiên Sơn để ngắm dòng sông băng gần thành phố lớn nhất của Kazakhstan, Almaty.

Anh Tú

Bạn có thể quan tâm