Thể loại: Khoa học viễn tưởng, hành động
Đạo diễn: Rupert Sanders
Diễn viên chính: Scarlett Johansson, Pilou Asbæk, Takeshi Kitano
Zing.vn đánh giá: 7/10
Phiên bản live-action (người đóng) của Ghost in the Shell lấy bối cảnh thế giới hiện đại trong tương lai giả tưởng không xác định. Công nghệ sinh học và điện tử tại thời điểm đó đã phát triển đến mức độ có thể cấy ghép và đồng bộ các thiết bị điện tử với cơ thể con người thành thể thống nhất. Nó giúp nhân loại trở nên ngày càng ưu việt hơn, nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn cá nhân.
“Thiếu tá” Mira Killian (Scarlett Johansson) là mật vụ thuộc Tiểu đội 9 của Chính phủ, chuyên giải quyết các vụ án liên quan đến công nghệ mạng và robot tự động. Bản thân cô cũng là một người cấy ghép với chỉ duy nhất bộ não là nguyên bản, còn cơ thể của “Thiếu tá” hoàn toàn là nhân tạo.
Bom tấn Ghost in the Shell được thực hiện trên nguyên tác truyện tranh và hoạt hình nổi tiếng cùng tên của Nhật Bản. |
Hàng loạt vụ tấn công nhắm vào các nhân vật quan trọng của Hanka Robotics - tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực cấy ghép điện tử. Thủ phạm được xác định là kẻ có khả năng hack vào bất cứ thiết bị điện tử nào để tiếm quyền điều khiển hệ thống, thậm chí là não bộ con người.
Đi sâu vào điều tra, “Thiếu tá” dần khám phá ra những bí mật phía sau quá khứ bị lãng quên của chính bản thân.
Nguyên tác kinh điển truyền cảm hứng cho Ma trận
Ghost in the Shell nguyên gốc là bộ manga hành động/giả tưởng của tác giả Masamune Shirow. Tuy nhiên, phải đến khi bộ phim anime điện ảnh cùng tên do đạo diễn Mamoru Oshii thực hiện ra mắt năm 1995, thương hiệu Ghost in the Shell mới được biết đến rộng rãi và trở nên nổi tiếng khắp toàn cầu.
Với kịch bản ấn tượng, đan xen nhiều ý tưởng sáng tạo về công nghệ đột phá cùng triết lý sâu sắc xoay quanh bản ngã con người, Ghost in the Shell được đón nhận nồng nhiệt. Thương hiệu không ngừng mở rộng với nhiều tác phẩm hoạt hình, video game, đồ chơi ăn theo…, đồng thời là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim đương thời.
Nguyên tác hoạt hình năm 1995 của Ghost in the Shell từng truyền cảm hứng cho rất nhiều nhà làm phim trên thế giới. |
Nổi bật nhất trong số đó là chị em đạo diễn nhà Wachowski. Siêu phẩm The Matrix của họ chính là được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ phiên bản điện ảnh năm 1995 của Ghost in the Shell.
Năm 2008, nhà làm phim gạo cội Steven Spielberg cùng hãng DreamWorks chính thức giành quyền thực hiện phiên bản live-action của Ghost in the Shell. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, dự án mới bắt đầu hình thành với vị trí đạo diễn và diễn viên chính lần lượt thuộc về Rupert Sanders và minh tinh Scarlett Johansson.
Xây dựng bối cảnh thế giới trung thành với nguyên tác
Phiên bản live-action của Ghost in the Shell được dựa chủ yếu trên nguyên tác manga và phiên bản anime điện ảnh năm 1995, cùng một số nhân vật, tình tiết lấy từ các bộ anime truyền hình. Nhìn chung, đạo diễn Rupert Sanders tỏ ra khá trung thành với chất liệu nguyên tác, đặc biệt là bối cảnh thế giới của tác phẩm.
Ở manga và anime, chuyện phim Ghost in the Shell lấy bối cảnh là thành phố giả tưởng New Port của Nhật Bản. Song, địa điểm thực tế chịu ảnh hưởng giao thoa từ nhiều nét kiến trúc, văn hóa của các vũng lãnh thổ khác nhau.
Với bộ phim mới, để tránh gây ra xung đột văn hóa, bối cảnh không có danh tính xác định rõ ràng. Nhờ đó, đạo diễn Rupert Sanders có thể tự do sáng tạo nên thế giới giả tưởng vừa đa dạng, mới mẻ vừa trung thành với nguyên tác.
Phần hình ảnh, bối cảnh và hành động của phiên bản 2017 xứng đáng nhận nhiều lời khen ngợi. |
Tổng thể bối cảnh của Ghost in the Shell khá quen thuộc, gợi nhắc đến nhiều tác phẩm sci-fi cùng thể loại với những tòa nhà chọc trời hiện đại nằm sát bờ biển gợi nhắc đến các thành phố cảng sầm uất như New York, Thượng Hải, những hình ảnh biển quảng cáo hoành tráng, rực rỡ đậm chất Nhật Bản.
Nhưng bên cạnh đó còn là những không gian hỗn độn, ngột ngạt với hệ thống ngõ hẻm, chung cư cũ kỹ của Hong Kong. Các phần bối cảnh khác biệt kết hợp với nhau tạo ra thế giới giả tưởng đa văn hóa, đa sắc tộc, gây hào hứng cho khán giả hiện đại.
Bên cạnh bối cảnh phim đẹp mắt, phần thiết kế nhân vật, trang thiết bị công nghệ, phục trang của Ghost in the Shell cũng được chăm chút khá kỹ lưỡng. Bộ phim không đem đến quá nhiều sáng tạo đặc biệt, nhưng mỗi sản phẩm đều có nét đặc trưng riêng, như đám robot geisha hay vai phản diện Kuze trong bộ dạng nửa người nửa máy.
Các cảnh hành động cũng là điểm cộng của tác phẩm. Ghost in the Shell tái hiện hầu hết phân đoạn hành động đặc sắc quen thuộc của phiên bản anime điện ảnh 1995 với công nghệ kỹ xảo hiện đại, đem đến cho khán giả những cảnh chiến đấu đẹp mắt và mãn nhãn, dù rằng tất cả chưa có nhiều sáng tạo hay điểm nhấn mới nào đáng kể.
Câu chuyện giản lược để phù hợp với đại chúng
Một trong những điều mà người hâm mộ điện ảnh mong chờ nhất ở Ghost in the Shell là việc các nhà làm phim sẽ chuyển thể tư tưởng của nguyên tác lên phiên bản phim mới như thế nào.
Bản thân nguyên tác không chỉ đem đến cho khán giả những khái niệm công nghệ mới mẻ, đột phá, mà còn ẩn chứa nhiều triết lý sâu xa về thuyết hiện sinh, ý nghĩa về sự tồn tại của linh hồn và bản ngã trong mỗi con người.
Xoay quanh nhân vật chính “Thiếu tá” - một người cấy ghép chỉ còn lại duy nhất não bộ là nguyên vẹn, bộ phim đặt ra hàng loạt câu hỏi về việc điều gì khiến một con người là con người. Liệu đó là ký ức, linh hồn, cảm xúc bên trong, hay sự tương tác, nhận biết của xã hội bên ngoài?
Liệu những điều mà chúng ta vẫn nhìn thấy và cảm nhận hàng ngày rốt cuộc là thật hay ảo? Loạt câu hỏi ấy từng biến Ghost in the Shell trở thành một tác phẩm kinh điển, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều loại hình nghệ thuật sáng tạo khác.
Sự giản lược về mặt kịch bản khiến Ghost in the Shell mất đi tính đặc sắc của nguyên tác và trở nên giống như nhiều tác phẩm hành động viễn tưởng Hollywood khác. |
Trong phim bản live-action, đạo diễn Rupert Sanders đã quyết định giản lược mặt tư tưởng có phần phức tạp của nguyên tác. Bộ phim của ông sở hữu câu chuyện mới, đi sâu vào việc truy tìm ký ức đã mất của “Thiếu tá”, cũng như niềm tin vào chính bản thân.
Đây là con dao hai lưỡi đối với bộ phim. Với mô-típ quen thuộc đậm chất Hollywood, khán giả đại chúng có thể dễ dàng tiếp cận và đón nhận Ghost in the Shell, với tâm thế đây là một tác phẩm hành động giả tưởng không quá triết lý, không quá khó hiểu.
Nhưng ngược lại, người hâm mộ nguyên tác nói riêng và thể loại phim khoa học giả tưởng nói chung sẽ khó cảm thấy hài lòng. Lý tưởng của phiên bản phim 2017 đã trở nên quá phổ biến và quen thuộc. Còn nếu so với nguyên tác thì nó quá đơn điệu, thiếu chiều sâu.
Các triết lý của tác phẩm mới chỉ được thể hiện qua lời thoại nhân vật một cách khô cứng, lạc lõng, thiếu sự ăn nhập với tổng thể nội dung tác phẩm. Bởi vậy, Ghost in the Shell lúc này giống như hằng hà sa số phim giả tưởng khác, phần nào khuôn mẫu mà thiếu đi bản sắc riêng.
Sự giản lược về mặt nội dung lẫn tư tưởng của tác phẩm vô hình trung khiến việc xây dựng nhân vật bị giảm chất lượng theo. Các thành viên của Tiểu đội 9, ngoại trừ vai chính “Thiếu tá” và Batou được ưu tiên có nhiều đất diễn, đều chỉ là vai phụ với vai trò hạn chế. Ngay cả với hai nhân vật có nhiều đất diễn nhất, phim cũng chưa thực sự thành công trong việc xây dựng cá tính hay nét đặc trưng để khán giả ghi nhớ.
Công bằng mà nói, Ghost in the Shell là phiên bản chuyển thể live-action từ manga và anime hiếm hoi được đầu tư và thực hiện nghiêm túc, chỉn chu. Bộ phim sở hữu nhiều ưu điểm về tính giải trí nhờ hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, có một vài cải biên hợp lý để phục vụ đối tượng khán giả đại chúng.
Dĩ nhiên, còn nhiều điều khiến tác phẩm chưa thể trở nên trọn vẹn nếu so với nguyên tác. Bản thân phiên bản manga và anime của Ghost in the Shell còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, từ tư tưởng, triết lý cho đến các ý tưởng sáng tạo về mặt công nghệ.
Hy vọng bộ phim của Rupert Sanders sẽ là tiền đề tốt để Hollywood có thể tiếp tục khai phá một thương hiệu đã gắn bó với rất nhiều thế hệ khán giả suốt 20 năm qua.
Ghost in the Shell đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Vỏ bọc ma.