Vợ chồng thầy giáo già đi nhặt rác làm đẹp cho đời
Về hưu ở tuổi xế chiều với đồng lương “tạm đủ sống”, con cái đã yên bề gia thất nhưng suốt 3 năm nay ông bà rủ nhau tìm niềm vui với công việc nhặt phế liệu “làm đẹp cho đời” ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).
Với ông Hương, bà Thu: “Nhặt rác cũng là một nghề kiếm sống chân chính còn góp phần giữ gìn môi trường sạch đẹp” |
Bà là Đinh Thị Thu, năm nay 57 tuổi, giáo viên dạy môn Văn của Trường THCS Xuân Dương (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Còn ông là Lê Minh Hương, 61 tuổi giáo viên tiểu học. Ông bà quê gốc ở Thường Xuân, Thanh Hóa, đã nghỉ hưu và hiện làm nghề nhặt phế liệu ở bến xe Mỹ Đình.
Lặn lội thân cò nơi phố xá
Về hưu 12/2009, sau Tết năm đó, ông bà khăn gói lên đường ra Hà Nội để bắt đầu những tháng ngày mưu sinh nơi đất khách quê người, kiếm sống với nghề nhặt phế liệu.
Mấy tháng đầu ra Hà Nội lạ nước lạ cái, ở cái tuổi ngoài 60 như ông không còn là thanh niên sức dài vai rộng để người ta thuê mướn nữa. Một chiều ông Hương đi qua bến xe Mỹ Đình, thấy chai lọ quanh bến xe vứt ngổn ngang chợt suy nghĩ “nếu nhặt đem bán cũng được mấy đồng lại giữ gìn môi trường”.
Thế là ông quyết định về rủ bà đi cùng. Ý kiến ấy của ông được bà đồng ý ngay. Vợ chồng ông Hương gắn bó với công việc nhặt phế thải từ ngày đó.
Bà cười hiền hậu, bảo: “Hôm nào mưa thì mặc áo mưa chứ không nghỉ. Có khi ngày mưa lại may mắn nhặt được nhiều vỏ chai hơn ngày nắng. Mưa gió như thế, khách họ ngại chạy ra ngoài nên nhiều khi ngồi trên xe mà vứt thẳng xuống đất. Mình cứ đi lại quanh đó rồi nhặt, vừa bảo vệ được môi trường vừa lại kiếm thêm thu nhập”.
Bến xe Mỹ Đình rộng nên hai ông bà phân công cho nhau khu vực mà thu lượm chai lọ. Lúc nào thấy chiếc túi đựng rác đầy thì ra quán nước của chị Hiền, gần cây xăng gửi nhờ. Ngày túc tắc cũng được 4 – 5 lần. Lúc nào mệt, bà lại tranh thủ ngồi phân loại phế liệu.
“Mỗi loại lại tính theo một giá tiền khác nhau. Những lon như bò húc thì 3.700 đồng/10 lon, ngày nào kiếm được nhiều nhiều cũng vui lắm”. Trong cái nắng giữa một ngày tháng 8, bà đưa tay quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên trán bảo bà bắt đầu “yêu cái “nghề” này rồi”.
Tháng đầu tiên mới ra Hà Nội đi nhặt chai ông bà kiếm được 400.000 đồng. Những tháng sau cứ túc tắc được 1 triệu đồng hoặc tháng nào nhiều thì gần 2 triệu đồng.
Làm đẹp cho đời
Dù mưa hay nhưng ông và bà vẫn đều đặn có mặt ở khu vực xung quanh bến xe Mỹ Đình để nhặt rác. |
Hỏi thăm về vợ chồng ông Hương bà Thu, mấy bác xe ôm ở bến xe Mỹ Đình đều gật đầu, khâm phục “ông bà ấy chịu khó lắm, sức chúng tôi còn thua xa. Ngày nào cũng thấy ông vác bao tải qua đây, niềm nở và hay nói chuyện với mọi người ở đây lắm”.
Thành quả sau một ngày lao động, chiều đến bà lại gom vào và quẩy gánh mang đến nhà cô Mận Chính, nơi chuyên thu gom sắt vụn ở đầu hẻm để bán. Có lẽ trong cái khổ con người cũng dễ đồng lòng với nhau nhiều hơn. Thương người cùng quê lại già cả nên ông bà được ưu tiên mua giá cao hơn so với dân thu gom đồng nát trong làng.
Nhưng cũng có người tỏ thái độ khinh miệt, gọi ông bà là “lũ” dơ dáy, bần hàn rồi rè bỉu, chê bai. Họ uống nước rồi lại quẳng ngay xuống gầm xe ô tô. Nếu muốn lấy phải dùng gậy khều ra mới được.
Ông giọng trầm ấm tâm sự: “Mình không xin của ai cái gì. Cái của xã hội vứt đi, không sử dụng nữa thì mình tận dụng để mình nuôi cuộc sống. Dẫu là vài ba nghìn nhưng mình làm từ mồ hôi nước mắt, từ sức lao động chân chính của mình thì chả nề hà gì”.
Chị Hiền, chủ quán nước cổng bến xe Mỹ Đình cho biết: “Thấy ông bà già cả mà ngày nào cũng lọ mọ từ sáng đến chiều tối nhìn tội tội nên chị dọn sẵn cả một khu phía sau quán nước cho ông bà gửi nhờ phế liệu. Lúc nào chiếc túi đựng rác của ông bà Hương đầy là mang qua gửi, đỡ phải đi bộ xa về nhà cất”.
Ông bà vẫn thường nói vui với nhau, trước đây mình là giáo viên – một trong những nghề cao quý nhất của xã hội, còn bây giờ nhặt rác lại là nghề thấp hèn nhất. Ông nói thế thôi, nhưng nhìn vào ánh mắt ông tôi biết trong suy nghĩ của cả ông và bà còn lao động được ngày nào là còn cảm thấy hạnh phúc. Nghề gì cũng là nghề, miễn là lương thiện thì đều cao cả và đáng trân trọng.
Chuyện kể về những người con…
Ở cái tuổi xế chiều đáng nhẽ ra phải được hưởng thụ, thảnh thơi nhưng cả ông và bà đều muốn cố gắng để nuôi nấng thêm giấc mơ cho con trẻ.
Ông bảo, khổ bao nhiêu mà lo cho con cái ăn học bằng bạn bằng bè vợ chồng tôi cũng chịu được. Nhắc đến con, ánh mắt cả ông và bà như rạng rỡ hơn. Ông tự hào kể về những người con của mình.
Con trai lớn của ông là Lê Đức Hiếu, sinh năm 1977 đã từng là cử nhân của hai trường đại học là Bách khoa Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông. Anh giờ đây đang là giảng viên dạy công nghệ ô tô của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Anh con út tốt nghiệp đại học ra và bây giờ cũng làm ở một công ty của Nhật Bản, tại cụm công nghiệp xã Liên Ninh, Hà Nội.
Con cái giờ lớn khôn, trưởng thành ai nấy đều dựng vợ gả chồng rồi cũng không muốn bố mẹ phải lam lũ, nhọc nhằn nữa. Họ ngăn cản, thậm chí đã nhiều lần giấu “đồ nghề” của mẹ nhưng rồi được dăm bữa, nửa tháng lại đâu vào đấy.
Trưa đến, bà để dành giấc ngủ của mình đến tối rồi tranh thủ đi bộ ra bến xe xem ai có thuê gì thì làm đấy. Thỉnh thoảng khuân hộ họ thùng nước hay tải hàng người ta cũng trả cho 5.000 đồng, 10.000 đồng. Con dâu gàn mẹ: “Đừng đi làm như thế nữa, vất vả lắm nhỡ người ta lừa mẹ mang hàng cấm thì chúng con biết làm thế nào”.
Bà lại cười xòa, cứ đi làm túc tắc ngày cũng kiếm được mớ rau, quả trứng đỡ con cái được phần nào hay phần đó. Ông bà còn sức khỏe là còn chiến đấu được với cuộc sống muôn vàn khó khăn này. Hơn nữa nhặt phế liệu quanh bến xe cũng là hành động bảo vệ môi trường.
Tháng 9 này, anh con trai cả lên đường du học, bà lại đến để trông nom cho vợ chồng anh con út. Bà dặn ông thật kỹ: “Thằng Hiếu nó đi, tôi cũng sang trông con cho thằng út ông ở nhà cố gắng dành dụm, kiếm thêm đỡ tiền sinh hoạt cho con. Tội chúng nó lắm. Con cái cứ ốm đau suốt mà cuộc sống cứ trầy trật, giật gấu vá vai. Mưa ông cũng đừng nghỉ, họ ngại không đi nhiều mình đỡ sợ tranh phần mất”.
Có người tặc lưỡi, cười trừ rằng “ông bà hâm, gàn dở”. Tôi không nghĩ vậy. Câu chuyện mà tôi được nghe kể từ hai vợ chồng giáo viên già về hưu vẫn mưu sinh bằng nghề nhặt rác ở bến xe Mỹ Đình thật đẹp. Họ có cả chặng đường dài gieo chữ cho học trò. Giờ đây khi về già họ lại tiếp tục lao động, hy sinh vì con cái lại “làm đẹp cho đời”.
Theo Vietnamnet