Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng TP.HCM kiếm 43 triệu đồng/tháng vẫn đau đầu vì 'áp lực kép'

Dù thu nhập hơn 43 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Hoàng Phương (TP.HCM) vẫn chật vật xoay xở trước chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, từ tiền học, bỉm sữa đến điện nước.

Chi phí nuôi con và giá cả tăng khiến gia đình ở TP.HCM và Hà Nội đau đầu. Ảnh minh họa: Thành Đông.

12 triệu tiền học cho con; 1,2 triệu cho bỉm sữa; 2-3 triệu cho tiêm chủng và thuốc men; 11 triệu cho thực phẩm và mua sắm; 3 triệu phí sinh hoạt như điện, nước, xăng xe. Đó là số tiền mà vợ chồng chị Hoàng Phương (sống tại quận 10, TP.HCM) phải chi mỗi tháng, chưa kể đến những khoản phát sinh bất ngờ.

Chị Phương hiện là nhân viên kiểm duyệt nội dung, còn chồng làm lập trình viên. Dù tổng thu nhập hơn 43 triệu đồng/tháng, họ vẫn cảm thấy áp lực khi phải xoay xở với mức sống ngày càng đắt đỏ.

Gia đình có một bé trai hơn 1 tuổi. Vợ chồng chị dự định cho con học trường công khi bé được 18 tháng để giảm bớt gánh nặng tài chính.

"Chi phí gì cũng cao, con ngày càng lớn. Tôi muốn cho con học trường tốt nhất, nhưng với áp lực kinh tế hiện tại, vợ chồng tôi thực sự khó gánh vác", chị Phương nói với Tri Thức - Znews.

Không chỉ riêng gia đình chị Phương, nhiều gia đình trẻ ở TP.HCM và Hà Nội cũng đang chật vật xoay xở chi tiêu. Vừa lo cho con trong giai đoạn phát triển, vừa đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, họ rơi vào tình thế khó khăn như gánh chịu một "áp lực kép".

Tháng này bù tháng kia

Theo báo cáo từ Cục Thống kê, vào tháng 2, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,34% so với cùng kỳ tháng trước, kéo theo sự gia tăng của nhiều mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt, dù giá gạo có dấu hiệu giảm nhẹ 0,54%, giá thịt lợn và một số thực phẩm khác lại tăng do nguồn cung hạn chế.

Mỗi sáng, trên đường chở con đi học, chị Phương thường ghé qua tiệm gần nhà mua một chiếc bánh bao để lót dạ trước khi đến công ty. Hôm trước, như thói quen, chị đưa tờ 20.000 đồng, nhưng lần này, cô bán hàng không trả lại 2.000 đồng như mọi khi. Thắc mắc, chị hỏi thì nhận được câu trả lời khiến chị khựng lại: "Bánh bao thịt trứng hôm nay lên 20.000 đồng rồi em ơi".

Giá cả tăng lên từng ngày, từ những thứ nhỏ nhất. Chẳng riêng gì bánh bao, chỉ vài hôm trước, khi đi chợ Nguyễn Tri Phương, chị cũng nghe các tiểu thương than vãn rằng sức mua giảm hẳn, người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu. Nhìn lại chi phí sinh hoạt gia đình, chị Phương không khỏi lo lắng.

"Việc chọn thực phẩm mỗi ngày cũng là một bài toán khó. Con tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, tôi không muốn tiết kiệm ở khoản dinh dưỡng, nhưng giá cả cứ tăng thế này, thật sự rất áp lực", chị chia sẻ.

ap luc chi tieu anh 1

Bảng chi tiêu Tết lên đến 19 triệu đồng của gia đình chị Khánh Ly.

Tương tự, dù thu nhập mỗi tháng đạt 30-35 triệu đồng - mức không hề thấp so với mặt bằng chung, vợ chồng Khánh Ly (sinh năm 1997) vẫn chật vật xoay xở trước áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ ở Hà Nội.

Gia đình chị có 4 người, gồm vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ - 2 tuổi và 5 tháng tuổi. Mỗi tháng, vợ chồng trẻ “đánh bay” tới 70% tổng thu nhập. Khoản chi tốn kém nhất là bỉm, sữa cho hai con bởi các bé uống sữa ngoài hoàn toàn. Bên cạnh đó, con gái lớn gửi ở trung tâm tư cũng khiến vợ chồng trẻ tốn một khoản đáng kể.

“Tháng nào nhà tôi cũng phải cân đo đong đếm. Ngoài các khoản chi không thể bỏ như thuê nhà, ăn uống chung, đi lại, sữa bỉm, tôi phải gắng dành ra một khoản làm quỹ dự phòng khi con ốm đau, chưa kể tiền tiêm phòng, song nhiều khi vẫn không đủ lo liệu”, Ly kể.

Nhớ lại thời điểm gần Tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng chị không khỏi thở dài. Vì đều làm công việc tự do, cả hai không có khoản thưởng Tết nào, đúng lúc Ly vừa sinh bé thứ hai, lại sinh mổ nên khá tốn kém. Thậm chí sát Tết, vợ chồng chị phải dùng đến khoản tiết kiệm cuối cùng để lo liệu.

ap luc chi tieu anh 2

Chi phí tăng gây áp lực lên chi tiêu của các gia đình ở thành phố lớn. Ảnh minh hoạ: Việt Linh.

Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, thời tiết Hà Nội diễn biến phức tạp khi giao mùa khiến 2 bé dễ ốm vặt. Nhiều khi các con đổ bệnh cùng lúc, cặp đôi phải xoay xở vay mượn hay lấy tiền tiết kiệm ra tiêu. Tình trạng “tháng này bù tháng kia” thường xuyên lặp lại.

“Cũng may có mẹ chồng tôi ở quê ra chăm các con giúp nên đỡ được phần nào tiền thuê người. Nhưng mọi thứ vẫn khá chật vật”, bà mẹ trẻ thú nhận.

ap luc chi tieu anh 3

Chị Hoàng Dung đau đầu với bài toán kinh tế khi chi tiêu đã chiếm gần hết các khoản thu nhập.

Đến ngày nhận lương, chị Hoàng Dung (sống tại quận Gò Vấp, TP.HCM) luôn trích ra khoảng 7 triệu đồng (gần 1/2 thu nhập) để đóng các khoản phí tiền học cho con trước, bao gồm học chính quy và lớp tiếng Anh ngoài giờ. Số tiền còn lại chị để dành đi chợ và chi cho một số đồ dùng thiết yếu.

Gia đình chị có hoàn cảnh khá đặc biệt khi chồng đi du học nước ngoài, mỗi tháng anh nhà sẽ gửi về khoảng 25 triệu đồng để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, số tiền mà cả hai vợ chồng kiếm được lại chẳng thấm vào đâu khi các khoản chi tiêu đã chiếm hơn 80% thu nhập.

"Hàng tháng, khoản tốn kém nhất là tiền thuê nhà và điện nước, tổng cộng gần 9 triệu đồng. Chi phí ăn uống cho hai mẹ con cũng khoảng 7 triệu. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, tôi dư được khoảng 4-5 triệu đồng/tháng", chị Dung tính toán.

Chị kể, nhiều lúc thương chồng vì anh vừa phải đi học, vừa gồng gánh kiếm tiền nơi xứ người. Có lần, anh bị cảm sốt phải vào viện, bác sĩ bảo không sao nên cho về. Nhưng 2-3 ngày sau vẫn chưa khỏi, chị đành nhờ bác sĩ chuyên khoa kê đơn thuốc để điều trị từ xa.

Những lúc con ốm, chị cũng cố gắng trấn an chồng: "Không sao đâu, em vẫn còn tiền dư mà". Nhưng thực tế, chị phải chạy vay mượn người thân, cố gắng xoay xở để lo liệu.

Giải bài toán tăng giá

Cắt giảm chi phí mua thực phẩm cho hai vợ chồng là điều đầu tiên mà chị Phương nghĩ đến. Thực phẩm sẽ mua vừa đủ, không mua dư để tránh lãng phí.

"Cũng may bé nhà tôi rất thích đi ra ngoài. Mỗi tối, vợ chồng tôi sẽ thường xuyên đi siêu thị gần nhà, sẵn vừa chọn thực phẩm rẻ vừa mua đồ ăn tối khuyến mãi", chị cho hay.

Chị cũng cố gắng theo dõi thu chi sát sao. Những mặt hàng nào mua được trên các sàn thương mại điện tử hoặc phiên livestream với giá hời chị sẽ ưu tiên. Nhưng chị cũng nhấn mạnh đến việc mua sản phẩm chất lượng, có thương hiệu để yên tâm sử dụng.

Còn với gia đình chị Ly, gia tăng thu nhập sẽ là dự định mà cả hai sẽ thực hiện khi các khoản cần chi cứ lớn dần. Sang năm, con gái lớn của hai vợ chồng sẽ chính thức đi học mẫu giáo, bé út cũng không thể mãi nhờ bà nội trông nom.

ap luc chi tieu anh 4

Ly dự định kinh doanh và chi tiêu khoa học hơn để tránh vay mượn.

Chồng chị Ly nghiên cứu làm thêm công việc tay trái, có thể sẽ kinh doanh hoặc cộng tác với công ty khác. Chị cũng đặt mục tiêu kinh doanh thêm.

“Bên cạnh đó, mỗi tháng khi có lương, tôi sẽ cất luôn một khoản đi để tiết kiệm và cố gắng không đụng tới. Tôi cũng nghiên cứu các ứng dụng chi tiêu, mua sắm để quản lý thu - chi khoa học hơn, tránh bỏ sót hoặc các khoản chi không cần thiết”, chị chia sẻ.

Tương tự, chị Dung cũng cho biết mình dự định kinh doanh các mặt hàng sữa, đồ mua ở nước ngoài để kiếm thêm thu nhập. Chị cũng cân nhắc cắt giảm những khoản chi tiêu không quá cần thiết của con.

"Trước đây, bé thích gì, tôi thường mua ngay. Nhưng giờ, tôi hạn chế mua đồ chơi hay đồ ăn vặt không thiết yếu, thay vào đó ưu tiên thực phẩm nấu tại nhà để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo an toàn", chị Dung nói.

Nhà chị có một tầng với diện tích khá rộng, trong đó tầng dưới ít sử dụng, chủ yếu để giữ xe. Thay vì để trống, chị dự định cho thuê làm lớp học thêm, tận dụng không gian để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Những đứa trẻ tim rỗng

Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.

Bữa cơm nhà 'vắng' thịt heo vì giá tăng vọt ở TP.HCM

Trong bối cảnh giá thịt heo liên tục tăng, nhiều gia đình ở các thành phố lớn phải cân đối lại chi tiêu cho thực phẩm này, thay thế bằng các loại thịt khác trong bữa ăn.

Minh Vũ - Mai An

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm