Thể loại: Giật gân, tâm lý
Đạo diễn: Trần Việt Anh
Diễn viên chính: La Thành, Alex Chan, Huỳnh Anh, Xuân Nghị, Võ Mỹ Phương
Zing.vn đánh giá: 5/10
Vô gian đạo thực tế được làm lại từ bộ phim Thánh bịp Vô Danh. |
Vô gian đạo thực tế được làm lại từ bộ phim Hong Kong mang tên Đổ thánh 3: Vô Danh tiểu tử (vốn được biết đến ở Việt Nam qua tựa đề Thánh bịp Vô Danh) do Vương Tinh viết kịch bản kiêm sản xuất, và Trương Mẫn làm đạo diễn vào năm 2000.
Trong tác phẩm của điện ảnh Việt, nhân vật chính tên Cháy (La Thành) là một con bạc chuyên nghiệp. Anh cùng Đạo (Alx Chan), Thạch (Huỳnh Anh), Tâm (Xuân Nghị) lập thành bộ tứ chuyên đi kiếm chác tại các sòng bài nhờ hàng loạt chiêu trò bạc bịp.
Khi “sự nghiệp” bài bạc đang phất, Cháy phải lòng Linh (Võ Mỹ Phương) - cô gái trẻ tốt bụng, xinh đẹp, nhưng mù lòa.
Anh quyết tâm theo đuổi cô, mà không ngờ rằng mối quan hệ lãng mạn ấy sẽ dẫn đến hàng loạt biến cố bất ngờ khiến cuộc đời mình và những người xung quanh hoàn toàn thay đổi.
Nghi vấn từ dự án làm lại với những chiêu trò câu khách kỳ quặc
Khi mới công bố, dự án tiếp theo của đạo diễn Hay không bằng hên lập tức thu hút sự chú ý của người yêu điện ảnh khi có tên gọi gần tương đồng với bộ ba phim hình sự, tội phạm kinh điển Hong Kong Vô gian đạo ra mắt hồi đầu thập niên 2000.
Còn lời tựa của bộ phim - “Tình nghĩa anh em có chắc bền lâu?” - xuất phát từ một câu trong bài hát Đời là thế thôi của tác giả Quách Beem, vốn đang gây bão trong cộng đồng giới trẻ thời gian qua.
Đến khi trailer chính thức của bộ phim ra mắt, khán giả lập tức nhận ra nội dung tác phẩm có gì đó “quen quen”. Lúc này, nhà sản xuất mới công bố thông tin Vô gian đạo vốn được mua bản quyền Việt hóa từ bộ phim bài bạc do hai ngôi sao Trương Gia Huy, Thư Kỳ đóng chính cách đây gần 20 năm.
Trước giờ ra mắt, bộ phim gây ra nhiều điều khó hiểu cho công chúng về cách quảng bá. |
Điều đó khiến khán giả cảm thấy khó hiểu với quyết định của nhà sản xuất. Bản thân Thánh bịp Vô Danh chẳng phải là cái tên nổi bật về cả chất lượng lẫn danh tiếng nếu so với nhiều tác phẩm cùng loại có sự góp mặt của các “thần bài” như Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì hay Lưu Đức Hoa.
Đối với Trương Gia Huy, nguyên tác cũng không phải là điểm nhấn đáng kể trong sự nghiệp “bài bạc” trên màn ảnh của anh, bởi tài tử từng ghi dấu ấn trong nhiều tác phẩm đáng nhớ hơn nhiều như Đổ hiệp 1998 (1999), Đổ hiệp: Đại chiến Las Vegas (1999) hay Trung Hoa đổ hiệp (2000).
Tuy nhiên, với lời hứa hẹn rằng Vô gian đạo là “bộ phim cờ bạc bịp đầu tiên của điện ảnh Việt Nam”, dự án vẫn gây ra sự tò mò, hấp dẫn nhất định đối với khán giả.
Câu chuyện khuôn mẫu, dễ xem, nhưng thiếu sáng tạo
Cốt truyện của Vô gian đạo hầu như được giữ nguyên không đổi so với nguyên tác Hong Kong. Những ai từng theo dõi bộ phim gốc sẽ nhận ra phiên bản Việt hóa không đem đến bất cứ chi tiết sáng tạo mới mẻ nào, mà gần như chỉ đem nguyên si cảnh phim từ bản Hong Kong sang và thay bằng diễn viên người Việt.
Còn với những ai xa lạ trước nguyên tác, Vô gian đạo sở hữu câu chuyện đơn giản, dễ theo dõi. Mạch phim được kể theo lối tuyến tính với tiết tấu nhanh. Các nhân vật và mối quan hệ trong phim có lối giới thiệu nhanh gọn, trực diện, không có hoàn cảnh hay ân oán tình thù nào đặc biệt.
Bộ phim gần như không đem lại sáng tạo nào đáng kể nếu so với nguyên tác. |
Các sự kiện trong phim diễn ra theo mạch thời gian cố định duy nhất, được miêu tả ngắn gọn và sơ lược, chủ yếu mang tính chất liệt kê, chứ không đi sâu miêu tả hoàn cảnh hay tâm lý nhân vật.
Tuy được giới thiệu là “phim cờ bạc bịp”, nhưng Vô gian đạo không tập trung quá nhiều vào mảng cờ bạc bịp. Phim lấy bối cảnh xã hội đen, vừa khai thác tình nghĩa anh em huynh đệ, vừa khai thác yếu tố ân oán giang hồ. Bên cạnh đó là yếu tố tình cảm lãng mạn của đôi nhân vật chính Cháy - Linh, và yếu tố gia đình đến từ nhân vật Đạo.
Nhờ đó, khán giả đại chúng có thể yên tâm xem phim với tinh thần giải trí một cách thoải mái, mà không cần phải lo lắng phim khó hiểu, nặng đầu khi khai thác đề tài cờ bạc bịp. Tuy nhiên, câu chuyện phim vì thế mà trở nên thiếu sáng tạo, dễ đoán, và không có tình tiết bất ngờ tạo kịch tính nào đáng kể.
Mâm cỗ đủ món, nhưng món nào cũng nhạt
Vô gian đạo được Việt hóa rất trung thành với nguyên tác Hong Kong. Với đa số phim remake, đây có thể coi là điểm cộng tích cực. Nhưng với một nguyên tác vốn có chất lượng thực tế không cao như Thánh bịp Vô Danh, việc trung thành với nguyên tác trở thành điểm trừ khi bộ phim lặp lại y hệt những khiếm khuyết của phim gốc, thậm chí còn làm mọi thứ tệ hơn.
Bộ phim đa dạng về thể loại, nhưng mặt nào cũng làm không tới, nếu không muốn nói là qua loa, sơ sài. Tình nghĩa anh em huynh đệ trong phim tỏ ra nhạt nhòa, hời hợt vì không có chi tiết xây dựng hoàn cảnh cụ thể làm nền tảng.
Khán giả không biết mối quan hệ giữa các nhân vật cụ thể là thế nào, được xây dựng ban đầu ra sao. Do đó, khi có biến cố xảy ra, thật khó để hiểu và đồng cảm với các nhân vật.
Từng yếu tố trong phim đều tỏ ra qua loa, sơ sài. |
Yếu tố cờ bạc bịp cũng hết sức sơ sài khi xuất hiện thông qua một vài cảnh chơi bài thông thường, không có gì đặc biệt. Các chiêu trò, ngón nghề bạc bịp chỉ được nhắc qua loa bằng vài câu thoại vô thưởng vô phạt mà không thể hiện nhiều về mặt hình ảnh.
Những ván bài sinh tử trong phim vì thế mà không đem đến cảm giác kịch tính, phấn khích cần thiết do quá đơn điệu và nhàm chán, không có tính đấu trí, cân não nào đáng kể.
Tình cảm nam nữ trong phim thì gấp gáp, với những chi tiết ngô nghê, phi logic. Ban đầu, khi biết Cháy là dân cờ bạc bịp, Linh tỏ ra căm ghét, khó chịu. Nhưng chỉ ngay lần gặp sau đó, cô lại coi như chưa từng có ấn tượng xấu gì về anh.
Đồng thời, khó có chuyện một cô gái mù lòa thường bị nhòm ngó, tán tỉnh như Linh chỉ sau một lần gặp gỡ đã… một mình lên thăm phòng Cháy mà không có bất cứ sự cẩn trọng nào cả.
Chuyện tình cảm gia đình của nhân vật Đạo ban đầu diễn ra tương đối tốt, nhưng lại không được tận dụng để khiến nhân vật thay đổi, phát triển. Cái kết của mối quan hệ này cũng đầy chóng vánh.
Nhiều chi tiết của bản gốc được giữ nguyên hoặc cải biên một cách thiếu hợp lý khi Việt hóa. Ví dụ như chuyện châm biếm tình trạng quay lén phim phổ biến tại Hong Kong những năm đầu thập niên 2000 nay không còn phù hợp với thực tế Việt Nam. Những trận đấu bài tiền tỷ thay vì chơi Poker hay Black Jack, thì có lúc lại áp dụng kiểu chơi “Tiến lên” dân dã.
Phần kết của Vô gian đạo đem đến sự khác biệt so với nguyên tác khi thay đổi kết cục của một số nhân vật chính. Tuy nhiên, việc cải biên chủ yếu mang tính chất đối phó với vấn đề kiểm duyệt, chứ không mang giá trị thực sự. Chúng xuất hiện chớp nhoáng kiểu “từ trên trời rơi xuống” vào phút chót, chứ không hề có sự gợi mở, dẫn dắt nào thuyết phục.
Tất cả khiến Vô gian đạo thứ gì cũng có một chút, nhưng toàn bộ đều qua loa, hời hợt, và không có điểm nhấn. Bộ phim diễn ra và trôi tuột một cách gấp gáp, máy móc, mà chẳng kịp đem lại cảm xúc nào đáng kể.
Chất lượng chế tác trung bình, nhân vật kém ấn tượng
Vô gian đạo có phần kỹ thuật làm phim không nổi bật. Từng có nhiều năm sản xuất MV ca nhạc, đạo diễn Trần Việt Anh hầu như bê nguyên xi kinh nghiệm vào công việc chế tác phim điện ảnh.
Bên cạnh ưu điểm là những khung hình có màu sắc rực rỡ, bắt mắt, bộ phim lại lạm dụng góc máy cận và trung cận, thường xuyên đặc tả khuôn mặt diễn viên. Khung hình vì thế thường xuyên trở nên tĩnh và hẹp. Bối cảnh phim vừa không phong phú khi chỉ loanh quanh một vài bối cảnh nội lặp đi lặp lại, vừa thiếu trau chuốt khi phần nội thất để lộ rõ sự sắp đặt.
Phần âm nhạc là điểm sáng hiếm hoi của tác phẩm khi đội ngũ sản xuất chịu khó tìm kiếm và lồng ghép nhiều bài nhạc nhằm tăng cảm xúc cho từng phân cảnh cụ thể. Tuy nhiên, đôi lúc âm nhạc bị lạm dụng thái quá nhằm mục đích gây cười không hợp lý.
Thật khó để các diễn viên trong phim có thể thể hiện bản thân trên nền kịch bản không ấn tượng. |
Diễn xuất trong phim không có gì quá ấn tượng. Nguyên nhân là bản thân nhân vật của họ sơ sài, không có hoàn cảnh cụ thể làm nền tảng. Hậu quả là chính bản thân người diễn viên không biết phải diễn thế nào cho ra nhân vật của mình.
La Thành sở hữu khả năng biến hóa nhân vật tương đối tốt, nhưng nét diễn còn cường điệu, nặng tính sân khấu. Huỳnh Anh thể hiện nhân vật của mình đầy tự nhiên và phù hợp, dù nét diễn của anh còn một màu. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh của Võ Mỹ Phương có thể coi là thành công khi cô thể hiện tròn vai nhân vật Linh, nhờ bản thân nhân vật cơ bản chỉ là “bình hoa di động”.
Gây tò mò từ tên gọi, lời dẫn, cho đến thể loại mới mẻ đối với điện ảnh Việt, nhưng những gì Vô gian đạo đem lại chỉ là bản sao nhạt nhòa của một nguyên tác vốn cũng chẳng có gì nổi trội.
Các nhà làm phim Việt nên đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản xuất thực tế, hơn là chỉ chăm chăm tìm cách làm lại những gì đã có một cách lười biếng, cẩu thả, rồi bao bọc thành phẩm bằng những chiêu trò câu khách kỳ quặc.
Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.