Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Võ Hoài Nam: "Tôi đã từng thấy nước mắt giang hồ"

Suốt một thời gian dài, diễn viên điện ảnh có vẻ ngoài đẹp trai nhưng phong trần này đã mất hút khỏi màn ảnh và báo chí.

Võ Hoài Nam: "Tôi đã từng thấy nước mắt giang hồ"

Suốt một thời gian dài, diễn viên điện ảnh có vẻ ngoài đẹp trai nhưng phong trần này đã mất hút khỏi màn ảnh và báo chí.

Võ Hoài Nam: `Tôi đã từng thấy nước mắt giang hồ`

Võ Hoài Nam

Có người nói Võ Hoài Nam làm ăn phát đạt, giờ chỉ chí thú làm ông chủ nhà hàng bên vợ con, có người nói Nam đã bỏ điện ảnh ra nhập… xã hội đen vì anh rất “mê” các hảo hán giang hồ. Sự thực là…

Quay lại với vai trò mới

- Bấy lâu nay anh phiêu bạt nơi nào, có quá nhiều tin đồn thất thiệt về anh?

- Phiêu bạt gì đâu, tôi chỉ ở nhà chăm sóc vợ con, chăm chút công việc làm ăn nhà hàng của mình.

- Anh “bỏ” điện ảnh à ?

- Tôi không bao giờ bỏ điện ảnh, chẳng qua thời gian vừa rồi tạm nghỉ để chăm chút cuộc sống riêng và tích lũy vốn sống. Tôi mới về đầu quân cho Hãng phim truyện Việt Nam, mới nhận tháng lương đầu tiên. Tôi vừa viết xong kịch bản Kẻ lộng quyền và đã trình Cục điện ảnh và Hãng phim truyện Việt Nam xem xét. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ sớm trở lại với điện ảnh ở một cương vị mới...

- Đạo diễn?

- Đó là điều tôi rất mong muốn, còn có được hay không còn phải chờ Thiên thời - Địa lợi - Lãnh đạo đồng ý.

- Anh đã chán vai trò diễn viên?

- Không phải chán, nhưng làm diễn viên quá bị động, có những tác phẩm mình được mời nhưng không phải loại vai mình thích, không hợp cách nghĩ của mình thì mình phải tự đi tìm cách yêu nghề khác vậy. Khi viết Kẻ lộng quyền, tôi khai thác chuyện chống tham nhũng, về mặt trái của xã hội, nhưng theo góc nhìn của tôi, cách nghĩ của tôi. Trong đó có kẻ giang hồ, có quan chức, có cô gái xinh đẹp bị bắt cóc... nhưng hơn cả trong đó có một tình yêu đẹp, và một lý tưởng rất riêng của kẻ phạm pháp.

Tôi rất thích kịch bản này, trước đây tôi cũng đã từng viết vài kịch bản khác và đã được làm phim, nhưng đây là câu chuyện tôi ưng ý nhất và muốn được trực tiếp đưa nó lên màn ảnh. Lúc đầu tôi chỉ mong kịch bản được duyệt làm phim video, nhưng sau đó một số người đọc đã nói rằng kịch bản hoàn toàn có thể làm phim nhựa. Hiện tôi đang sửa chữa nâng cao, hy vọng sớm được đưa vào sản xuất.

- Trong kịch bản chắc có vai của anh?

- Tất nhiên! (cười). Khi viết tôi lấy chính mình áp dụng vào hình mẫu của nhân vật chắc chắn sẽ sâu hơn, sống động hơn việc sáng tạo một nhân vật mới hoàn toàn khác biệt với con người và cuộc sống của mình. Nhân vật sẽ giống tôi  nhiều phần: phong cách, hình thể, nội tâm... Tất nhiên tôi cứ hoàn thành vai trò biên kịch đã, còn có được thể hiện nhân vật ấy hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

- Hóa ra anh vẫn mê làm diễn viên lắm, không phải đã “đóng cửa lòng đi tu” như thiên hạ đồn thổi?

- Tu tỉnh gì đâu, thèm làm phim chết đi được, nhưng không có được vai hay như mong đợi. Tôi đã mất 15 năm theo nghề, đã có được chút tên tuổi, nay cứ chặc lưỡi vào tràn lan những vai nhạt nhẽo không ra gì là  tự giết mình.

- Và mấy năm qua anh yên vị với vai ông chủ nhà hàng?

- Không! Tôi là nhân viên. Nhà hàng do vợ tôi làm chủ lâu rồi. Và làm bố của 3 đứa con. Nói chung cuộc sống của tôi tạm ổn, giờ tôi chỉ muốn làm nghề. Khi “cái lưng” của mình đã cứng rồi thì mình yên tâm hơn để làm nghề một cách chân chính.

- Chân chính? Như thế nào là chân chính hay không chân chính?

- Nói thế nào cho chính xác. Trong nghề ai cũng biết những kiểu “chặt chém” tiền thù lao của diễn viên. Trước đây làm diễn viên tôi cũng bị “chặt chém”. Bây giờ kinh tế của tôi vững rồi, tôi không bao giờ làm thế với diễn viên của mình, cố gắng chân chính ở mức có thể (cười).

Cũng như tôi có thể dành tiền bạc công sức của mình nhiều hơn cho nghệ thuật. Tôi coi nghệ thuật cũng như những đứa con tôi, phải yêu thương chăm bẵm thì chúng mới lớn khôn được.

- Nhưng lựa chọn thời điểm này, khi các hãng phim Nhà nước đang cổ phần hóa, điện ảnh đang có những chuyển biến mạnh, liệu có mạo hiểm cho “đạo diễn trẻ” Võ Hoài Nam?

- Tôi có một điểm đặc biệt là luôn thích nhảy vào chỗ khó khăn. Tôi tin rằng một người đàn ông chỉ có thể khẳng định được mình khi đến với ai đó, cái gì đó vào thời điểm khó khăn, chứ khi thảm đỏ đã được trải rồi thì chẳng còn cơ hội nữa.

- Tại sao anh chọn Hãng phim truyện Việt Nam để đầu quân trong khi nhiều đạo diễn, người làm phim Nhà nước đang chạy sang các hãng tư nhân?

- Tôi nghĩ hãng phim nhà nước hay tư nhân đều có những ưu thế khác nhau. Nếu cộng tác với một đơn vị tư nhân cũng rất tốt. Nhưng Hãng phim truyện Việt Nam là nơi tôi đã được cộng tác nhiều và quan trọng là ở đây có nhiều “cây đa cây đề”. Tôi muốn được trực tiếp thử sức với những “cây đa cây đề” ở đây.

- Anh nghĩ sao về ý tưởng: Hãng phim Võ Hoài Nam?

- Tôi đã nghĩ rất lâu rồi, nhưng cũng phân vân đã nên làm hay chưa. Tôi còn thiếu nhiều thứ. Tôi không muốn mở một hãng phim hay một công ty sớm nở tối tàn. Tôi sẽ đi dần dần, cứ cố gắng làm đi đã, đến một lúc nào đó đủ tâm đủ lực sẽ cùng một số anh em tụ tập lại.

Tôi thích kết bạn với giới giang hồ

Võ Hoài Nam: `Tôi đã từng thấy nước mắt giang hồ`

- Ngoài Võ Hoài Nam diễn viên điện ảnh, Võ Hoài Nam “nhân viên nhà hàng”, hình như còn một Võ Hoài Nam “hảo hán giang hồ” rất ít người biết?

- Đúng là tôi rất thích tìm, chơi và làm bạn với giới giang hồ, những tay đại ca, anh chị xã hội đen. Điều này có thể vô lý với nhiều người, nhưng lại có lý với riêng tôi. Tôi tin mình chỉ tìm được tình bạn, tình người thực sự ở thế giới mà mọi người vốn e ngại, khiếp sợ đó. Có thể trong hoàn cảnh sống sinh tử khó lường, con người trong giang hồ sống thật hơn, nghĩa khí hơn, đó chính là điều tôi thực sự thích và cần.

Mỗi khi đi làm phim ở bất cứ địa bàn nào, việc đầu tiên tôi làm là lân la dò hỏi thông tin về giới giang hồ và các tay anh chị ở đó, rồi làm quen bằng được.

Mỗi con người trong giang hồ đều là những số phận éo le, đều có những góc cạnh cuộc sống rất đặc biệt. Đặc biệt, những con người này đều ít khi giả dối. Tôi sợ nhất loại người lửng lơ, nửa đạo đức nửa trí thức rất đáng sợ. Nói chung tôi thích chơi một cách giang hồ thật sự, nơi tôi tìm được những tình bạn đặc biệt và có một vốn sống vô cùng phong phú.

- Chơi, làm bạn... anh đã thử làm giang hồ thật sự bao giờ chưa?

- Năm 13 tuổi tôi đã ở ga tàu, bến xe.

- Anh làm gì ở đó?

- Những nơi đấy thì có nhiều trò lắm, nhưng chuyện qua rồi tôi không muốn nhắc lại. Nhưng chắc chắn để đến được với điện ảnh, đóng phim, viết kịch bản, tôi có được cũng nhờ cuộc sống giang hồ.

- Anh có nghĩ cách sống của anh rất kỳ lạ?

- Không hẳn! Tôi chỉ nghĩ tôi tìm đến nơi có niềm tin, nơi những lời nói hứa có giá trị. Những người giang hồ nói một là một, hai là hai; không quý thì không chơi, không bao giờ có chuyện trước mặt thì xởi lởi, sau lại cầm dao đâm vào lưng mình; đã chơi một lần thì mãi mãi là bạn.

Con người bao giờ cũng có hai mặt: "con" và "người". Tôi tìm thấy phần "người" nhiều hơn trong thế giới giang hồ. Thế giới bình thường đôi lúc phần "con" nhiều quá.

- Anh đã bao giờ gặp một tình huống kịch tính với những người bạn này?

- Tình huống kịch tính thì có nhiều, nhưng thường là do chưa hiểu nhau, nhưng sau đó hiểu rồi thì rất quý. Tôi đã từng nhìn thấy nước mắt giang hồ.

- Đã có lần nào anh là nhân vật của một tình huống thót tim?

- Có! Một lần tôi có một anh bạn mới quen trên Lạng Sơn, tôi quen anh ta trên sàn nhảy ở Hà Nội. Vợ chồng tôi quý và rất nhiệt tình lấy xe nhà đưa anh ta về Lạng Sơn. Anh ấy cũng rất quý chúng tôi và giữ lại nhậu. Khi tôi từ chối để về thì bị ngay một khẩu súng dí vào ngực. “Nếu mày về, tao bắn!”. Anh ta nói lạnh lùng.

Tất cả mọi người sợ khiếp vía chạy tá hỏa. Tôi từ từ đứng dậy, cầm nòng súng rê hướng lên trên trán rồi nói với anh ta: “Nếu mày muốn bắn thì bắn vào đây cho khỏi bẩn áo tao. Hôm nay là sinh nhật vợ tao, tao phải về!”.

- Nghe hồi hộp như chuyện trên phim ấy nhỉ?

- Là chuyện thật 100%, sau đó cả hội lại ngồi nhậu với nhau một lúc, rồi chúng tôi về, uống say lại ôm nhau chia tay bịn rịn. Bây giờ chúng tôi là bạn quý của nhau.

- Anh sẽ đưa tình huống này lên phim chứ?

- Chắc chắn! Những chi tiết đắt như thế tôi nhất định phải khai thác. Một phim chỉ cần vài chi tiết như vậy là đủ gay cấn rồi.

- Chắc rằng trong sự nghiệp của biên kịch - đạo diễn Võ Hoài Nam nhất định sẽ có giới giang hồ hoặc cuộc đời của một đại ca nào đó?

- Cũng có thể! Nhưng tôi còn phải đi tìm, và gom nhiều đại ca vào thành một mới có nhân vật hay được, không thể cuộc đời của một người mà thành kịch bản hay được. Chất liệu thì tôi có nhiều, nhưng để gắn kết chúng lại thì cần có thời gian.

- Trong kịch bản "Kẻ lộng quyền" anh có mang chút chất liệu giang hồ nào ra “nhấm nháp” không?

- Có! Vai nam chính cũng là một nhân vật gần giang hồ, nhưng tôi không khai thác mặt đó. Tôi khai thác cả phần  "người" và phần "con" của anh ta. Cảnh cuối kịch tính nhất khi công an vây bắt Long “gấu” (tên nhân vật chính), tất cả họng súng của dân giang hồ đều giương lên. Nhưng khi Long “gấu” ra lệnh, họ đều hạ xuống.

Thông điệp của tôi là: họ sẵn sàng đối đầu với tệ nạn tham nhũng, với thói hư tật xấu, nhưng không đối đầu với Nhà nước và pháp luật. Tôi muốn thể hiện hình ảnh chính xác nhất và nhân bản nhất về "thế giới giang hồ" bởi công chúng vốn vẫn e ngại và ít hiểu cặn kẽ những chuyện đó.

Theo TTVH/TTOL

Theo TTVH/TTOL

Bạn có thể quan tâm