Nhiều người dùng thất vọng với các tính năng mới của Instagram. Ảnh: kyliejenner. |
"Instagram là nền tảng đầu tiên tôi tham gia", một người sáng tạo nội dung có hơn 1 triệu follower cho biết. Người này yêu cầu giấu tên để tránh ảnh hưởng tới mối quan hệ với nền tảng.
"Nhưng họ muốn quá nhiều từ những người sáng tạo đến nỗi mọi thứ dần cạn kiệt", người này nói với Business Insider.
Trong những tháng gần đây, ban lãnh đạo của Instagram đã nhận ra rằng để cạnh tranh với các đối thủ như TikTok hay YouTube, nền tảng này phải nghĩ ra những cách mới thúc đẩy đội ngũ sáng tạo nội dung. Để đạt được mục tiêu này, kể từ năm 2020, Instagram đã tiết lộ hơn 10 tính năng hỗ trợ creator kiếm tiền.
Nhưng vấn đề nảy sinh khi các tính năng mới được thử nghiệm, khởi chạy rồi lại hủy bỏ. Lúc này, đội ngũ sáng tạo nhận ra nền tảng đang không thực sự hỗ trợ họ. Một số người đã chọn cách rời đi.
Hàng loạt thay đổi của nền tảng
Business Insider đã phỏng vấn hơn 10 người sáng tạo, cũng như các nhà quản lý tài năng và cựu nhân viên Instagram để hiểu những thay đổi của nền tảng ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghiệp influencer.
Trong khi Instagram tuyên bố đang nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái bền vững, đội ngũ sáng tạo nội dung lại phản ánh tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.
"Trong hai năm qua, chúng tôi đã thử nghiệm và tung ra nhiều tính năng khác nhau để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của người sáng tạo, bao gồm cả các cách kiếm tiền", người phát ngôn của Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, cho biết.
Instagram công bố hàng loạt thay đổi. |
"Khi xây dựng bộ công cụ kiếm tiền cho người sáng tạo, chúng tôi không ngừng cải tiến. Thử nghiệm vẫn rất quan trọng để hiểu được điều gì mang lại trải nghiệm tốt nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để quá trình thử nghiệm và chuyển đổi tính năng diễn ra minh bạch và suôn sẻ nhất".
Những giám đốc điều hành của Meta, cấp cao như Mark Zuckerberg, đã nói rõ rằng họ muốn Instagram được coi là nơi người sáng tạo có thể "mưu sinh".
Một trong những chương trình hỗ trợ kiếm tiền sớm nhất của Instagram là quảng cáo IGTV, một động thái nhằm cạnh tranh với Partner Program (chương trình đối tác) của YouTube.
Nhưng cơn sốt thực sự về các công cụ mới dành cho người sáng tạo chỉ diễn ra sau khi Instagram ra mắt Reels, tính năng video dạng ngắn cạnh tranh với TikTok, vào năm 2020.
Từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2022, Meta đã triển khai hơn 10 tính năng hoặc chương trình hướng đến những người sáng tạo. Một số đã cam kết trả cho người sáng tạo 1 tỷ USD cho đến năm 2022.
Influencer mệt mỏi và bỏ cuộc
Khi Meta giới thiệu và bắt đầu thử nghiệm các tính năng kiếm tiền mới trong hai năm qua, những người sáng tạo quy mô nhỏ như Bethany Everett-Ratcliffe đã rất phấn khích.
Nhưng càng về sau, Everett-Ratcliffe, người đã trở thành influencer toàn thời gian vào năm 2020, càng có nhiều nghi vấn về sự cam kết của Instagram với người sáng tạo.
Trong khi Instagram cam kết triển khai rộng rãi một số chương trình kiếm tiền, không phải ai cũng có quyền truy cập.
Không phải ai cũng có quyền truy cập các chương trình kiếm tiền trên Instagram. |
Một số công cụ bị giới hạn dưới dạng thử nghiệm để "chọn" những người sáng tạo mà nhân viên Instagram tuyển và mời. Những công cụ khác chỉ khả dụng với những người sáng tạo nội dung tại Mỹ.
Ví dụ như tiền thưởng trên Reels Play không dành cho những người sáng tạo có hơn 1 triệu người theo dõi.
Nhưng ngay cả khi influencer có quyền truy cập, điều đó không có nghĩa là các chương trình sẽ tồn tại lâu dài. Chẳng hạn, chương trình chia sẻ doanh thu quảng cáo duy nhất của Instagram, quảng cáo IGTV, đã ngừng hoạt động vào đầu năm nay.
Một influencer có 40.000 người theo dõi nói: "Tôi luôn thận trọng từng chút một vì Instagram thay đổi liên tục và tôi không biết thứ gì đó sẽ tồn tại được bao lâu. Thật tệ khi bạn yêu thích một tính năng và sau đó nó hoàn toàn biến mất".
Người sáng tạo này cho biết đã quyết định hạn chế hoạt động trên Instagram vì "nhìn vào thời gian đầu tư và lợi nhuận thu được, nền tảng trả cho tôi quá ít".
Nhà giáo dục và hùng biện người La Mã Quintilian từng nói rằng: "Chúng ta phải xây dựng tâm trí của mình thông qua đọc sâu hơn là đọc rộng". Thực hành đọc sâu là một quá trình rèn luyện có chủ đích. Mục Đời Sống giới thiệu với độc giả 6 nguyên tắc phát triển thói quen đọc sâu để không chỉ khám phá thế giới và kiến thức mà còn khám phá về chính bản thân mình.