Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vỡ mộng vì phòng khách sạn quá 'ảo' so với thực tế

Bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi, việc đặt phòng qua bên thứ 3 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều du khách đã "vỡ mộng" khi phòng nghỉ của mình quá khác so với ảnh quảng cáo.

Đặt phòng khách sạn là một trong những việc quan trọng nhất cần phải chuẩn bị kỹ trước khi đi du lịch, nghỉ mát. Điều này quyết định đến tâm trạng và không khí của cả kỳ nghỉ. Khách sạn là nơi để mọi người ngả lưng, tiếp sức cho cuộc chơi ngày hôm sau. Bởi vậy, nếu việc đặt khách sạn gặp trục trặc, tâm trạng của bạn sẽ ảnh hưởng ít nhiều. 

Bên cạnh những trường hợp "đặt phát ưng luôn", nhiều người vẫn phải lâm vào cảnh khốn khổ khi ôm nỗi thất vọng về khách sạn "ảo".

Trước vấn đề đáng lo ngại này, các tín đồ xê dịch cũng thừa nhận rằng việc đặt phòng qua mạng nhanh chóng nhưng rất dễ gặp phải tình huống "treo đầu dê, bán thịt chó". 

Mất tiền vì quá tin vào ảnh mạng

Trưa 17/7, tài khoản có tên Hồng Nhung đã chia sẻ kỷ niệm đáng quên tại Đà Lạt lên diễn đàn du lịch, kể về việc homestay lừa đảo, làm ăn không chân chính.

Cụ thể, Nhung cùng gia đình đặt phòng tại Nhà của những kẻ mộng mơ trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường 1, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). So với hình ảnh được chủ homestay đăng tải, căn phòng thực tế được Nhung miêu tả là "như ổ chuột" cùng vô vàn bất tiện khác.

Trong bài viết, Nhung chia sẻ: "Mình đặt nhà nguyên căn với giá 1,8 triệu/ngày, 3 ngày là 5,4 triệu. Vì vào mùa du lịch nên bên homestay bắt chuyển khoản 100% để giữ phòng. Chuyện sẽ chẳng có gì cho tới khi mình đặt chân tới căn nhà đó để nhận phòng. Homestay này nằm trên đỉnh một con dốc nhỏ và hẹp, mình ước lượng khoảng gần 100 bậc thang. Thanh niên như mình leo còn khó chứ nói gì đến người lớn tuổi".

phong khach san toi te anh 1
Homestay mộng mơ trên mạng và cái kết. Ảnh: NVCC.

Chủ nhân bài đăng còn "té ngửa" khi nhận ra homestay mộng mơ trong trí tưởng tượng chỉ là một căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, phòng toàn mùi ẩm. Nơi để ôtô cũng không có khiến mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Nữ du khách nhấn mạnh thêm: "Nơi này không khác gì những căn nhà ổ chuột được che giấu dưới lớp rèm và đồ trang trí. Không WiFi, không Internet, không có gì ngoài sự bất tiện".

Bức xúc trước cú lừa trắng trợn từ homestay, gia đình Nhung yêu cầu hoàn tiền để thuê nơi khác. Tuy nhiên, phía homestay liên tục trốn tránh và đôi bên phải nhờ đến sự can thiệp của công an.

"Lúc thỏa thuận, bên mình có nói rõ ràng với khách rằng homestay này thích hợp cho những bạn trẻ thích sự mới mẻ, mộng mơ. Hơn nữa, mình cũng đã khẳng định phòng nằm trên một con dốc chứ không hề giấu gì cả", đại diện homestay trả lời Zing.vn.

Về vấn đề đền bù, hai bên cũng đã thống nhất với nhau nếu không có khách đặt lại phòng thì thiệt hại sẽ chia đôi. "Mình rất thoải mái nếu hai bên thỏa thuận sòng phẳng với nhau. Tuy nhiên, phía khách hàng có những hành động muốn làm to chuyện nên hiện tại mọi chuyện vẫn chưa có tiến triển gì".

Phòng 2,2 triệu nhưng thực tế chỉ khoảng 1,5 triệu

Ngày 5/4, các diễn đàn du lịch liên tục chia sẻ đoạn clip của một travel blogger tố resort Aroma Phan Thiết (Bình Thuận) lừa đảo khách hàng. 

Cụ thể, theo lịch trình, người này di chuyển đến Bình Thuận và dừng chân nghỉ ngơi tại resort Aroma. Khi check-in, anh được lễ tân cho biết không nhận đặt phòng qua trang trung gian và yêu cầu book trực tiếp với giá không đổi là 2,2 triệu đồng.

phong khach san toi te anh 2
Cuộc trao đổi căng thẳng giữa khách hàng và lễ tân của Aroma.

Sau khi thanh toán bằng thẻ, vị khách này được nhân viên dẫn đến dãy phòng mà theo anh chỉ có giá khoảng 1,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, phòng cũng không hề có view nhìn ra biển như đã thỏa thuận trước đó.

"Tôi đặt phòng 2,2 triệu đồng cho loại phòng Bungalow thì lễ tân thái độ thách thức khách hàng và nói chuyện kiểu chợ búa. Thậm chí lúc sau gọi bảo vệ lên đòi đánh và đập điện thoại của tôi", người này nói trong clip.

Travel blogger này cũng không hề được phục vụ hay đón tiếp chu đáo từ lúc đến resort này. Anh còn bị nhân viên tỏ thái độ và có những lời lẽ không phù hợp với phong cách của người làm dịch vụ.

Cảm thấy sự việc căng thẳng ngoài mong muốn, anh quyết định cùng bạn đồng hành xách vali ra khỏi resort và chấp nhận mất trắng 2,2 triệu đồng.

Trong cơn bão lùm xùm, đại diện phía Aroma gọi sự cố đáng tiếc nói trên là một sự hiểu lầm trong giao tiếp không mong muốn giữa nhân viên resort và khách hàng. Người này cũng thừa nhận, trong quá trình xử lý nghiệp vụ, nhân viên resort đã không có sự đối đáp khéo léo và lịch thiệp cần thiết.

Nhiều người dùng mạng cho rằng bên khách sạn không muốn khách của mình đặt qua trung gian vì đỡ phải mất tiền hoa hồng. "Tôi còn lạ gì mấy cái mánh khóe này, bắt khách đặt trực tiếp để tránh việc chia tiền cho bên thứ 3" hay "Gặp người hiền lành thì cho qua chứ đụng phải nhân vật máu mặt thì sự thật cũng lòi ra thôi" là những lời bình luận từ những thành viên trên diễn đàn du lịch. 

Câu chuyện rắc rối này dần được lắng xuống. Tuy nhiên, việc khách sạn bị tố lừa đảo vẫn là một vấn đề nan giải trong thời buổi hiện nay và chưa có hồi kết. Năm trước, nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. 

Quảng cáo phòng 5 sao nhưng chất lượng không đảm bảo

Đầu tháng 8/2018, cộng đồng mạng xôn xao về việc đoàn khách tố Royal Lotus Hạ Long Resort & Villas đăng ảnh một nơi và nhận phòng một nẻo.

"Lần đầu và cũng là lần cuối đến đây. Villa 5 phòng ngủ mà tận 4 tầng. Phòng chắc rộng khoảng 15 m2. Phòng khách quảng cáo đầy đủ tiện nghi thế kia mà vào đến cái hộp giấy ăn còn không có. Đúng kiểu treo đầu dê, bán thịt chó! Nước nôi không, cốc chén không. Mình bước chân vào còn bất ngờ vì bụi bẩn. Đáng sợ kiểu 5 sao như này", thành viên O.B bức xúc khi chia sẻ thông tin trên các diễn đàn du lịch.

phong khach san toi te anh 3
Bài viết tố khách sạn ở Hạ Long làm ăn không trung thực.

"Chắc đây không phải là villa mà là nhà liền kề, ăn buffet chán lắm. Phòng khách không có tivi. Điều khiển không được cầm...", Tran Thu Huyen viết. Khi đó, thành viên Thanh Hà cũng đồng tình: "Nhìn còn không bằng mấy căn homestay". Cùng nhận định, tài khoản Quang Huy cũng cho rằng căn phòng villa này còn không bằng khách sạn 2 sao.

Xác nhận vụ việc với Zing.vn, L.C, một thành viên khác trong đoàn, chia sẻ gia đình anh đã đặt 3 căn villa, thuê trong 2 ngày với tổng trị giá 42 triệu. Tuy nhiên, khi đến nhận phòng, mọi thứ không như mong đợi.

"Phòng không có tivi và tủ lạnh. Khu bếp không có bát đĩa. Bếp từ không có điện", anh nói. Người đàn ông này nhấn mạnh thêm: "Cả đoàn hào hứng, mong chờ chuyến du lịch mà khi đến đây, điều chúng tôi nhận lại chỉ là sự thất vọng".

L.C cho biết khi thấy phòng không đủ tiêu chuẩn, gia đình anh đã phản ánh với khách sạn và yêu cầu trả phòng. Tuy nhiên, bên resort thông tin nếu trả phòng, nhóm khách sẽ phải mất 50% phí, tức hơn 20 triệu đồng.

Quyết định này khiến các thành viên trong gia đình rất bức xúc. "Khi chúng tôi yêu cầu gặp quản lý hoặc một ai đó có thể đứng ra giải quyết, không ai xuất hiện", O.B nói.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc điều hành khách sạn trên, cho biết đoàn khách này đặt phòng của khu nghỉ dưỡng qua mạng.

Theo ông Sơn, những người này thuê 3 căn villa. Tuy nhiên, 2 trong 3 căn chưa được dọn vì đoàn trước đó mới chuyển đi. Để khách khỏi chờ lâu, nhân viên đã mời đoàn lên căn villa đã dọn dẹp sạch sẽ.

"Tuy nhiên, vì một số nhầm lẫn nào đó, một lúc sau, đoàn khách tức giận, đòi trả phòng và có những lời lẽ không hay", ông nói.

Ngày 14/8/2018, đại diện khách sạn cho biết, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với các bên. Thay mặt các bên liên quan, đại diện khách sạn cũng đã có lời xin lỗi tới khách hàng về những nhầm lẫn cũng như thiếu sót trong dịch vụ. Bên thứ 3 hợp tác với khách sạn trên cam kết trả lại 100% tiền phòng cho khách hàng.

Ai sẽ là người đứng ra chịu đền bù?

Không chỉ những lùm xùm kể trên, thời gian gần đây, hàng loạt những tranh cãi, bức xúc về vấn đề đặt phòng thông qua bên thứ 3 cũng gây nhức nhối với các du khách tại Cát Bà (Hải Phòng), Quan Lạn (Quảng Ninh)...

Chia sẻ với Zing.vn, Phó Tổng cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Hà Văn Siêu nói: "Trong thời buổi ứng dụng công nghệ du lịch phát triển, du khách khó tránh khỏi những rủi ro. Đặt phòng qua mạng không giống với thực tế cũng là một vấn đề mới, đáng quan tâm và cần có sự quản lý chặt chẽ hơn từ chính quyền".

Cùng vấn đề đó, Vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) Vũ Văn Thanh cho biết: "Khi ký hợp đồng hợp tác với nhau, bên công ty quản lý ứng dụng đặt phòng và khách sạn phải bàn bạc, thống nhất để đưa ra những quy tắc, điều luật chung. Trong trường hợp khách hàng cảm thấy thất vọng về dịch vụ tại nơi lưu trú, bên nào có lỗi sẽ phải đứng ra chịu đền bù và đứng ra hòa giải. Nếu không chấp nhận, đôi bên có thể đưa nhau ra tòa để giải quyết".

Theo một số nguồn tin, du khách đặt phòng qua trung gian có chiều hướng gia tăng trong năm nay. "Khách đặt phòng gần biển qua bên thứ 3 chiếm tới 70%. Việc này đánh dấu bước phát triển đề án áp dụng công nghệ vào du lịch. Tuy nhiên, chính quyền cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng và kịp thời ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn ẩu, gây bất lợi cho ngành du lịch nước nhà", vị lãnh đạo cho biết thêm. 

Việt Nam tuyệt đẹp trong clip hướng dẫn khách Tây du lịch một mình Chuyên trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet gợi ý khách nước ngoài muốn du lịch một mình nên đến Việt Nam, đất nước của thiên nhiên tuyệt sắc cùng ẩm thực đa dạng.


Hoài Thương

Bạn có thể quan tâm