Trước việc bà Nguyễn Thị Hằng (vợ bị cáo Nguyễn Mạnh Tường, nguyên là chủ thẩm mỹ viện Cát Tường) nộp đơn kháng cáo đến TAND Hà Nội đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung tịch thu chiếc xe ôtô của vợ chồng họ, theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội), ngoài hình phạt chính tuyên phạt bị cáo Tường 19 năm tù, HĐXX còn có thể áp dụng bổ sung như: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; tịch thu tài sản…
Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định chiếc ôtô Kia của bị cáo Tường dùng để chở xác chị Huyền đem vứt là phương tiện phạm tội. Chiếc xe này đứng tên đăng ký Nguyễn Mạnh Tường được hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên được coi là tài sản chung với vợ là bà Nguyễn Thị Hằng. Điều này được quy định tại Điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2000.
Bị cáo Tường tại phiên tòa sơ thẩm. |
Về nguyên tắc, nếu bà Hằng không có liên quan đến hành vi phạm tội của Nguyễn Mạnh Tường thì tòa chỉ có quyền tuyên tịch thu 1/2 tài sản là chiếc xe ôtô của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình.
Nhưng trong vụ án này, tòa đã xác định bà Hằng là người có lỗi, có hành vi vi phạm pháp luật. Đó là không tố giác tội phạm và đã bị cơ quan điều tra xử lý hành chính.
Bản thân bà Hằng là người ngồi trên xe ôtô cùng Tường và Khánh đi vứt xác chị Huyền. Do Hằng có khuyên can Tường không vứt xác nên cơ quan không đề cập xử lý. Tuy nhiên, sau đó Hằng không tố giác hành vi phạm tội của chồng.
Theo phân tích của vị luật sư, bà Hằng biết đó là xe ôtô là tài sản chung của vợ chồng nhưng không ngăn cản chồng đòi xe ôtô của mình. Điều đó nghĩa là bà Hằng chỉ ngăn cản vứt xác nhưng không ngăn cản đòi xe ôtô.
Tòa án đã xác định bà Hằng là người có lỗi trong việc Tường dùng xe ôtô vứt xác chị Huyền. Tuy nhiên tòa xác định hành vi đó của Hằng chưa đến mức xử lý về mặt hình sự.
Ông Thơm cho rằng, bà Hằng chỉ có thể yêu cầu trả lại nửa giá trị chiếc xe ôtô trong trường hợp không biết hành vi phạm tội của chồng đã dùng xe của vợ chồng để phạm tội và không có mặt trên xe ôtô cùng chồng.
Do đó, TAND TP Hà Nội đã tịch thu chiếc xe ô tô của vợ chồng bị cáo Tường là phương tiện phạm tội là có căn cứ pháp luật.
Điều 40. Tịch thu tài sản
Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ nhà nước. Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật này quy định.
Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.
Điều 41 BLHS. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm
1. Việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với:
a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;
b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có;
c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.
2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.
3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.