Di tích đền thờ Võ Thánh Miếu hiện nay ở huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế vẫn còn 5 tấm bia đá khắc tên các vị tiến sĩ võ. Trong đó, 3 tấm bia được gọi là Võ Công bi ký, Võ công tả bi và Võ công hữu bi.
Bia Võ Công bi ký được khắc lời dụ của vua Minh Mạng về việc tuyển chọn 10 võ tướng có công với triều Nguyễn khi khai quốc.
Dưới thời Lê - Trịnh, sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn miêu tả chi tiết nội dung của các kỳ thi võ học. Năm 1723, chúa Trịnh Cương tổ chức khoa thi võ để tuyển dụng nhân tài phục vụ triều đình. Kỳ thi được tổ chức ở hai cấp là trung ương và địa phương.
Ở cấp địa phương gọi là Sở cử, được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Người đạt trong kỳ Sở cử được thi tiếp Bác cử vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi.
Nội dung kỳ thi này gồm 3 vòng. Vòng thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong binh pháp Tôn Tử. Vòng hai thi các môn võ thuật và kỹ thuật chiến đấu gồm cưỡi ngựa múa mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa mâu, lại đấu kiếm. Mỗi môn chỉ thi một tao. Vòng thứ ba thi về phương lược đánh trận và làm một bài thơ đường.
Khoa thi võ này có 572 thí sinh. Vòng một lấy 188 người. Sau đó, 12 người được chọn vào hạng tam thắng, 16 người vào hạng nhị thắng, 17 người vào hạng nhất thắng, 21 người vào hạng bình phân.
Có 6 người vào hạng thiếu một phân nhưng vì thân thể, diện mạo, can đảm, sức lực có phần khá nên được lựa chọn lấy trúng. 14 người vào hạng nhất thắng nhưng vì thân thể, diện mạo can đảm sức lực bình thường nên không được lấy.
Tranh minh họa về thi võ ngày xưa. |
Sang năm Giáp Thìn (1724), triều đình tổ chức khoa thi Bác cử ở Thăng Long. Nội dung vẫn thi qua 3 vòng nhưng yêu cầu cao hơn. Triều đình cũng tổ chức chấm điểm linh động. Giám khảo xem xét thể chất sĩ tử rồi chia làm 3 hạng để phân phối thi từng hiệp.
Trước hết, họ thi cưỡi ngựa múa siêu đao, lăn khiên và đấu gươm giáo. Cộng kết quả các môn thi lại, đem các trận được trừ đi các trận thua để định người hơn kẻ kém. Những người có khí phách can đảm thì thăng một bậc, người kém lùi một bậc.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, để kiểm tra tính can đảm của thí sinh, người ta lấy cái dùi đồng bên ngoài có bọc rạ rồi đánh vào đầu sĩ tử 3 lần. Nếu người nào không chớp mắt và thân thể không chấn động thì đạt.
Những người đỗ qua 3 vòng thi trong kỳ thi Bác cử được gọi là Tạo sĩ (tương đương tiến sĩ nho học) và được ban mũ áo và hưởng các nghi lễ như sĩ tử đỗ đạt.
Năm 1731, quy chế thi võ được sửa chữa lại. Kỳ thi vẫn gồm 3 vòng nhưng quy định chi tiết là vòng một thi giương cung và múa siêu đao. Cung dùng loại nặng 55 kg, siêu đao dùng hạng nặng 30 kg và 24 kg. Sĩ tử phải giương được cánh cung hết cỡ và múa được thanh đao nặng đó mới qua.
Dưới thời Nguyễn, triều đình tiếp tục duy trì việc tổ chức thi tuyển nhân tài võ học. Giống như thời Gia Long, sau khi lên nắm quyền, vua Minh Mạng tiếp tục củng cố nền khoa cử cho võ học.
Theo Đại Nam thực lục, sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng ra chỉ dụ "điều cốt yếu của trị nước là cả văn lẫn võ, không thể riêng bỏ bên nào. Đặt ra Võ Miếu là việc nên làm... Huống chi bản triều từ ngày khai quốc đến trung hưng, công liệt rực rỡ, không kém người xưa, đáng biểu dương để khuyến khích nhân tài".
Năm 1837, khoa thi Hương võ và Hội võ lần đầu tiên được mở. Triều đình quy định lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi mở khoa thi Hương võ, các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi Hội võ.
Về quy chế thi cử, Hương võ qua ba giai đoạn là mang vật nặng; đấu côn, quyền, đao, thương... và thi bắn súng (súng hỏa mai). Sĩ tử vượt qua ba môn thi nói trên đều được triều đình phong học vị "cử nhân võ", còn gọi là "võ cử". Thí sinh chỉ đạt hai môn được gọi là "tú tài võ".
Sau Hương võ là đến kỳ thi Hội võ và Đình võ. Thí sinh ở các tỉnh về thi ở kinh thành đều được triều đình cấp tiền, gạo đi đường. Vì thời Nguyễn không có lệ lấy trạng nguyên nên người đỗ đầu kỳ thi đình được gọi là Đình nguyên (tiến sĩ võ).
Người đạt học vị tiến sĩ võ thường phải vượt qua ba kỳ thi, đồng thời thông thạo các lý thuyết bài binh bố trận, cũng như nhuần nhuyễn về binh pháp.
Năm Mậu Dần (1878), nhà Nguyễn mở khoa thi Hương võ ở bốn địa điểm là Bình Định, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa và Hà Nội. Đến năm Kỷ Mão (1879), cả bốn trường thi võ trong toàn quốc tuyển được 120 võ cử.
Sau khi lên thay vua Tự Đức, vua Kiến Phúc đã cho mở lại các kỳ thi Hương võ với thể lệ và các bộ môn thi võ là xách tạ, múa quyền, múa côn gỗ, múa đao to, lăn khiên, nhảy xa... Môn thi võ cuối cùng vẫn là bắn súng.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn có nhiều biến động, đất nước đã bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình lập và phế vua liên tục nên việc thi tiến sĩ võ không được tổ chức.