Khi giải nghệ, Saito cân nhắc việc trở thành thợ làm bánh, lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình anh yêu thích.
"Nhưng khi tôi thử, họ bảo người tôi quá lớn đối với không gian bếp. Tôi từng tham gia một số buổi phỏng vấn xin việc nhưng vì không có kinh nghiệm gì, tôi đều bị từ chối", cựu võ sĩ 40 tuổi, từng nặng tới 165 kg, nói với AFP.
Sau khi vươn tới đỉnh cao của môn thể thao này, các đô vật sumo chuyên nghiệp, còn gọi là rikishi, có thể mở võ đường của riêng mình song đây không phải là lựa chọn của số đông.
Vào năm 2021, trong số 89 đô vật chuyên nghiệp giải nghệ, chỉ có 7 người vẫn gắn bó với sumo. Một số người hứng thú với công việc nhà hàng khi có thể tận dụng kinh nghiệm nấu nướng các bữa ăn lớn, số khác làm nghề xoa bóp sau nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các cơn đau nhức hoặc tận dụng thân hình cao lớn để làm nhân viên an ninh.
Cựu võ sĩ sumo Saito từng muốn theo nghề làm bánh sau khi giải nghệ nhưng gặp trở ngại vì thân hình to lớn. |
Khó khăn
Tuy nhiên, việc trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều năm theo đuổi sumo không phải dễ dàng.
Saito cảm thấy tự ti và nhận thấy chuyện tìm việc còn khắc nghiệt hơn nhiều so với những nguyên tắc cứng nhắc anh phải tuân theo hồi còn là rikishi.
"Trong sumo, người chủ lò võ luôn sẵn sàng bảo vệ chúng tôi", anh nói, cho biết thêm chủ lò võ trước đây đã đề nghị hỗ trợ anh một chỗ ở, thức ăn và quần áo cho đến khi anh có thể tự lập.
Nhiều đô vật giải nghệ với rất ít hoặc thậm chí không có tiền tiết kiệm bởi chỉ các rikishi ở hai hạng đứng đầu mới được nhận lương, những người ở hạng thấp hơn chỉ được hỗ trợ chỗ ở, thức ăn và chi phí khi tham gia thi đấu.
Saito muốn làm ông chủ của chính mình và quyết định trở thành người quản lý hành chính, một chuyên gia pháp lý, người có thể chuẩn bị các tài liệu chính thức và cung cấp lời khuyên về pháp lý.
Các đô vật không có hoặc ít kinh nghiệm sống bên ngoài do sinh hoạt trong các lò võ từ ngày trẻ. Với Keisuke Kamikawa, anh gia nhập thế giới sumo năm 15 tuổi. |
Sau khi vượt qua các kỳ thi khó khăn, Saito chọn chuyên ngành là các thủ tục liên quan đến nhà hàng với hy vọng có thể giúp đỡ các cựu đô vật khác. Khách hàng đầu tiên của anh là Tomohiko Yamaguchi, một người bạn làm việc trong ngành nhà hàng, từng là đô vật nghiệp dư.
"Thế giới sumo rất độc đáo và tôi nghĩ rằng người ngoài không thể hiểu được nó", Yamaguchi nói, cho rằng xã hội đôi khi có định kiến với các rikishi.
Ngay cả các đô vật từng nổi tiếng cũng gặp khó khăn để hòa nhập cuộc sống khi hào quang dần tắt.
Keisuke Kamikawa gia nhập thế giới sumo năm 15 tuổi. Khi đó, anh thậm chí chưa tốt nghiệp trung học, không có bất kỳ kinh nghiệm sống nào về thế giới bên ngoài của một người trưởng thành.
Hiện, người đàn ông 44 tuổi đứng đầu trung tâm hỗ trợ cựu đô vật SumoPro đồng thời điều hành 2 trung tâm dành cho người cao tuổi, với một phần nhân viên là các rikishi đã giải nghệ.
"Đó là một thế giới hoàn toàn khác so với sumo nhưng các rikishi đã quen với việc ân cần và chu đáo vì khi còn là đô vật cấp thấp, họ phải phục vụ những người ở cấp trên", Kamikawa giải thích.
Cuộc sống hậu giải nghệ không hề dễ dàng với nhiều đô vật. |
Shuji Nakaita, cựu đô vật hiện làm việc tại một trong những trung tâm của Kamikawa, từng có nhiều năm chăm sóc đô vật lừng danh Terunofuji.
“Tôi chuẩn bị bữa ăn, kỳ cọ lưng cho ông ấy trong bồn tắm... có nhiều thứ tương đồng với việc chăm sóc người già".
Mitsutoshi Ito (70 tuổi) cho biết ông rất thích có cơ hội trò chuyện với các cựu đô vật: "Họ rất mạnh mẽ, đáng tin và nhẹ nhàng".
Kamikawa cũng đã thành lập một nhóm cung cấp lời khuyên về sự nghiệp hậu giải nghệ cho các đô vật và những gia đình lo lắng con trai của họ chưa có kế hoạch cho tương lai.
“Sumo là thế giới mà bạn phải sẵn sàng liều mạng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến. Với những đô vật đang cống hiến hết mình, suy nghĩ về tương lai dường như là một điểm yếu trong sự mạnh mẽ của họ", Hideo Ito, nhà châm cứu làm việc với rikishi hơn hai thập kỷ, nhận định.