Ngày 26/2, ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thành công, tạo nên một bước tiến lịch sử trong ngành ghép tạng. Người chết não còn có thể hiến đa tạng, không chỉ phổi, gan, thận, tim và hai giác mạc đã được trao tặng cùng lúc cho 6 bệnh nhân khác.
Chiều 28/3, sau hơn một tháng, câu chuyện về người hiến lần đầu được tiết lộ. Đó là thiếu tá quân đội Lê Hải Ninh (45 tuổi, quê Yên Mô, Ninh Bình).
“Em không biết việc làm của em đúng hay sai, không biết anh giận em hay không nhưng em muốn anh cứu được nhiều người khác. Anh không thể ở lại, anh đã ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời theo dõi mẹ con em sống như thế nào”, đó là những lời chị Tạ Thị Kiều, vợ anh Ninh nói với chồng trước khi bác sĩ đẩy anh vào phòng mổ ngày 26/2. Chị chạm tay khẽ vào chồng và nói như thể anh còn nghe thấy.
Quyết định hiến đa tạng khi chồng chết não của chị được cả gia đình đồng lòng. Lúc đó, thiếu tá Lê Hải Ninh được xác định đã chết não sau 3 ngày chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến ôm vợ thiếu tá Ninh chia sẻ những mất mát. Ảnh: HQ. |
Nhắc lại khoảnh khắc đó, Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không giấu được xúc động: “Giây phút ấy, chúng tôi không thể nào quên. Chị Kiều không chỉ muốn anh ra đi thanh thản, mà muốn anh ấy còn tiếp tục được cống hiến cho Tổ quốc, được tiếp tục dõi theo gia đình, vợ con".
Theo GS Bàng, khi vào viện, anh Ninh đã rơi vào trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng.
Từ đa tạng hiến của người quân nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cùng Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia đưa tim và một thận vào TP.HCM để ghép cho 2 bệnh nhân. Một thận, hai giác mạc được ghép cho 3 bệnh nhân tại Hà Nội. Trong đó, một thận ghép cho một trung tá đang công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một giác mạc chuyển cho Bệnh viện Mắt Trung ương ghép cho một đại tá.
Sau ghép 30 ngày, các bệnh nhân diễn biến tốt, sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định. Riêng bệnh nhân ghép phổi hồi phục tốt và đang tập vận động chức năng.
“Thiếu tá Lê Hải Ninh là tấm gương sáng ngời về lòng nhân ái. Sự ra đi của anh không là hư vô vì từ cái chết này, sự sống khác được hồi sinh. Tận sâu trong trái tim những người thầy thuốc, chúng tôi bày tỏ tiếc thương trước sự ra đi của đồng chí cũng như bày tỏ sự ngưỡng mộ với nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của đồng chí và gia đình đồng chí. Đây sẽ là động lực lan tỏa tới hàng triệu trái tim, tới cộng đồng về tình yêu thương và trách nhiệm đối với đồng chí, đồng đội và toàn xã hội”, Trung tướng Bàng nói.
Cha mẹ và hai con trai của thiếu tá Ninh tại buổi lễ tri ân. Ảnh: HQ. |
Nén đau thương trước sự ra đi đột ngột của con trai, ông Lê Xuân Cự chia sẻ: “Trong sâu thẳm tâm tưởng của gia đình chúng tôi còn day dứt những nỗi buồn khó tả. Dù vậy, các ca ghép tạng được lấy từ các bộ phận cơ thể do con hiến tặng đã thành công, là nguồn an ủi động viên xen lẫn tự hào của gia đình họ tộc”.
Tại buổi lễ tri ân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho gia đình thiếu tá Lê Hải Ninh. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng trao thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh ban đầu cho cha mẹ, vợ con và giấy cam kết nhận đặc cách hai con của anh vào bệnh viện công tác nếu hai cháu học theo ngành y.
Bộ trưởng Tiến cũng cho biết hiện nay Bộ Y tế đã có đề tài chỉ định với Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện ca ghép phổi từ người cho chết não. Hai bệnh viện này vẫn đang hoàn thiện kỹ thuật này.
Trong khi đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện được thành công ca ghép đầu tiên, làm chủ kỹ thuật ghép phổi ngang tầm khu vực và thế giới.