Sáng 3/10, vừa dựng xe trước cửa một phòng khám thú y trên đường Nguyễn Văn Lạc (quận Bình Thạnh, TP.HCM), bà Lan (62 tuổi) dặn chồng đứng ngoài chờ, còn mình vội bế cún cưng vào kiểm tra sức khỏe.
Trong phòng khám, thấy chú chó cựa mình khi bác sĩ cắm mũi kim truyền, bà Lan vừa xoa đầu, vừa nhỏ giọng dỗ dành nó như đang nói chuyện với một đứa trẻ: "Con ngoan nha, sắp khỏe rồi".
Phòng thú y tất bật hậu giãn cách
Chia sẻ với Zing, bà Lan cho biết từ 3 hôm trước, chú chó của bà bất ngờ xuất hiện tình trạng ói mửa và bỏ ăn. Vợ chồng bà lo lắng, vừa hết giãn cách xã hội liền gọi điện ngay cho phòng khám thú y hẹn lịch và đưa cún cưng đến chữa bệnh.
"Chú chó của tôi bị bệnh từ ngày 30/9, tôi phải nhắn tin cho bác sĩ thú y xin tư vấn bởi ngày đó thành phố vẫn còn giãn cách xã hội. Vợ chồng tôi coi nó như con, nhìn nó bệnh mà lo tới mức mất ăn, mất ngủ. 1-2h, tôi vẫn tỉnh dậy để coi nó có gì bất thường hay không. Ngày 2/10, tôi đã đưa nó tới đây truyền nước, hôm nay lại đến tái khám", bà nói.
Bà Lan ôm chặt chú chó cưng của mình tại phòng khám thú y. |
Tại một phòng khám thú y khác trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức), Hoàng Thi bế cún cưng đến khám bệnh trong tâm trạng rối bời.
Chú chó của Thi gần một tuổi, mắc căn bệnh viêm dây thần kinh cơ khiến 2 chân sau không thể hoạt động bình thường. Ôm chặt chú chó mặc tã trên tay, Thi kể rằng suốt 4 tháng giãn cách xã hội, cô không thể mua thuốc cho chó, cũng không thể nhờ bác sĩ can thiệp trực tiếp.
Bệnh tình chú chó ngày càng trở nặng, chỉ đến khi được nới lỏng giãn cách, Thi mới có thể bế chó đi tiêm thuốc với hy vọng giữ chú ở lại với mình.
"Những ngày giãn cách, tôi phải gọi điện đến phòng khám thú y nhờ bác sĩ xem bệnh, hỗ trợ điều trị từ xa cho chú cún. Khi đó tôi đâu thể đi mua thuốc cho nó được, bác sĩ đành hướng dẫn tôi cho chó uống một số loại thuốc dành cho người mà có sẵn ở nhà . Hôm nay, phòng khám vừa mở cửa trở lại, tôi phải bế chó đến ngay. Nó bị nặng rồi, phải tiêm chứ không uống thuốc được nữa", Thi buồn rầu nói.
Hoàng Thi (bên phải) đưa chú chó bị bệnh đi tiêm thuốc, không quên cầm theo sổ sức khỏe của chó để bác sĩ theo dõi. |
Tuy nhiên, không phải thú cưng nào đến phòng khám thú y cũng mắc bệnh nặng. Nhiều chú chó, mèo chỉ đến tiêm phòng, khám sức khỏe tổng quát hoặc mua sắm thêm thức ăn, đồ dùng.
Tại một số phòng khám thú y trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Nguyễn Hoàng, Xuân Thủy, đường số 41 Thảo Điền (TP Thủ Đức), có thể thấy trong cùng một thời điểm, mỗi nơi có khoảng 3-4 chủ nuôi đưa thú cưng đến thăm khám.
Tất cả đều chú ý đeo khẩu trang, cố gắng đảm bảo giãn cách đủ 2 m và chủ động hạn chế trò chuyện. Ngoài ra, họ cũng luôn giữ chó, mèo của mình trong lồng riêng.
Nhiều chú chó, chú mèo khác được đi khiểm tra sức khỏe, cắt tỉa lông hoặc mua sắm đồ dùng mới. |
Bác sĩ thú y tất bật từ sáng đến tối
Suốt từ 8h sáng đến gần giờ trưa, bác sĩ thú y Đặng Quỳnh (30 tuổi) mới có vài phút nghỉ tay.
Anh cho biết từ khi phòng khám của mình tại quận Bình Thạnh mở cửa lại vào ngày 2/10, các bác sĩ liên tục đón các "bệnh nhân 4 chân" tới khám bệnh, tiêm ngừa.
"Phòng khám được hoạt động lại rồi, tôi rất vui vì được tiếp tục khám chữa cho thú nuôi. Trong dịch, nhiều con ốm đau mà không thể tới khám, phải chịu đựng cơn đau suốt thời gian dài", anh chia sẻ.
Một phòng khám thú y khá đông đúc trong sáng 3/10. |
Tuy nhiên, anh Quỳnh vẫn khá lo lắng khi đi làm bởi công việc của anh phải tiếp xúc với nhiều chủ nuôi thú cưng, có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Để đảm bảo an toàn, anh Quỳnh và đồng nghiệp cũng mặc áo bảo hộ suốt thời gian làm việc.
Ngoài ra, phòng khám của anh cũng yêu cầu chủ nuôi phải có chứng nhận tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, đồng thời gọi điện trước để hẹn giờ, tránh tập trung đông người.
"Mặc áo bảo hộ suốt rất nóng bức, bất tiện nhưng tôi vẫn chấp nhận vì sức khỏe bản thân. Các chủ nuôi đều đeo khẩu trang, giãn cách và đã tiêm vaccine nên tôi cũng khá yên tâm", anh vừa nói, vừa tranh thủ sát khuẩn bàn khám bệnh.
Anh Quỳnh xịt vệ sinh bàn khám bệnh. |
Còn đối với bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh (TP Thủ Đức), việc được khám chữa trở lại cho những chú chó, chú mèo là niềm vui rất lớn của chị. Làm nghề thú y đã nhiều năm, đây là giai đoạn đầu tiên chị Kim Anh thấy nhiều chó, mèo tử vong vì không được can thiệp y tế kịp thời đến vậy.
"Trong đợt dịch vừa rồi, có nhiều chó, mèo ở nhà tử vong. Tôi thường xuyên hỗ trợ khách hàng của mình cách điều trị bệnh chó, mèo tại nhà, nhưng thiếu thuốc thang và bác sĩ, thú cưng vẫn không qua khỏi.
Những ngày này mở cửa lại rồi, tôi được gặp lại những bệnh nhân 4 chân của mình. Nhiều con bị nặng lắm, tôi chỉ có thể cứu chữa hết sức mình. Nhìn chủ của chúng lo lắng, tôi cũng buồn theo và cầu mong thú cưng có thể khỏe dần lại nhờ được cứu chữa kịp thời tình yêu thương của chủ", chị nói.
Trong dịch, bác sĩ thú y Kim Anh thường tư vấn từ xa cho những chủ nuôi có thú cưng mắc bệnh nặng. |