Mới đây, những hình ảnh về trường hợp nâng ngực hỏng của chị Ngô Lan Hương (sinh năm 1981, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được đăng tải lên mạng xã hội thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngày 13/5, chị Hương đã chi 13.000 USD để thực hiện nâng ngực tại một thẩm mỹ viện thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một ngày sau ca mổ, người phụ nữ này vẫn cảm thấy yếu, đau tại vết mổ, chóng mặt không thể ngồi dậy. Đặc biệt, sau 10 ngày nâng ngực, vòng một của chị Hương vẫn bầm tím, chảy máu, sưng tấy bất thường.
Vòng một sưng tấy, bầm tím bất thường của chị Hương sau khi nâng ngực. Ảnh: Facebook. |
Liên hệ với bệnh nhân, chị cho hay sức khỏe rất yếu, ngực vẫn còn sưng tấy, có biểu hiện áp xe, đau đớn và đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội).
Chẩn đoán qua hình ảnh, BSCKII Vũ Sơn (Tốt nghiệp Học viện Quân y) cho rằng bệnh nhân được phẫu thuật nâng ngực qua đường quầng vú, dễ làm tổn thương tuyến vú, mô tuyến nên có thể bị sưng, bầm. Vì vậy, các bác sĩ thẩm mỹ hiện nay cũng hạn chế lựa chọn nâng ngực bằng phương pháp trên.
Với trường hợp này, bệnh nhân cần được hút dịch tụ và điều trị các vết máu bầm. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, bao xơ quanh túi ngực.
Những biến chứng có thể gặp phải khi nâng ngực
TS Nguyễn Huy Thọ - nguyên Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình - Bênh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết mặc dù phẫu thuật nâng ngực bằng túi độn là một loại phẫu thuật thông dụng, có độ an toàn cao, vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Một báo cáo tại Hội nghị thẩm mỹ Pháp - Việt được tổ chức tại Đại học Y Hà nội tháng 10/2015 cho thấy tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật nâng ngực là 5,8% trên tổng số 1.561 túi độn ngực. Các biến chứng sớm sau mổ (tụ máu, nhiễm trùng, toách vết mổ) là 2,3%. Các biến chứng muộn như vỡ túi silicone 2%, túi giọt nước bị xoay 0,5%, co thắt bao xơ 1%.
TS Nguyễn Huy Thọ cho hay rất nhiều trường hợp bị tai biến, thậm chí tử vong do được làm tại các cơ sở mà chủ cơ sở thiếu kinh nghiệm.
Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất đó chính là kỹ thuật gây tê và gây mê. Thông thường, thủ thuật gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trang thiết bị đầy đủ.
Trong quá trình gây tê, nếu bệnh nhân không được thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sốc phản vệ. Bệnh nhân gặp phải tình trạng này nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng.
Ngoài ra, những phẫu thuật gây chảy máu nhiều cũng khá nguy hiểm, trong khi nâng ngực nếu quá trình cầm máu không tốt gây tràn máu, tràn khí vào khoang phế mạc, ép phổi cũng là một biến chứng nguy hiểm.
Quy trình thực hiện phẫu thuật nâng ngực
Nâng ngực bằng mỡ tự thân
- Bác sĩ kiểm tra khối lượng thực tế và dự kiến lượng mỡ cần bù cho khuôn ngực.
- Kỹ thuật vô cảm cho bệnh nhân để giảm đau, cầm máu, giúp vết thương nhanh lành.
- Hút mỡ từ bụng dưới, hai bên mạn sườn hoặc mặt trong, mặt ngoài đùi của chính bệnh nhân bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc thủ công.
- Số mỡ hút ra được đựng trong các lọ nhỏ sau đó chuyển vào máy ly tâm.
- Lấy phần mỡ tinh lọc nạp vào bộ phận cần nâng bằng xilanh. Bác sĩ sẽ sử dụng khoảng 100-150 cc, thậm chí 300 cc để bơm vào khuôn ngực.
Nâng ngực bằng cách đặt túi độn
- Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về việc chọn túi ngực thích hợp (loại gel, kích thước, hình dáng).
- Bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau đó được gây mê toàn thân.
- Để đặt túi silicon gel theo kích cỡ mong muốn, bác sĩ phải mở một đường rạch trên 4 cm. Có 3 đường rạch để đưa túi gel vào ngực chị em, bao gồm đường nách, đường quầng và đường nếp vú. Bệnh nhân có quầng vú rộng, bác sĩ có thể thực hiện qua đường quầng vú. Những bệnh nhân mới lớn nên chọn đường nách. Người có khuôn ngực chảy sệ mức độ nhẹ nên mổ qua đường nếp vú.
Theo biên bản Thanh tra Sở Y tế Hà Nội làm việc với lãnh đạo bệnh viện ngày 23/5, cơ sở thẩm mỹ đã theo dõi vết mổ cho người phụ nữ này hàng ngày, từ khi cô được nâng mũi và ngực đến ngày 21/5. Thanh tra yêu cầu bệnh viện tiếp tục chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân, giải quyết những thắc mắc. Trong trường hợp có biến chứng liên quan đến phẫu thuật, bệnh viện cần tổ chức hội chẩn, chuyển tuyến cho bệnh nhân nếu cần thiết và báo cáo lại.
Ngày 24/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh sự việc được bệnh nhân phản ánh, bệnh viện chăm sóc và điều trị bảo đảm an toàn cho người bệnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.