Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vòng một 'khủng' hết thời

Làn sóng “giải phẫu ngược” đang lan rộng khắp các bệnh viện thẩm mỹ ở New York (Mỹ). Nhiều Gen Z và Gen Y chọn tháo túi ngực, làm tan filler để lấy lại vẻ đẹp nguyên bản.

Người mẫu Kendall Jenner luôn khẳng định bản thân tôn sùng vẻ đẹp tự nhiên. Ảnh: @kendalljenner.

Ở tuổi 18, Stevie Hatch quyết định nâng ngực để cảm thấy tự tin về ngoại hình. Từ vòng một chưa đầy A cup, cô chọn túi ngực 450 cc, chuyển mình thành hình mẫu quyến rũ kiểu “nữ thần Instagram” vốn phổ biến trong những năm 2010.

Hai thập kỷ sau, Hatch, hiện làm việc trong lĩnh vực kinh doanh ở Orlando (Mỹ), nói lời chia tay với bộ ngực nhân tạo của mình.

“Việc tháo túi ngực không liên quan đến cảm giác tội lỗi hay xấu hổ. Tôi chỉ muốn về lại với chính mình. Tôi cảm thấy như mình đang trở về nhà, về một phiên bản trung thực và nhẹ nhõm hơn”, cô nói.

Câu chuyện của Hatch không hiếm. Trên các nền tảng như TikTok và Instagram, phụ nữ trẻ khắp nơi tại Mỹ chia sẻ trải nghiệm tan filler, tháo túi ngực, ngừng botox như một cách “làm sạch” cơ thể khỏi các chuẩn mực thẩm mỹ cũ, theo NY Post.

phau thuat tham my anh 1

Stevie Hatch (bên trái) nâng ngực để cảm thấy tự tin về ngoại hình khi cô 18 tuổi. Ảnh: Stevie Hatch.

Rylii Warnick bắt đầu tiêm filler môi vào năm 2020, khi cô 23 tuổi, giữa thời điểm mạng xã hội tràn ngập hình ảnh các gương mặt “búp bê” với môi tều, cằm nhọn và làn da căng bóng.

Là một chuyên viên thẩm mỹ trẻ ở Utah (Mỹ), Warnick dễ dàng tiếp cận với công nghệ và sản phẩm làm đẹp, nhưng cũng chính vì thế mà sớm rơi vào vòng lặp “chỉnh sửa liên tục”.

“Lúc đầu chỉ là một ít để viền môi rõ nét hơn nhưng rất nhanh sau đó, tôi bắt đầu tiêm thường xuyên. Cảm giác như lúc nào cũng cần ‘dặm thêm chút nữa’ để giữ vẻ ngoài thật tươi mới, thật cuốn hút”, cô kể.

Khoảng một năm sau, Warnick nhìn vào gương và thấy hình ảnh phản chiếu không còn là mình. “Môi tôi sưng phồng quá mức, đường nét thì lệch lạc. Tôi trông không giống như chính mình nữa, mà giống một phiên bản lố lăng nào đó”.

Cô quyết định dừng lại, tiêm tan toàn bộ filler và đối mặt với những thay đổi tự nhiên của khuôn mặt. Việc nói không với filler không khiến Warnick cảm thấy “tụt hạng” trong ngành làm đẹp, trái lại, nó giúp cô kết nối tốt hơn với khách hàng.

“Tôi có thể chia sẻ thật lòng với họ rằng: chúng ta không cần thay đổi gương mặt để thấy mình có giá trị”, Warnick nói. Kể từ khi đăng video chia sẻ hành trình “gỡ bỏ lớp mặt nạ thẩm mỹ” trên TikTok, cô nhận được hàng trăm tin nhắn từ những phụ nữ trẻ cũng đang cân nhắc làm điều tương tự.

Xu hướng "thẩm mỹ ngược" này còn được thúc đẩy bởi hàng loạt người nổi tiếng. Molly-Mae Hague, cựu thí sinh chương trình truyền hình thực tế Love Island, đã công khai tan toàn bộ filler ở má và môi. “Nếu filler tồn tại vĩnh viễn, tôi đã phá hủy gương mặt mình,” cô thừa nhận.

Ariana Grande thì chọn cách chia tay botox và filler từ năm 2021. “Tôi hy vọng nếp nhăn quanh miệng sẽ ngày một rõ hơn, vì điều đó có nghĩa là tôi đã cười nhiều hơn”, nữ ca sĩ nói trong một video lan truyền mạnh trên mạng xã hội.

Bác sĩ thẩm mỹ David Hidalgo ở New York cho biết phòng khám của ông chứng kiến lượng lớn người đến yêu cầu tan filler và thu nhỏ túi ngực.

“Bệnh nhân không còn muốn trông khác biệt. Họ chỉ muốn trông khỏe mạnh, tự nhiên và là chính mình. Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên nơi sự minh bạch và tự nhiên là vẻ đẹp tuyệt đối”, ông chia sẻ.

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều phụ nữ xem trào lưu này là một hành động trưởng thành. Bởi chỉ những phụ nữ từng trải, từng thay đổi cơ thể vì ánh nhìn của người khác mới hiểu giá trị của việc quay về với ngoại hình thực sự của bản thân.

“Tôi tự tin hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên sau thời gian dài, tôi cảm thấy cơ thể mình quyến rũ và tự nhiên, không cần chứng minh điều đó với ai cả”, Hatch nói.

'Thiên thần nội y' Hàn Quốc sau 6 năm nổi tiếng

Trên trang cá nhân, Jin Jin - hot girl nội y từng nổi tiếng ở nhiều quốc gia châu Á - chủ yếu đăng ảnh du lịch, kín tiếng chuyện tình cảm.

Nữ quyền có từ bao giờ?

Kể từ khi ra đời vào khoảng năm 1873, chủ nghĩa nữ quyền đã góp phần định hình hệ thống luật pháp, văn hóa và xã hội trên toàn thế giới. Cuốn sách Nữ quyền - Khái lược những tư tưởng lớn mang đến cái nhìn tổng quan sinh động về một trong những phong trào xã hội quan trọng và có ảnh hưởng, nhưng cũng gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Đông Tùng

Bạn có thể quan tâm