Phóng viên mảng văn hóa - giải trí ở Việt Nam không còn lạ gì việc một tháng tham dự một buổi ra mắt sản phẩm âm nhạc. Thậm chí, có tuần đến 2-3 ca sĩ tổ chức họp báo ra mắt album, MV.
Nhưng rất ít trong số đó là những tác phẩm mới hoàn toàn, được đầu tư chất xám để sáng tạo. Sự đầu tư của nhiều nghệ sĩ chỉ dừng lại ở việc làm mới các ca khúc cũ, trong khi đó, các sản phẩm mới lại thường ở dạng đơn lẻ như đĩa đơn, video ca nhạc.
Đi ngược lại xu hướng thế giới
Cũng giống như các xu hướng âm nhạc phương tây từng trở thành trào lưu tại Việt Nam, 2 năm trở lại đây, nhạc điện tử trở thành địa hạt để nhiều nghệ sĩ khai phá.
Không thể phủ nhận được điều này đã tác động tốt đến thị trường âm nhạc, nhưng vẫn quá nhỏ bé so với các sản phẩm được sản xuất theo "công nghệ tái chế”. Nhiều nghệ sĩ vẫn ra mắt album mới nhưng không hề mới bởi đa phần chỉ hòa âm, phối khí lại những bài hát cũ.
Những ca sĩ được biết đến qua những cuộc thi ca hát như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn đều lựa chọn cách an toàn này. Những đĩa nhạc dân ca, bolero hay những bản nhạc xưa, trữ tình được thu âm lại.
Bên cạnh đó, những ca sĩ có sự nghiệp nổi tiếng như Lệ Quyên, Hồ Quỳnh Hương… cũng chọn những bản nhạc xưa để tuyển tập vào các sản phẩm hay các live show ca nhạc.
Nữ ca sĩ Hà Vân ra mắt album dòng nhạc bolero sau cuộc thi Nhân tố bí ẩn mùa đầu tiên. |
Cùng với sự nổi lên của nhạc điện tử thì bolero cũng có dấu hiệu hồi sinh qua loạt game-show trên truyền hình. Những ca sĩ bước ra từ cuộc thi này đều hát lại và ra mắt những ca khúc cũ bởi dòng chảy âm nhạc không còn phù hợp với thị hiếu khán giả ngày nay để có được những sáng tác mới.
Có thế nói Vpop đang đi ngược quá trình để có thể bùng nổ và thành công?
Nhìn ra thị trường quốc tế, một nghệ sĩ Mỹ thường dành từ 1-2 năm để cho ra những sản phẩm âm nhạc mới. Đặc biệt là nghệ sĩ người gốc Barbados – Rihanna – nữ hoàng nhạc số có sức làm việc đáng nể khi cô đều đặn cho ra những sản phẩm gây tiếng vang.
Sau khi phát hành album, họ thường có những chuyến lưu diễn để bảo bá sản phẩm. Vé thường được tẩu tán chỉ sau ít giờ, thậm chí ít tiếng mở bán. Những tour diễn này thường kéo dài suốt năm và mở rộng địa điểm tổ chức các buổi biểu diễn trên toàn cầu.
Mục đích của các tour diễn, ngoài việc bán vé, còn để quảng bá cho những sản phẩm âm nhạc mới nhất của mình.
Đối với thị trường âm nhạc Việt Nam, điều này khá hiếm hoi. Dường như Vpop đang đi ngược lại với xu hướng thế giới ở điều này.
Chọn con đường đúng công thức
Lê Cát Trọng Lý – một tên tuổi không còn mới ở Việt Nam chọn cho mình con đường đi rất giống với nghệ sĩ quốc tế dù âm nhạc của cô đậm chất Việt.
Sau thành công với hit Chênh vênh, Lê Cát Trọng Lý cho ra mắt 3 đĩa nhạc, dung chứa nhiều tác phẩm mới do cô sáng tác và trình bày.
Sau mỗi lần ra mắt, cô thường tổ chức những đêm diễn ở cả hai miền nam bắc giới thiệu sản phẩm của mình. Có thể xem, Lê Cát Trọng Lý là người đã thực hiện đúng công thức của thế giới.
Bên cạnh Lê Cát Trọng Lý, diva Trần Thu Hà và Phạm Anh Khoa cũng là cái tên manh nha thực hiện được điều này. Sau khi ra mắt đĩa nhạc Bản nguyên, Hà Trần đã thực hiện một vài live show nhỏ ở Hà Nội, TP HCM để quảng bá cho sản phẩm âm nhạc này.
Hay Phạm Anh Khoa, sau khi ra mắt album Phá (gồm nhiều bài hát cũ được phối khí lại), anh tổ chức một loạt các đêm diễn phục vụ cồng động để giới thiệu sản phẩm âm nhạc của mình.
Trong năm 2015, có hai chương trình ca nhạc khá ấn tượng khác là Mỹ Tâm Live Concert (Mỹ Tâm) và Chuyến bay đầu tiên (Sơn Tùng) nhưng chưa mang đúng nghĩa của việc quảng bá các sản phẩm mới.
Chương trình Master of Symphony quy tụ dàn diva nhưng hát những ca khúc cũ. |
Nhìn lại 1 thập kỷ trước, những ca sĩ như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Đan Trường… vẫn tổ chức những live show lớn để quảng bá sản phẩm mới.
Dù dưới danh nghĩa kỷ niệm 10 năm, 15 năm ca hát thì những đêm nhạc này vẫn có mục đích giới thiệu đĩa nhạc mà họ ra mắt gần đó.
Các show ca nhạc tổ chức bán vé (và không bán vé) vẫn diễn ra đều đặn nhưng không mang hình thức quảng bá sản phẩm mới.
Những cái tên nổi tiếng trong nước như diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh hay làn sóng các ngôi sao hải ngoại trở về nước như Tuấn Ngọc, Bằng Kiều, Ngọc Anh, Minh Tuyết, Thu Phương…. vẫn đều đặn tổ chức đêm nhạc nhưng đa phần đều hát những tác phẩm cũ.
Những chương trình ca nhạc này thường có kịch bản tương tự nhau, và đôi lúc, ca khúc biểu diễn cũng na ná nhau.
Sự bế tắc của các giải thưởng âm nhạc
Sự èo uột của ngành giải trí khiến cho các giải thưởng âm nhạc cũng trở nên kém hấp dẫn hơn. Nhiều nghệ sĩ xin rút tên ra khỏi giải thưởng, trong khi đó, khán giả thể hiện quay lưng.
Những giải thưởng như Làn sóng xanh, HTV Awards (cả lĩnh vực truyền hình), Mai Vàng (các lĩnh vực nghệ thuật khác) đều cho thấy sự kém thu hút so với khoảng 5 trở về trước. Bên cạnh đó, có giải thưởng đã phải bỏ đi hạng mục vì nhận thấy thị trường âm nhạc không đáp ứng được.
Mới đây, giải thưởng âm nhạc Cống hiến cũng cho thấy tình trạng tương tự. Giải thưởng chỉ “nóng” lên khi Hồ Ngọc Hà bị loại ra khỏi danh sách đề cử cuối cùng ở một hạng mục giải thưởng.
Trong khi đó, có tờ báo cho rằng Sơn Tùng M-TP là con “tốt thí” nhằm gây sự chú ý đến khán giả của ban tổ chức. Suy nghĩ này không phải vô lý, bởi Cống hiến là giải thưởng do nhà báo bình chọn.
Các hạng mục đề cử của Sơn Tùng cũng từng được báo chí bạn luận về nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có nghi án đạo nhạc.
Tranh cãi khi Sơn Tùng lọt 4 đề cử giải thưởng Âm nhạc Cống hiến. |
Có lẽ Việt Nam chưa cần nhiều giải thưởng âm nhạc, vì xét đến cùng giải thưởng là để tôn vinh các sản phẩm âm nhạc và nghệ sĩ. Một năm có quá ít các sản phẩm âm nhạc, chưa bàn đến chất lượng, vô hình trung, kiểu so bó đũa chọn cột cờ.
Vì thiếu đề cử, ban tổ chức phải gạn đục khơi trong để đưa ra những cái tên hợp lý. Vì thế, chuyện Sơn Tùng một mình một ngựa ở đề cử Ca sĩ của năm, Mew Amazing (Lê Đức Hùng) ở hạng mục nhạc sĩ với các tên tuổi cách thế hệ, tầm diva là điều không hề khó hiểu.
Nói một cách khác, không có lựa chọn đề cử vì thị trường âm nhạc quá èo uột vào thiếu những yếu tố đổi mới.